Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giáo dục chuyển mình và tâm tư nhà giáo
Thứ tư: 10:32 ngày 16/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bằng hình thức trực tuyến, ngày 15.8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp gỡ

Tham dự có đại diện lãnh đạo, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và hơn 400 điểm cầu của các trường đại học. Tổng cộng có 700.000 giáo viên các cấp học bậc học trong cả nước tham dự buổi gặp gỡ qua hơn 40.000 điểm cầu.

Hơn 6.000 ý kiến gửi đến Bộ GD&ĐT

Trước khi sự kiện diễn ra, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến, trong đó có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.

Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như: triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).

Đối với giáo dục đại học, ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới…

Phát biểu trong lần đầu tiên gặp gỡ, trao đổi với giáo viên cả nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: “Đứng trước một trăm người, một ngàn người đã thấy căng thẳng, huống hồ đứng trước gần một triệu người. Có người khuyên tôi không nên tổ chức cuộc gặp gỡ này, nhưng tôi vẫn quyết định gặp đội ngũ cán bộ, giáo viên”.

Báo cáo tổng hợp ý kiến giáo giới cả nước, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân thông tin có hơn 4.000 ý kiến của giáo viên trong tổng số hơn 6.000 ý kiến của người trong ngành gửi về Bộ GD&ĐT, mặc dù đây chỉ là buổi gặp gỡ chứ không phải trả lời ý kiến kiến nghị. Nhóm ý kiến về chế độ chính sách, có hơn 2.000 ý kiến đề nghị xem lại chính sách tiền lương, nhiều giáo viên phải bỏ nghề vì thu nhập từ nghề không đủ sống. Nếu không cải thiện tiền lương, tình hình giáo viên bỏ nghề sẽ tiếp tục gia tăng. Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ tăng phụ cấp đứng lớp đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Vậy việc này có được thực hiện không, nếu có, bao giờ thực hiện. Nhiều ý kiến của giáo viên mầm non đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như giai đoạn trước đây, quyết định tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ trong ngành, đặc biệt giáo viên mầm non, là không hợp lý. Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều ý kiến của cán bộ quản lý trên cả nước phản ánh đến nay, năm thứ tư thay sách nhưng vẫn chưa có thiết bị dạy học. Cán bộ quản lý cũng đề nghị xem lại việc tuyển sinh đại học bằng học bạ, vì độ tin cậy thấp. Cán bộ quản lý còn “phàn nàn” nhiều giáo viên lên lớp không chịu dạy, ngồi chờ hết giờ rồi về, chỉ khi nào có tiết dự giờ, thi dạy giỏi, giáo viên mới dạy nghiêm túc.

Đề nghị tăng phụ cấp, tăng tỷ lệ giáo viên

Một giáo viên mầm non ở tỉnh Điện Biên nói số lượng học sinh trong một lớp quá đông (hơn 50) khiến giáo viên kiệt sức, không còn thời gian, sức khoẻ lo cho gia đình. Một ý kiến của tỉnh Hà Tĩnh đề nghị xem lại chế độ chính sách đối với nhân viên hành chính trong nhà trường, vì họ không có chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên như giáo viên, thu nhập rất thấp. Đại diện giáo viên tỉnh Đăk Nông phản ánh, trường tiểu học dạy hai buổi/ngày trong khi định mức giáo viên trong nhà trường hiện nay không hợp lý. Vì thế cần thay đổi mức định biên trong trường tiểu học nếu trường đó dạy hai buổi/ngày theo hướng ít nhất 1,5 - 1,7 giáo viên mỗi lớp để giảm giờ dạy cho giáo viên.

Về nhóm vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời, Bộ GD&ĐT đang tính toán để cải thiện mức thu nhập của giáo viên mầm non nhưng hiện tại chưa thực hiện được. Hiện nay, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ để xây dựng triển khai chính sách này. Bộ trưởng cũng lưu ý rằng, mong muốn của giáo viên là chính đáng nhưng số lượng giáo viên trong cả nước rất lớn, hơn một triệu người hưởng lương từ ngân sách, do đó, việc tăng lương, phụ cấp không phải chuyện dễ. Đối với quy định định mức giáo viên trên mỗi lớp học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thống nhất với ý kiến của giáo viên và cho biết sẽ tăng tỷ lệ này.

