Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 28.8, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Ông Uông Chu Lưu-Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, dự và chỉ đạo hội nghị. Ông Huỳnh Thanh Phương-Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Tây Ninh.
Quang cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Ban soạn thảo trình bày về “Dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh”, gồm những nội dung cụ thể về việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.
Qua nội dung tờ trình, các địa phương trình bày một số ý kiến liên quan đến cơ cấu bộ máy tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các văn phòng; số lượng biên chế, kinh phí hoạt động của văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.
Trước đây, Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4.10.2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND. Đã có 12 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm, Tây Ninh là 1 trong các tỉnh, thành đầu tiên của cả nước thực hiện việc hợp nhất 3 văn phòng, từ tháng 01.2019.
Việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng đã phần nào đáp ứng được yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc của Văn phòng được tập trung một đầu mối quản lý...
Tuy nhiên, theo Chính phủ, sau khi hợp nhất, các địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, văn phòng chung thực hiện chức năng tham mưu, phục vụ nhiều đối tượng khác nhau nên khó đảm bảo tính khách quan trong hoạt động tham mưu đối với công tác quản lý nhà nước của UBND, công tác giám sát của HĐND và Đoàn ĐBQH, khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác tham mưu, giúp việc.
Việc hợp nhất 3 Văn phòng mới chỉ giảm đầu mối người đứng đầu, chưa giảm được nhiều cấp phó và công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng. Sau khi hợp nhất, Chánh Văn phòng phải đảm nhận khối lượng lớn công việc nên công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai công việc gặp khó khăn do Văn phòng vừa tham mưu UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tham mưu với Đoàn ĐBQH, HĐND cấp tỉnh trong việc giám sát UNBD cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ đó...
Kết luận hội nghị, ông Uông Chu Lưu-Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết đã khẩn trương, tích cực chuẩn bị dự thảo Nghị quyết; đồng thời, ghi nhận các ý kiến đóng góp vào dự thảo của các địa phương rất cụ thể và xác đáng.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo Nghị quyết tiếp thu ý kiến đóng góp, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để sớm báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
N.D