Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh:
Góp ý dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao
Thứ ba: 20:44 ngày 17/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 17.10, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị góp ý dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Đối với dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), tại hội nghị, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh cho rằng, tại Điều 24 của dự thảo luật có quy định cụ thể về quy trình ban hành tình trạng giới nghiêm cũng như thẩm quyền ban hành giới nghiêm, nhưng không có điều khoản nào quy định bãi bỏ tình trạng này, cần được Quốc hội xem xét bổ sung.

Các đại biểu đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Biên phòng tỉnh Tây Ninh kiến nghị, tại Điều 10 của dự thảo luật có quy định về khu vực phòng thủ cần phải được điều chỉnh từ ngữ cho phù hợp, theo đó chế định quy định về “không gian mạng” phải cụ thể rõ ràng, tránh hiểu sai về luật.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, đại biểu Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh kiến nghị, Quốc hội cần xem xét cụ thể hoá trong luật cho phép các trường, từ bậc tiểu học đến đại học được tự chủ bố trí thời gian học môn thể dục thể thao theo như nhu cầu tại trường, và được quyền chọn những bộ môn thể thao lợi thế của trường để dạy cho học sinh, sinh viên; như thế sẽ khuyến khích học sinh, sinh viên hăng hái hơn khi tham gia học môn thể dục thể thao rèn luyện sức khoẻ.

Đối với các quy định về những hành vi bị cấm tại dự thảo luật, nhiều đại biểu cho rằng việc cấm sử dụng các thiết bị, dụng cụ có cường độ âm thanh, ánh sáng quá lớn nhằm kích động, gây mất tập trung trong thi đấu hiện nay là chưa rõ ràng, cụ thể; chế tài xử phạt cũng chưa được cụ thể hoá trong luật, cần được xem xét bổ sung để tránh tình trạng luật đã ban hành nhưng không áp dụng được vào thực tiễn.

Tại Điều 13 có quy định UBND cấp tỉnh chỉ được quyền quyết định tổ chức giải đấu thể thao ở địa phương mình là chưa thuyết phục, cần có quy định mở rộng ở cấp khu vực. Cụ thể, nếu địa phương nào hội đủ các điều kiện để tổ chức giải đấu thể thao mang tầm khu vực thì địa phương đó được phép mời gọi các địa phương khác cùng tham gia và ra quyết định thành lập giải đấu thể thao mang tính khu vực, thay vì phải xin phép từ trung ương.

Đối với Điều 25 có quy định bắt buộc tất cả các trường học mỗi năm phải tổ chức được ít nhất một lần giải thể thao cấp toàn trường là không phù hợp, vì có những trường sẽ không có đủ khả năng về tài chính, cũng như điều kiện vận động viên, trang thiết bị chuyên môn để phục vụ giải đấu; như thế sẽ xảy ra tình trạng có trường vì chạy theo quy định sẽ tổ chức giải đấu thể thao cấp trường mang tính hình thức, phong trào để đối phó, hiệu quả không cao, gây lãng phí.

Đại điện Sở Tư pháp cho rằng, tại khoản 6 Điều 50 quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đối với doanh nghiệp tư nhân chưa được chặt chẽ, cần bổ sung quy định cụ thể chức năng của ngành quản lý Nhà nước về mặt hành chính để nâng cao vai trò của cơ quan Nhà nước trong các hoạt động, dịch vụ thể dục thể thao.

Đại biểu Nguyễn Văn Rộng- Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Tây Ninh kiến nghị, Quốc hội cần nên xem xét bổ sung thêm các quy định tại khoản 2 Điều 56 về hoạt động kinh doanh du lịch mạo hiểm. Theo đó, cần quy định cụ thể cơ quan nào có chức năng thẩm định về độ an toàn của hoạt động này, tránh xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc như trong thời gian vừa qua.

Các ý kiến góp ý và kiến nghị của các đại biểu được Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh ghi nhận và trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp sắp tới.

Song Anh

Tin cùng chuyên mục