Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hàng chục năm theo nghề mài dao, kéo
Thứ hai: 11:32 ngày 09/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hơn 20 năm qua, ngày ngày đồng hành cùng chiếc xe máy cũ đến từng hang cùng, ngõ hẻm, ông Nguyễn Văn Tường, năm nay 55 tuổi ngụ ấp Tam Hạp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành miệt mài theo đuổi cuộc mưu sinh với nghề mài dao, kéo dạo.

Ông Tường mài dao cho khách.

Hỏi cơ duyên nào ông lại chọn làm nghề này, ông Tường chia sẻ: quê ông ở huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình; năm 1987, ông vào công tác tại một xí nghiệp làm giấy ở Tây Ninh.

Sau khi xí nghiệp này giải thể, ông bị thất nghiệp, phải đi bơm gas hộp quẹt dạo để kiếm sống. Một lần đến bơm gas hộp quẹt cho một gia đình nọ, thấy chị chủ nhà cứ loay hoay, trầy trật mài con dao khiến tay bị chảy máu, thấy tội nghiệp, ông Tường bèn giúp một tay.

Thấy ông mài dao khá điệu nghệ, chị chủ nhà mang luôn mấy cây dao nữa nhờ ông mài giùm. Làm xong, ông được chị chủ nhà vừa trả tiền bơm gas hộp quẹt vừa “lì xì” thêm cho ít tiền gọi là bồi dưỡng cái công mài dao. Tối về, ông Tường suy nghĩ: cái nghề bơm gas hộp quẹt ngày càng ế ẩm, hay là thử làm thêm nghề mài dao kéo xem sao. Nghĩ rồi, ông quyết định sắm bộ đồ nghề mài dao kéo. Dần dần cái nghề ấy bám riết theo ông- từ năm 1996 đến nay.

Theo ông Tường, nghề mài dao kéo nhìn đơn giản thế thôi nhưng không phải ai cũng làm được. Làm nghề này phải kỹ, không được nóng vội. Công việc chủ yếu là bằng tay; khi dao, kéo bị cùn hoặc sứt mẻ phải dùng đá quay bằng mô tơ để làm mỏng lưỡi dao rồi với mài.

Sau khi mài xong phần đá nhám, phải mài lại bằng đá trơn để lưỡi dao, lưỡi kéo không bị trầy, xước. Mài dao đã khó, mài kéo còn khó hơn vì mài dao là mài cả hai mặt, còn mài kéo thì chỉ mài một mặt và phải mài sát lưỡi. Ðể kiểm tra độ sắc bén của dao, ngoài nhìn bằng mắt, người thợ còn dùng ngón tay quẹt nhiều lần lên lưỡi dao. Với kéo, phải dùng một miếng vải vụn để cắt nhằm kiểm tra độ nhạy bén.

Dù trên thị trường có xuất hiện một số dụng cụ mài dao, kéo nhưng không thể thay thế được bàn tay khéo léo của con người- ông Tường cho biết.

Khi mới vào nghề, để mài một cây dao, ông Tường phải mất từ 20 đến 30 phút; giờ đã thạo nghề, ông chỉ cần từ 5 đến 10 phút là xong. Giá tiền tuỳ theo loại: dao nhỏ, tiền nhỏ, dao lớn, tiền lớn, dao sứt mẻ, sứt cán tiền công mài càng nhiều hơn.

Hỏi về mức thu nhập từ nghề mài dao, kéo, ông Tường lại cười vui vẻ: cũng… hên, xui, có ngày làm không hết việc, đến tối mới về; có ngày về không. Nhưng dù sao làm nghề này cũng đủ ăn và còn dư chút đỉnh để dưỡng già! Nhiều khi “trúng mánh”, gặp được chủ nhà vui tính, ông được họ “boa” rất sộp. Gặp dịp trước và sau tết, thợ mài dao còn được biếu trái cây, bánh kẹo...

Làm nghề này phải lang thang khắp nơi, bất kể nắng, mưa; có khi phải xuống tới chợ Long Hải, Bến Kéo (Hoà Thành) xa vậy mà vẫn thấy vui vì cảm giác được tự do, đi nhiều biết đây, biết đó. Mà mài được con dao, cây kéo giúp cho các bà nội trợ nhẹ nhàng hơn trong việc bếp núc, tối về nằm nghỉ cũng thấy vui. Có nhiều bà còn xin số điện thoại của ông thợ mài dao khéo tay để khi nào cần thì gọi.

Cứ tưởng cuộc sống hiện đại như ngày nay sẽ không còn chỗ cho cái nghề mài dao, kéo dạo- một công việc bình thường, và thường bị chìm khuất trong xã hội. Với ông Tường, đó vẫn là cái nghề mưu sinh lương thiện, giúp ông có điều kiện chăm lo cho gia đình và ông vẫn chung thuỷ với nó. Ông khoe với chúng tôi, con trai lớn của ông đang học tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha; ông tin chắc tương lai của nó sẽ “ngon lành” hơn ba nó!

Quang Hà

Tin cùng chuyên mục