Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hàng hoá vi phạm sở hữu trí tuệ: Cần mạnh tay xử lý
Thứ hai: 00:34 ngày 15/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mới đây, để bảo vệ người tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 15.10.2020.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hoá tại một chợ dân sinh.

Theo số liệu từ Cục Quản lý thị trường (QLTT), năm 2020, đơn vị đã kiểm tra 1.142 vụ, xử lý 413 vụ liên quan tới kinh doanh hàng giả, hàng gian lận thương mại, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước hơn 3,9 tỷ đồng. Trong đó, đã phát hiện, xử lý 23 vụ liên quan tới sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), xử phạt hơn 61 triệu đồng.

Hai tháng đầu năm 2021, Cục QLTT xử lý 21 vụ việc kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, SHTT… thu nộp ngân sách hơn 804 triệu đồng, trong đó vi phạm về SHTT hơn 7,3 triệu đồng

Ðơn cử như ngày 20.1, Ðội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh tạp hoá do bà Ðinh Thị Mỹ Thuận, ngụ ấp Thuận Hoà, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu làm chủ, phát hiện cơ sở sản xuất bột ngọt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Ajinomoto - đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tang vật vi phạm là 14kg bột ngọt, 70 vỏ bao bì hiệu Ajinomoto loại 454g. Ðội QLTT đã chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính cho Công an huyện Dương Minh Châu xem xét, xử lý theo quy định.

Theo Cục QLTT, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái từ hình thức đến kiểu dáng, mẫu mã… của các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, bày bán công khai trên thị trường và mạng xã hội. Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất cố tình đặt nhãn hàng hoá có tên gọi gần giống với nhãn hàng của những thương hiệu uy tín để gây sự nhầm lẫn với người tiêu dùng.

Chẳng hạn như bột giặt Omon có tên gần giống với bột giặt Omo, nước uống đóng chai Aquafinal gần giống tên nước uống đóng chai Aquafina... Ðiều này xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng.

Chị Lương Thị Ánh Tuyết, ngụ phường 1, thành phố Tây Ninh chia sẻ, đầu tháng 2 vừa qua, chị mua nhầm một gói bột giặt Omon loại 5kg với giá 160.000 đồng do tưởng rằng đó là bột giặt hiệu Omo, vì ngoài việc thêm một chữ N, bao bì sản phẩm tương tự như bột giặt Omo. Tuy nhiên, khi giặt quần áo, bột giặt gây kích ứng da, ngứa và không có bọt.

Tại các chợ dân sinh, nhiều mặt hàng như đồng hồ, túi xách, giày dép, dây nịt… giả nhãn hiệu Gucci, Adidas, LV, Casio… được bày bán công khai với mức giá rẻ bất ngờ, chỉ từ 30.000 - 200.000 đồng. Trên một trang web thương mại điện tử, chỉ cần gõ cụm từ “túi gucci” ngay lập tức hàng ngàn kết quả được hiện ra với giá thành chỉ từ 45.000 đồng/sản phẩm và được gửi về tận nhà.

Việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, xâm phạm quyền SHTT vẫn còn “đất sống” do có giá rẻ, phù hợp với mức thu nhập của phần lớn người tiêu dùng; nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của hàng nhái, hàng giả chưa cao, vô tình “tiếp tay” cho các đối tượng có hành vi vi phạm.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, khi phát hiện sản phẩm bị làm giả thường không kiên trì đến cùng với việc yêu cầu xử lý. Bên cạnh đó, mức độ xử lý vi phạm mới dừng lại ở xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe đối với hành vi và đối tượng vi phạm.

Mới đây, để bảo vệ người tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 15.10.2020.

Trong đó, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để bảo vệ người tiêu dùng và xử lý hiệu quả các vụ việc xâm phạm quyền về SHTT đang ngày càng diễn biến phức tạp, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, bộ đội Biên phòng, thanh tra chuyên ngành.

Ðồng thời, tăng cường giáo dục pháp luật SHTT, tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của hàng giả, cùng các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục