Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hành trình bình đẳng dân tộc và bình đẳng giới
Thứ năm: 10:07 ngày 01/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước toàn thể đồng bào cả nước và toàn thể thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tuyên ngôn độc lập là văn bản đầu tiên khẳng định về quyền con người, quyền tự do, bình đẳng dân tộc của nhân dân Việt Nam phù hợp với đạo lý, pháp lý quốc tế. Bảy mươi bảy năm qua, các quyền nói trên, trong đó có quyền bình đằng giữa các dân tộc và quyền bình đẳng giới ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Các dân tộc đều là “anh em ruột thịt”

Việt Nam hiện nay là quốc gia thống nhất có 54 dân tộc anh em với gần 100 triệu người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 14,3% với hơn 12,3 triệu người.

Ngày 19/4/1946, không lâu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Đại hội Các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (tỉnh Gia Lai), khẳng định: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Đây có thể coi là tuyên bố cô đọng về chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Năm bản hiến pháp của Việt Nam qua các thời kỳ, kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay (Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2001, Hiến pháp năm 2013), đều ghi nhận và khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc ở nước ta. Mọi hành vi khinh miệt, áp bức, chia rẽ các dân tộc đều bị nghiêm cấm.

Điều 5 của Hiến pháp năm 1992 khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiến pháp năm 2013 tuyên bố: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc của Hiến pháp đã được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam, được thể chế và cụ thể hóa trong các văn bản luật: Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Quốc tịch, Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng Hình sự; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng Dân sự; Luật Lao động; Luật Giáo dục; Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. 

Bên cạnh đó, các quy định về quyền bình đẳng giữa các dân tộc còn được thể chế hóa bằng chế định về Hội đồng Dân tộc, với nhiệm vụ nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội về công tác dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Trong Chính phủ có một cơ quan cấp bộ - Ủy ban Dân tộc, đây là cơ quan chuyên trách về công tác dân tộc.

Mọi công dân ở Việt Nam đều được bảo đảm quyền tham gia hệ thống chính trị, tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Những năm gần đây tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia vào bộ máy chính trị ngày càng tăng. Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ dân số. Trong 4 nhiệm kỳ Quốc hội liên tiếp, số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm từ 15,6% đến 17,27%, cao hơn tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên tổng số dân là 14,35%.

Trong danh sách 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (2021 – 2026) có 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc: Tày, Thái, Mông, Mường, Khmer, Chăm, Ê Đê, Khơ Mú, Nùng, Giáy, Sán Dìu, Thổ, Xơ Đăng, Brâu, Sán Chay (Cao Lan), Lự, La Chí, Vân Kiều, Lào, Hoa, Cơ Ho… Các địa phương có tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số trúng cử cao gồm: Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Kạn, Sóc Trăng, Đắk Lắk.

Theo Ủy ban Dân tộc, hiện nay cả nước có 68.781 biên chế là người dân tộc thiểu số, chiếm 11,68% tổng biên chế cả nước. Công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được ưu tiên trong quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm vào hệ thống cơ quan nhà nước.

Với đặc điểm cư trú phân tán, xen kẽ, tập trung chủ yếu ở các vùng núi, đặc biệt là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, trình độ phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Để hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện quyền bình đẳng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều ưu tiên trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều chương trình đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực như: Chương trình hành động 122 của Chính phủ về Công tác Dân tộc; Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Giảm nghèo bền vững; Chương trình 135 (giai đoạn 2) về Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa; các chính sách và chương trình ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết đất sản xuất và đất ở (Quyết định 132); hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở và các nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào nghèo thuộc dân tộc thiểu số (Quyết định 134)…

Nhờ những chính sách và chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế, xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2007 đến nay đã có 118.530 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn, 33.969 hộ được hỗ trợ phát triển sản xuất, 80.218 hộ được hỗ trợ mở rộng quy mô chăn nuôi, 4.343 hộ được hỗ trợ mở rộng sang ngành nghề dịch vụ.

Chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số cũng từng bước được cải thiện. Cơ sở hạ tầng đảm bảo cho việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của đồng bào được đầu tư xây dựng. Đến nay, 100% xã có trạm y tế và cán bộ y tế, 100% số huyện có trung tâm y tế và bác sỹ; số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 25%. Một số dịch bệnh trước đây phổ biến ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi như sốt rét, bướu cổ, phong, lao được ngăn chặn và đẩy lùi.

Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong những năm qua được cải thiện rõ rệt, mức thụ hưởng văn hóa được nâng cao. Nhiều nét văn hóa các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát triển, được công nhận là di sản văn hóa thế giới như: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, “Thánh địa Mỹ Sơn”, “Cao nguyên đá Đồng Văn”. Các chương trình phát thanh, truyền hình bằng cả tiếng Việt và 26 ngôn ngữ dân tộc thiểu số được phát sóng mở rộng tới các bản làng xa xôi.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí ở vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống cũng được quan tâm đẩy mạnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường dạy nghề; các loại hình trường nội trú, bán trú, dự bị đại học dân tộc tại vùng có đông dân tộc thiểu số đều đều được đầu tư xây dựng. Từ năm 2012 có 100% xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, 95% trẻ em dân tộc thiểu số được đến trường.  

"Đàn bà ngang quyền đàn ông"

Diễu hành trên Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9/1960. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Như vậy, bình đẳng giới cũng là sự đảm bảo quyền lợi cơ bản của con người.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945 thì ngay bản Hiến pháp năm 1946 đã quy định về quyền bình đẳng giới. Điều 9 của Hiến pháp năm 1946 nêu rõ: “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”.

Trong bản Hiến pháp năm 1959 quyền và nghĩa vụ của phụ nữ được xác định rõ ràng hơn. Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất chi tiết về quyền của phụ nữ trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của các bản Hiến pháp trước. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, vào năm 2006 Luật Bình đẳng giới được ban hành và ngày càng phát huy tác dụng.

Quốc hội Việt Nam khóa XV được bầu ra ngày 23/5/2021 có 499 đại biểu, trong đó có 151 đại biểu nữ, chiếm 30,26%. Đây là lần thứ hai số nữ đại biểu Quốc hội của nước ta đạt trên 30% (lần đầu tiên là Quốc hội khóa V, đạt 32,31%), là lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VI trở lại đây có số đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%.

Số nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 26,5% (tăng 1,37% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện đạt 27,9% (tăng 3,2% so với nhiệm kỳ trước).

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong số Ủy viên Trung ương Đảng chính thức được bầu có 18 đại biểu nữ (chưa tính 1 ủy viên dự khuyết, tăng 1 đại biểu so với nhiệm kỳ khóa XII.

Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong nhiệm kỳ này, ở cấp cơ sở, số nữ tham gia cấp ủy đạt 21%, tăng 2%; cấp trên cơ sở đạt 17%, tăng 2%. Đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 16%, tăng 3% so với nhiệm kỳ trước.

Nhờ những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước mà lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong tham gia lãnh đạo quản lý nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Việt Nam đứng ở vị trí thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội Các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.

Chỉ số bình đẳng giới không ngừng được cải thiện. Năm 2020, Việt Nam xếp vị trí 87 trên tổng số 153 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới.

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục