Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Gỡ “nút thắt” cho bài toán nhân lực y tế
Thứ năm: 23:33 ngày 09/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau đại dịch Covid-19, hệ thống y tế đối diện với khoảng trống về nhân lực, vật lực, gây khó khăn cho các cơ sở y tế công lập. Điều này đòi hỏi ngành Y tế phải tốc lực triển khai nhiều đề án, chương trình đào tạo để không mãi loay hoay với câu chuyện thiếu y, bác sĩ.

Lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ một lần theo Nghị quyết 52/NQ-HĐND ngày 12.5.2022 của HĐND tỉnh.

Chuyển dịch lớn 

Từ ngày 15.3.2022, Việt Nam mở cửa hoàn toàn trong điều kiện “bình thường mới”, các hoạt động du lịch, kinh tế, văn hoá, dịch vụ… trên địa bàn tỉnh dần trở lại. Tuy nhiên, đối với ngành Y tế, những ngày tháng chống dịch vẫn chưa kết thúc, nhiều vấn đề bất cập “hậu Covid-19” nảy sinh, các dịch bệnh khác xuất hiện, khiến những “chiến sĩ áo trắng” lại tiếp tục đối diện với khó khăn, thách thức mới. Đặc biệt, khi dịch bệnh tạm lắng, có đến 164 y, bác sĩ nghỉ việc.

Năm 2019, UBND tỉnh giao cho ngành Y tế 3.100 chỉ tiêu, trong đó có 56 công chức, còn lại 3.054 viên chức và người lao động. Tuy nhiên, lực lượng thực tế chỉ có 2.768 người. Năm 2022, số lượng công chức, viên chức sự nghiệp được UBND tỉnh giao cho ngành Y tế 3.868 chỉ tiêu (53 công chức, 3.815 viên chức và người lao động) nhưng số thực tế cũng giảm so với chỉ tiêu, còn 3.218 người.

Theo ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế, thời gian qua, các cơ sở y tế công lập quá tải do vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm công tác chuyên môn khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, dân số... Trước áp lực lớn, một số bác sĩ, điều dưỡng đã nghỉ việc, bỏ việc để tìm công việc khác.

Ông Hùng nhận định thêm, dù nhân lực trong các cơ sở y tế công lập đến cuối năm 2022 có tăng 450 người so với năm 2019, nhưng vẫn thiếu 595 người so với định mức. “Điều này gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập, bởi hầu hết người nghỉ việc có thâm niên, kinh nghiệm.

Trong khi đó, để có được kinh nghiệm ngành Y cần phải có nhiều thời gian để thực hành”- ông Hùng nói thêm- “Vấn đề bất cập khác là sự chuyển dịch lớn nhân lực y tế chất lượng cao từ khối nhà nước sang khối y tế ngoài công lập. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 bệnh viện tư nhân, 9 phòng khám đa khoa, 380 phòng khám chuyên khoa, 147 cơ sở y tế khác với nhân lực 1.605 người, trong đó có 694 bác sĩ”.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu thăm khám cho bệnh nhân.

Kết quả khả quan

Cùng với tổ chức thi tuyển, ngành Y tế triển khai hàng loạt chính sách, quyết định từ cấp Trung ương đến địa phương nhằm đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế các tuyến. Theo Sở Y tế, toàn hệ thống y tế công lập có 553 bác sĩ (bao gồm 79 bác sĩ đang chờ tuyển dụng và 36 bác sĩ về hưu, tiếp tục hợp đồng làm chuyên môn khám, chữa bệnh), gần 700 điều dưỡng và 820 các chuyên môn y tế khác (điều dưỡng, hộ sinh, y sĩ, kỹ thuật y, y tế công cộng).

Xét về nhu cầu vị trí việc làm, cần có 618 bác sĩ (thiếu 65 bác sĩ), 1.100 điều dưỡng (thiếu 400 người) và 130 chuyên môn y tế khác. Nhu cầu đến năm 2025 cần khoảng 830- 850 bác sĩ.

Trước thực trạng này, Sở Y tế đang liên kết, đặt hàng đào tạo bác sĩ tại các cơ sở đào tạo như: Đại học y dược Cần Thơ, Đại học y Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y Đại học Quốc gia và Đại học Trà Vinh.

Theo đó, trung bình mỗi năm xét cử đào tạo từ 25-30 trường hợp là học sinh phổ thông học bác sĩ chính quy theo hình thức đặt hàng đào tạo (địa chỉ sử dụng của tỉnh). Đối với viên chức, hằng năm xét cử đào tạo bác sĩ liên thông từ 5-10 trường hợp.

Giai đoạn 2019-2022, tỉnh đã đào tạo tăng thêm hơn 100 cử nhân điều dưỡng, hộ sinh hệ liên thông. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp nhận trung bình hằng năm khoảng 10 bác sĩ từ nơi khác đến xin việc làm tại tỉnh, đồng thời tiếp nhận 20-25 bác sĩ do tỉnh cử đi đào tạo.

“Số lượng bác sĩ sau khi cử đi đào tạo về tiếp nhận bố trí công tác những năm qua tập trung cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Từ năm 2022, Sở Y tế chỉ cử sinh viên, viên chức đào tạo theo địa chỉ sử dụng tại các cơ sở đào tạo được kiểm định đạt chuẩn theo chỉ đạo của UBND tỉnh”, ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Theo ông Hùng, Sở đã bắt đầu bố trí một số bác sĩ chính quy đào tạo theo địa chỉ về công tác tại các trung tâm y tế tuyến huyện. Những năm sau, Sở sẽ tiếp tục bố trí bác sĩ tập trung ở tuyến huyện để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Nhiều giải pháp

Theo Giám đốc Sở Y tế, ngành chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo cùng các chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với bác sĩ và nhân viên y tế. Trong năm 2022, Sở tổ chức tuyển dụng hơn 500 viên chức ngành Y tế để bổ sung nguồn nhân lực bị thiếu hụt, đồng thời tiếp tục thực hiện công tác đào tạo bác sĩ theo địa chỉ.

Song song đó, triển khai thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ, rà soát các trang thiết bị đã được trang bị để điều chuyển, sử dụng hiệu quả.

“Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, đặc biệt là nhân lực ngành Y tế thông qua các chính sách thu hút nhân tài, đào tạo cán bộ. Gần đây nhất, HĐND tỉnh ban hành chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Tây Ninh theo Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 9.12.2022. Trong đó có hỗ trợ đào tạo bác sĩ, hỗ trợ hằng tháng đối với công chức, viên chức và nhân viên ngành Y tế”- ông Hùng nhấn mạnh.

Đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19, Sở tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 52/NQ-HĐND ngày 12.5.2022 hỗ trợ một lần cho 21.639 người tham gia phòng, chống dịch, với tổng kinh phí gần 34 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ một lần cho các lực lượng này là cần thiết, thể hiện sự quan tâm, động viên, tri ân đối với các lực lượng đã và đang tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Sở tham mưu UBND tỉnh thực hiện Quyết định 16/2022/QĐ-TTg ngày 8.7.2022 của Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung gần 62 tỷ đồng hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập từ nguồn các quỹ, nguồn cải cách tiền lương để bù mất cân đối thu chi do tác động của dịch Covid-19. Qua đó, các cơ sở y tế công lập đã có nguồn kinh phí trả tiền nợ thuốc và mua thuốc, sinh phẩm, vật tư phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

“Ngành Y tế có một vai trò quan trọng trong việc thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, bởi vì xã hội không thể phát triển nếu không có những con người khoẻ mạnh.

Để thực hiện được nhiệm vụ trên, toàn ngành Y tế nói chung và ngành Y tế Tây Ninh nói riêng rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, công việc của họ tác động trực tiếp đến sức khoẻ con người”- ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Theo Sở Y tế, ngành sẽ tiếp tục bố trí tập trung ở tuyến huyện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Sở sẽ đề xuất điều chỉnh, bổ sung kịp thời để thu hút cho được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Đồng thời, luôn quan tâm đến điều kiện làm việc như cơ sở vật chất, máy móc thiết bị; công tác thi đua khen thưởng, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt... công bằng, minh bạch để nhân lực ngành Y tế Tây Ninh yên tâm công tác, yên tâm phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
 
“Còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc phải xử lý do hậu quả của “đại dịch Covid-19” để lại cũng như những vấn đề phát sinh mới cần có thời gian để khắc phục. Tuy nhiên, nhờ sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, nội lực của ngành, chúng tôi tin tưởng rằng ngành Y tế Tây Ninh sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới”- ông Hùng nhấn mạnh.
 
Tâm Giang
Tin cùng chuyên mục