Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tại khu dưỡng lão giáo xứ Phước Điền, những người già cô đơn đã có nơi để về, có chỗ dừng chân sống nốt những chuỗi ngày cuối đời trong bình yên, thanh thản bên cạnh những bạn già cùng cảnh ngộ.
Mời nước các cụ sau bữa ăn.
Ở tuổi xế chiều lẽ ra được con, cháu phụng dưỡng đủ đầy, nhưng đâu đó vẫn còn những mảnh đời bất hạnh. Thật may, vì cuối hành trình của cuộc đời, họ đã tìm được cho mình “trạm” dừng chân trong một mái nhà chung đong đầy yêu thương. Đó là Khu dưỡng lão thuộc giáo xứ Phước Điền (ấp Thanh Hùng, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành).
Đến thăm khu dưỡng lão giáo xứ Phước Điền, chúng tôi cảm nhận được niềm vui trên từng khuôn mặt của những người già. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều có một điểm chung là không còn nơi nào để đi, không có ai nương tựa.
Bàn tay thoăn thoắt trong từng động tác, từ mặc quần áo, rửa mặt, đút cháo cho các cụ, sơ Nguyễn Thị Vòng, người có mặt từ ngày đầu khu dưỡng lão được thành lập vào tháng 9.2010 cho biết, lúc đầu từ 5 cụ, rồi 10 cụ và đến nay có 25 cụ từ khắp mọi miền Tổ quốc về đây; cao tuổi nhất là cụ Lê Thị Do- 103 tuổi, các cụ khác từ 75 đến 80 tuổi.
Hoàn cảnh khác nhau, mỗi cụ còn mang trên mình những căn bệnh, có cụ mất trí nhớ, có cụ bị mù, điếc, có cụ khoèo tay, khoèo chân bẩm sinh, có cụ bị gù sát đất… trong đó có 10 cụ phải nằm một chỗ mất tự chủ, từ việc ăn, uống, đi lại, vệ sinh cá nhân, các hoạt động hằng ngày hoàn toàn phụ thuộc vào các sơ chăm sóc.
Công việc mỗi ngày của các sơ bắt đầu là hỏi thăm sức khoẻ các cụ, ghi danh sách những cụ cần phải khám, chữa bệnh trong ngày, cho các cụ ăn sáng và uống thuốc. Sau khi các cụ ổn định chỗ ngồi ở nhà ăn, các sơ quay về kiểm tra giường, chiếu, nơi sinh hoạt của các cụ. Các cụ già yếu nằm một chỗ hoặc phải ngồi xe lăn đều được chăm sóc ân cần, từ việc cơm nước, giặt giũ đến tắm rửa vệ sinh cá nhân.
Theo các sơ, một số cụ không có giấy tờ tuỳ thân nên không được hưởng chế độ, chính sách dành cho người cao tuổi, cụ nào phải đi nằm viện thì khu dưỡng lão lo toàn bộ chi phí thuốc men. Về đây, các cụ đều không có giấy tờ tuỳ thân. Mỗi lần nhận người, các sơ của khu dưỡng lão phải xác minh, sàng lọc để biết chắc chắn về hoàn cảnh của các cụ.
Vừa qua, Công an huyện Châu Thành phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh đã tới khu dưỡng lão làm thẻ căn cước công dân cho các cụ, giúp các cụ có điều kiện hưởng chế độ người cao tuổi theo quy định.
Phút thư giãn của các cụ sau bữa ăn sáng.
Sơ Thái Thị Thuý chia sẻ: “Cuộc đời mỗi người ở đây đã chịu nhiều bất hạnh, chúng tôi xem các cụ như cha mẹ mình. Mỗi lần có người đau bệnh, chúng tôi phải thay nhau túc trực 24/24 giờ. Các cụ lớn tuổi nên khó tính và thường xuyên đau bệnh. Một số cụ nhớ gia đình muốn về nhưng không nhớ địa chỉ, chúng tôi phải ân cần giải thích cho các cụ hiểu, muốn về phải có người bảo lãnh mới được về. Khi các cụ đã hiểu, lúc đó mới yên tâm ở đây”.
Cụ Nguyễn Thị Liên có tinh thần tương đối minh mẫn, đi lại tuy chậm chạp, nhưng cụ vẫn cùng với các sơ vui đùa trong các buổi sinh hoạt. Khi được hỏi, cụ Liên bộc bạch: “Vào đây, tôi cảm thấy cuộc sống vui vẻ và toại nguyện lắm rồi”. Được biết, cụ Liên quê ở Thành phố Hồ Chí Minh, có chồng nhưng không có con, chồng mất, không nơi nương tựa, cụ sống lủi thủi một mình, mỗi khi trái gió, trở trời cụ hay tủi thân, có những lúc đau bệnh, đêm hôm phải tự mình mò mẫm kiếm miếng ăn, nước uống. May thay khi vào đây cụ đã phần nào được xoa dịu nỗi đau.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Thu- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Điền chia sẻ: Vào các ngày lễ, tết, Đảng uỷ, UBND, các tổ chức xã hội địa phương thường tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên các sơ và các cụ ở khu dưỡng lão.
Các sơ dỗ dành đút cơm cho các cụ.
"Mỗi lần đến thăm, chúng tôi thấy rằng các tình nguyện viên ở đây làm việc không chỉ bằng trách nhiệm, mà cao cả hơn là tình yêu thương, sự sẻ chia, đùm bọc, giúp cho những phận đời bất hạnh cảm nhận được tình người ấm áp và thêm niềm tin, hạnh phúc trong những năm tháng cuối đời”.
Cuộc sống vẫn diễn ra với bao vất vả bộn bề, nhưng tại khu dưỡng lão giáo xứ Phước Điền, những người già cô đơn đã có nơi để về, có chỗ dừng chân sống nốt những chuỗi ngày cuối đời trong bình yên, thanh thản bên cạnh những bạn già cùng cảnh ngộ.
Tố Tuấn - Hà Quang