Đại diện giáo viên mầm non tỉnh Hậu Giang so sánh lương giáo viên bậc học này thua xa công nhân trong khi thời gian làm việc trong ngày quá dài, chưa kể giáo viên mầm non vừa dạy vừa nuôi. “Có phụ huynh nóng tính, họ có thể xúc phạm thân thể, tinh thần của giáo viên mầm non, trong khi thu nhập thấp vì thế nhiều người bỏ nghề. Tôi đề nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70%. Tôi cũng đề nghị bỏ hẳn các cuộc thi, phong trào không cần thiết”- cô giáo mầm non tỉnh Hậu Giang kiến nghị.

Đại diện giáo viên tiểu học tỉnh Tiền Giang cho biết, thiết bị giáo dục để phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang thiếu nghiêm trọng. “Tôi đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên phổ thông như trước đây. Mức lương hiện tại không đủ sức hấp dẫn để thu hút học sinh vào ngành Sư phạm, đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu, tham mưu tăng thu nhập đối với giáo viên càng sớm càng tốt”- ý kiến nêu.

Tiếp tục trao đổi, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tâm tư, nguyên vọng chính đáng của giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, nhất cử nhất động đều có sự giám sát của xã hội, “khi cô cho trò ăn, không chỉ cha mẹ, cả ông bà nội ngoại cũng xem cháu mình ở trường ăn như thế nào, qua camera”- Bộ trưởng bày tỏ sự cảm thông với giáo viên. Đối với chuyên môn, Bộ trưởng khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thiết kế hiện đại, do đó, con người và thiết bị là hai điều kiện rất quan trọng để triển khai tốt Chương trình. Tuy nhiên, tình hình đầu tư, mua sắm thiết bị giáo dục trong cả nước đang gặp những khó khăn, trở ngại liên quan đến đầu tư công, đấu thầu.

Một giáo viên dạy cấp THPT tại TP. Hồ Chí Minh không đề xuất tăng lương cho giáo viên nhưng đề nghị cải thiện thu nhập đối với đội ngũ nhân viên hành chính, kỹ thuật trong trường phổ thông; đồng thời đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát, sắp xếp theo hướng giảm bớt những cuộc thi nặng về hình thức. Đại diện giáo viên tỉnh Lạng Sơn thắc mắc, Chương trình giáo dục phổ thông mới có một số môn học tích hợp, vậy khi thi chọn học sinh giỏi, thí sinh làm riêng từng môn thi độc lập hay một bài thi tổng hợp?

Trao đổi nhóm vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, chế độ đối với nhân viên trường học thật sự chưa hợp lý nhưng không thể áp dụng chính sách như đối với giáo viên, vì tính chất công việc khác nhau. Việc quá tải cuộc thi khiến giáo viên “mướt mồ hôi”, người đứng đầu Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã giảm nhưng tại địa phương còn các cuộc thi phong trào do đoàn thể địa phương tổ chức, nhà trường có quyền tham gia hoặc không tham gia.

Giáo dục vì con người

Đại diện giáo viên tỉnh Khánh Hoà bình luận, sau ba năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực tế cho thấy chương trình có nhiều ưu điểm theo tinh thần giáo dục mở, kể cả nội dung lẫn phương pháp kiểm tra, đánh giá. Nhưng, ý kiến này cũng nhận định, chủ trương tích hợp một số môn học và một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đang bộc lộ không ít vấn đề.

Tương tự ý kiến tỉnh Khánh Hoà, đại diện giáo viên tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ GD&ĐT tìm giải pháp để dạy môn tích hợp, cách bố trí giáo viên dạy những môn học này hiện tại không bảo đảm chất lượng. Ý kiến từ Nghệ An cũng đề nghị Bộ sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để giáo viên, học sinh yên tâm. Đại diện một trường THPT ngoài công lập tại Hà Nội đánh giá: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều ưu điểm, là chương trình vì học sinh, vì con người”…

Một điểm đáng lưu ý, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông tin, ở cấp tiểu học giữ nguyên môn học tích hợp nhưng "đối với cấp THCS, khả năng cao phải điều chỉnh, còn điều chỉnh như thế nào sẽ công bố sau".

Việt Đông

 

Tin liên quan