Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 7.3, Đoàn đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị góp ý dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị.
Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có ý kiến cho rằng, hiện trong dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi mới chỉ quy định nhiều về nghĩa vụ của công dân đối với an ninh quốc phòng, trong khi đó thực tế hiện nay cần phát huy quyền công dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, vì vậy Luật nên quy định rõ hơn trong khoản 1 và khoản 5, điều 6 và nên bổ sung thêm cụm từ "bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ và quyền thiêng liêng và cao quý của công dân" để nâng cao trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của nhân dân đối với an ninh quốc phòng.
Đối với điều 11 nên thêm cụm từ “bồi dưỡng, phổ biến, giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh” mới đủ vì trong dự thảo hiện nay mới chỉ đề cấp đến giáo dục quốc phòng và an ninh, như vậy việc giáo dục mới chỉ dừng lại cho học sinh và sinh viên chứ chưa phải là toàn dân.
Điều 16 quy định về kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội vẫn còn quá chung chung. Để đảm bảo tính chặt chẽ tại điều này, đại biểu đề nghị cũng cần phải quy định rõ hơn về phạm vi, nội dung của việc kết hợp nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, xác định rõ mục đích, nội dung, phạm vi việc quân đội làm kinh tế chủ yếu để xây dựng lực lượng, trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng.
Tại khoản 3 Điều 20 của Luật nên thêm cụm từ “... hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đáp ứng các nhu cầu quốc phòng trong tình trạng chiến tranh”.
Đối với nội dung điều 23 của Luật Quốc phòng sửa đổi, đại diện Hội Luật gia Tây Ninh cũng kiến nghị Quốc hội cần xem xét lại thẩm quyền ban bố lệnh giới nghiêm đối với cấp huyện và cấp xã, cân nhắc quy định Ủy ban nhân dân ban bố lệnh giới nghiêm cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thẩm quyền quyết định về quốc phòng an ninh của Hội đồng nhân dân, việc ban bố lệnh giới nghiêm cần phải thông qua cấp tỉnh để đảm bảo tính chặt chẽ, trách gây ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Tại chương 6, đại biểu kiến nghị Quốc hội nên xem xét lại việc quy định nghĩa vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức cũng như quyền và nghĩa vụ của nhân dân đối với an ninh quốc phòng vì tại chương này vẫn còn có nhiều điểm chung chưa rõ. Đồng thời nên chuyển nội dung của Chương 1 sang Chương 6 để đảm bảo tính logic trong Luật.
Các ý kiến góp ý và kiến nghị của các đại biểu được Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh ghi nhận và trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV tới đây.
Hoa Lư