Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mô hình “Tổ hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc” được thực hiện tại các xã (do Hội Liên hiệp Phụ nữ chủ trì) đã góp phần không nhỏ trong việc giúp nhiều gia đình lấy lại được sự yên bình, mặc dù trước đó nhiều người cứ tưởng mọi chuyện đã bên bờ đổ vỡ.
Niềm vui đã trở lại với những thành viên trong gia đình chị Thanh, anh Công.
Trong căn nhà “Mái ấm tình thương” còn mới toanh tại ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, chị Tắc Bình Thanh, 53 tuổi, luôn tươi cười khi kể lại câu chuyện của gia đình mình…
Nhiều năm trước, chị Thanh từ quê Bình Dương theo chồng về Tây Ninh sinh sống và đến cư ngụ ở ấp Ninh Bình. Lúc đó, đôi vợ chồng tay trắng phải ở đậu nhà người quen.
Cảnh sống khổ cực, công việc làm thuê làm mướn thất thường nên nhiều lúc, anh chị gần như không kham nổi chuyện cơm áo gạo tiền, nhất là từ khi hai đứa con ra đời khiến cho cuộc sống càng thêm vất vả.
Chị Thanh sau đó chọn nghề bán vé số để mưu sinh. Anh Nguyễn Chí Công- chồng chị vẫn làm thuê kiếm sống và công việc bữa có, bữa không. Căn nhà vách đất của họ ngày càng mục dần theo thời gian.
Nhàn cư vi bất thiện, anh Công cứ thường xuyên thất nghiệp, đâm nản chí rồi dần quen với việc làm bạn cùng rượu. Những rạn nứt trong gia đình cũng từ đó mà ra. Hai vợ chồng trở nên “quen mặt” với công an xã do mâu thuẫn.
Có khi bị chồng đánh, chị Thanh phải nhờ hàng xóm đưa đi cấp cứu. Xấu hổ, buồn tủi, chị nhiều lần khóc một mình và từng nghĩ tới việc bỏ đi xa, ly hôn với chồng cho bớt khổ. Nhưng vì nghĩ tới cảnh con cái không người chăm, mẹ già buồn lo, chị đành cắn răng chịu đựng.
May nhờ có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bàu Năng, cuộc sống gia đình chị Thanh, anh Công đã dần thay đổi. Sau những lần được nghe những lời ân cần khuyên giải, rồi được mời sinh hoạt với chi hội phụ nữ, hai anh chị dần nhận ra cái sai của mình.
Chị Thanh thấy mình cũng có phần lỗi- vì hồi đó, do mệt mỏi sau khi đi bán vé số về, chị dễ sinh bực dọc, hay cằn nhằn không thôi việc chồng uống rượu, dẫn tới mâu thuẫn càng lúc càng nặng nề.
Chị thừa nhận: “Sau khi nghe lời khuyên ngăn, tôi đã biết nhịn nhường chồng khi ông ấy nóng giận, dần những chuyện bạo hành trong nhà cũng ít đi và thời gian gần đây không còn nữa”. Câu nói kèm theo nụ cười thật tươi cho thấy chị thật sự rất vui với hạnh phúc hiện tại của mình.
Về phần mình, anh Công cũng thẳng thắn thừa nhận: “Lúc trước tôi có những cái sai, cái dở trong suy nghĩ. Sau này, được nghe nhiều lời khuyên tôi biết mình sai nên cố gắng sửa, không còn uống rượu nhiều như trước nữa”.
Bây giờ đến nhà chị Thanh, anh Công có thể thấy được niềm vui chan hoà từ các thành viên trong gia đình. Cô con gái của anh chị tên Nguyễn Thị Bé Siêm chia sẻ tâm sự: “Trước đây, khi ba mẹ còn hay mâu thuẫn nhau, em buồn lắm nhưng không biết làm gì. Có lúc nhìn gia đình người ta, nghĩ lại cảnh nhà mình em chỉ biết khóc”. Giờ cô con gái đã hết muộn phiền vì thường xuyên được chứng kiến cảnh cha mẹ hoà thuận với nhau.
Chị Thanh nói thêm: “Tôi nhận ra rằng để có sự êm ấm trong nhà, vợ chồng phải biết nhịn nhường nhau. Và tôi nghĩ mình xứng đáng với những gì hiện có sau những cố gắng thay đổi bản thân”.
Được sự hỗ trợ của chính quyền và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, gia đình chị Thanh được vay vốn mua bò về nuôi để cải thiện kinh tế gia đình. Tháng 3 năm nay, gia đình chị còn được tặng căn nhà mái ấm tình thương khang trang thay cho căn nhà lụp xụp trước đây. Hơn hai năm trước, gia đình họ đã ra khỏi danh sách hộ nghèo ở địa phương.
Tại xã Hiệp Tân, mô hình được triển khai từ năm 2015 đến nay. Mỗi ấp phân công 1 thành viên của tổ nắm bắt tình hình các gia đình để kịp thời can thiệp.
Là một người có uy tín ở địa phương, bà Châu Thị Hồng đã có 2 năm gắn bó với công việc “lo chuyện thiên hạ”. Bà là tổ trưởng mô hình “Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc” của xã.
Theo bà Hồng, việc tiếp cận các gia đình thuộc đối tượng cần hỗ trợ không phải đơn giản, cần phải biết kiên trì, nhẫn nại và đôi khi phải chấp nhận nghe những lời “khó lọt tai”.
Hiện nay, trên địa bàn xã Hiệp Tân, qua khảo sát, số gia đình có “nguy cơ” cần được quan tâm chiếm số lượng không nhiều. Tuy nhiên, theo chị Huỳnh Ngọc Phượng- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, những người làm công tác này vẫn còn tâm lý e dè khi tiếp xúc với gia đình có mâu thuẫn.
Thực tế cho thấy, các hộ gia đình hay xảy ra mâu thuẫn, có nguy cơ dẫn tới bạo lực thường là hộ khó khăn. Vì vậy, “Ngoài động viên, Hội còn thực hiện các hoạt động như hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ địa phương, hầu giúp các chị ổn định cuộc sống, giảm được những nguy cơ”- chị Phượng cho biết.
Được biết, mô hình “Tổ hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc” được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thí điểm tại 3 xã Bàu Năng (Dương Minh Châu), Hiệp Tân (Hoà Thành) và Thạnh Đức (Gò Dầu) từ năm 2015.
VI XUÂN