Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 4.9, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, do ông Phạm Hùng Thái- Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì, giám sát UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án vị trí việc làm. Tham dự buổi làm việc có ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh.
Ông Phạm Hùng Thái chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong giai đoạn từ ngày 25.6.2012 đến ngày 30.6.2020, các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập đã được tổ chức ổn định và sắp xếp theo hướng tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu quả.
Đối với cơ quan hành chính, tại thời điểm ngày 25.6.2012: Cấp tỉnh có 21 cơ quan hành chính và tương đương. Tổng số phòng, ban và tương đương trực thuộc cơ quan hành chính cấp tỉnh là 154 (gồm: 16 Chi cục, 02 Ban, 136 Phòng và tương đương). Cấp huyện: 108 cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã (mỗi huyện, thị xã có 12 phòng, ban chuyên môn).
Tính đến thời điểm 30.6.2020: Cấp tỉnh: 19 cơ quan hành chính và tương đương; tổng số phòng, ban và tương đương trực thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và tổ chức hành chính cấp tỉnh là 109 (gồm: 07 Chi cục, 03 Ban và 01 Trung tâm Hành chính công, 98 phòng và tương đương). Cấp huyện: 108 cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố (mỗi huyện, thị xã, thành phố có 12 phòng, ban chuyên môn).
Như vậy, trong giai đoạn 2012 - 2020, số lượng cơ quan hành chính của tỉnh giảm 02 cơ quan do giải thể Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, đạt tỷ lệ giảm 9,52%.
Ông Võ Đức Trong phát biểu tại buổi giám sát.
Số lượng phòng, ban, chi cục và tương đương giảm 45 (chi cục giảm 08, thành lập 01 Trung tâm Hành chính công tỉnh, phòng giảm 38) trong tổng số 154 đơn vị, đạt tỷ lệ giảm 29,22%. Số lượng phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện được giữ nguyên do Chính phủ chưa ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05.5.2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến thời điểm ngày 25.6.2012, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh là 758 đơn vị, trong đó: đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh: 220 đơn vị; đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện: 538 đơn vị.
Tại thời điểm ngày 30.6.2020, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh là 651 đơn vị, trong đó: đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh: 182 đơn vị; đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện: 469 đơn vị.
Như vậy, trong giai đoạn 2012– 2020, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện sắp xếp hợp nhất, sáp nhập, giải thể giảm 107 trong tổng số 758 đơn vị, đạt tỷ lệ giảm 14,11%.
Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, tính đến ngày 30.6.2020, toàn tỉnh có 21.119 công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã; trình độ chuyên môn nghiệp vụ: sau đại học 855 (tỷ lệ 4,04%); đại học: 12.332 (tỷ lệ 58,39%); cao đẳng, trung cấp, sơ cấp: 7.932 (tỷ lệ 37,55%); trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp: 1.540 (tỷ lệ 7,29%), trung cấp 4.029 (tỷ lệ 19,08%).
Nhìn chung, số lượng cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2012 đến nay có giảm nhưng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học (Tiến sỹ: 08 người chiếm tỷ lệ 0,04%, Thạc sĩ: 847 người chiếm tỷ lệ 4,01%) phát huy được năng lực chuyên môn trong giải quyết công việc, góp phần thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc phân công, bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức phát huy được năng lực chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Qua sắp xếp, thực hiện Đề án vị trí việc làm, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tinh giản biên chế theo quy định đối với 176 trường hợp (42 công chức, 134 viên chức) không đạt trình độ chuyên môn theo yêu cầu vị trí việc làm đang đảm nhận.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát.
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu ý kiến, đóng góp thêm cho việc thực hiện Đề án vị trí việc làm, như cần làm rõ quy định về số lượng biên chế đối với những đơn vị tự chủ kinh phí, thiếu biên chế ngành giáo dục, ngành y tế, kiểm tra lại lộ trình thực hiện Đề án v.v…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Võ Đức Trong-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhận xét qua kết quả giám sát cho thấy, hiện nay, Tây Ninh đang thực hiện Đề án vị trí việc làm nhưng chưa quyết liệt, chưa đảm bảo lộ trình về thời gian. Chưa có đột phá trong thực hiện việc này. Hầu hết các đơn vị đều giữ nguyên biên chế hoặc kiến nghị tăng chứ không giảm biên chế. “Để có sự đột phá mới, cần có suy nghĩ đột phá tạo ra sự khác biệt. Đề án vị trí việc làm mới thật sự đi vào cuộc sống ”-ông Trong nhấn mạnh.
Đề cập đến những nội dung giám sát, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, trong quá trình thực hiện Đề án vị trí việc làm có những khó khăn khách quan và chủ quan. Để giải quyết vấn đề này phải hợp tình hợp lý. “Qua giám sát lần này, tôi mong muốn, ngoài những kiến nghị UBND tỉnh trong thời gian tới, đoàn cần kiến nghị Trung ương giải quyết những bất hợp lý đã nêu”-ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị.
Đại Dương