Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử phạt nghiêm hành vi bơm tạp chất vào hải sản (tôm, mực, bạch tuộc). Nhờ đó, ở các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, tình trạng này đã giảm đáng kể.
Để bảo đảm sức khoẻ, nhiều người chọn mua hải sản sống thay vì hải sản ướp đá (ảnh minh hoạ).
Theo Sở NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại 6 chợ trên địa bàn các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu và thành phố Tây Ninh. Đoàn đã kiểm tra, giám sát 40 sạp kinh doanh tôm, lấy 6 mẫu tôm đưa đi kiểm nghiệm nhưng không phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Theo chị Ngọc, một tiểu thương buôn bán hải sản tại chợ phường IV, thành phố Tây Ninh, trước đây, việc bơm tạp chất chủ yếu được thực hiện trên tôm đã chết như tôm sú thương phẩm, tôm thẻ, thậm chí cả mực. Chất được dùng để đưa vào tôm thường là nước hay tinh bột agar hoặc có thể là hỗn hợp của các chất trên, nhằm làm tăng trọng lượng vì tôm chết thịt bị mềm, giá bán rẻ hơn tôm sống. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, tình trạng này giảm đáng kể.
“Hiện nay, người tiêu dùng chấp nhận mua hải sản đắt một chút nhưng phải bảo đảm an toàn. Vì vậy, nếu bơm tạp chất vào tôm thì ăn rất dở, ảnh hưởng đến sức khoẻ nên nhiều người rất bực mình, có người còn đem ra “bắt đền”. Nếu chẳng may bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện có tạp chất, người bán hàng bị phạt rất nặng nên tôi và một số tiểu thương tại chợ phường IV không làm mấy chuyện này” - chị Ngọc chia sẻ.
Tuy nhiên, theo một tiểu thương, vẫn còn có người bơm tạp chất vào tôm, đem bán ở các chợ xa trung tâm, chợ dân sinh nhỏ.
Để bảo đảm sức khoẻ người tiêu dùng, một cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (thuộc Sở NN&PTNT) khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua hải sản ở những nơi kinh doanh uy tín. Đối với tôm mua ở các chợ dân sinh, người tiêu dùng nên chọn loại còn sống để bảo đảm an toàn và dinh dưỡng.
Về cách nhận biết tôm đã bị bơm tạp chất, một cán bộ cho biết, nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ gần như chắc chắn là đã được bơm tạp chất, vì tôm vốn mềm, cong. Mang tôm bị bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm không có tạp chất thường mềm, phẳng. Bên cạnh đó, thân tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, các đốt trên thân gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. Tôm có tạp chất chảy nhiều nước khi nấu, thịt tôm bị teo lại, bở, vị nhạt hơn so với bình thường.
Việc bơm tạp chất vào tôm không chỉ là hành vi gian lận thương mại mà quá trình đưa tạp chất vào tôm được thực hiện bằng nhiều dụng cụ, phương tiện mất vệ sinh khiến chất lượng thịt tôm không đảm bảo; đồng thời là môi trường thuận lợi để các loại mầm bệnh, vi khuẩn nguy hiểm phát triển, gây nguy hại cho sức khoẻ người sử dụng.
Mặc dù tình trạng này đã giảm nhưng để ngăn chặn, các địa phương, ngành chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn. Đồng thời, người tiêu dùng phải tự trang bị cho mình những kiến thức an toàn thực phẩm, nói không với các cơ sở kinh doanh, quán ăn đường phố không bảo đảm các điều kiện vệ sinh, an toàn.
Vũ Nguyệt