Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hãy cứu cá hồng vện
Thứ hai: 20:22 ngày 13/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cứ mỗi năm, số lượng cá hồng vện trên sông Vàm Cỏ lại ít dần đi. Đến năm 2010, muốn có được loại cá này, người dân phải lặn lội lên thượng nguồn sông Vàm.

Ông Nguyễn Văn Lềnh (thường gọi là Năm Khênh), ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành cho biết, hiện nay cá hồng vện- một loài cá cảnh quý hiếm trước đây sinh sống nhiều ở sông Vàm Cỏ Đông đã sắp tuyệt chủng.

Nhà ông Lềnh cất bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Dưới sông, ông làm một lồng bè nuôi cá. Trên bè có 3 vèo đang nuôi một số cá hồng vện. Trong đó có 1 vèo ông nuôi thử nghiệm bằng nước sông Vàm, 2 vèo còn lại ông dùng bạt nylon chứa nước giếng từ trên đất liền đưa xuống để nuôi cá. Trong 2 vèo này ông Lềnh dùng máy bơm khí ôxy suốt 24/24 giờ.

Người nông dân này giải thích, sở dĩ dùng nước giếng nuôi cá là vì những năm gần đây nước sông Vàm bị ô nhiễm, nhiều lần gây chết cá hàng loạt nên ông không dám nuôi trực tiếp bằng nước sông. Còn việc vì sao không xây hồ, đào ao trên đất liền mà đặt vèo dưới sông để nuôi cá, ông Lềnh giải thích, trên bờ, nhiệt độ giữa ngày và đêm luôn thay đổi từ 7- 8 độ, khiến loài cá này dễ bị chết. Trong khi đó, đặt vèo dưới sông, nhiệt độ giữa ngày và đêm chỉ thay đổi khoảng 0,5 độ nên ít ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cá.

Cá hồng vện có màu vàng tươi, trên thân có những đường sọc ngang màu nâu đen rất đẹp.

Ông Lềnh chia sẻ, đối với cá to bằng bàn tay người lớn, tùy thời điểm, hình dáng, màu sắc, có thể bán ra thị trường với giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng/con. Đặc biệt, với những con cá có cơ thể bị tật, trông lạ mắt, có thể bán rất đắt. Nói xong, ông Lềnh lấy vợt vớt trong vèo lên cho chúng tôi xem một con cá hồng vện to cỡ bàn tay người lớn. Cá có màu vàng tươi, trên thân có những đường sọc ngang màu nâu đen, ước nặng khoảng 1,2 kg.

Theo lời ông Lềnh kể, hơn 30 năm trước, thời thanh niên, ông đã kiếm sống bằng nghề kéo lưới để bắt cá hồng vện trên sông. “Hồi đó, khoảng tháng 10 âm lịch hằng năm có cá hồng vện con, nhỏ bằng con ruồi, người dân bắt đầu mùa đánh bắt. Mỗi ngày, từ thượng nguồn đến hạ lưu sông Vàm ở các huyện Gò Dầu, Trảng Bàng có khoảng 700- 800 ghe đánh bắt loài cá này”, ông Lềnh nhớ lại.

Theo lời ông kể, người dân dùng các loại lưới dầy (gọi là lưới da bò), kéo trên sông, bắt được cá nhỏ bằng sợi tóc và lưới thưa hơn một chút, bắt được những con cá bằng con ruồi. Trung bình mỗi ngày, một người dân đánh bắt được cả ngàn con hồng vện. Số cá bắt được, tùy lớn, nhỏ và từng thời điểm, có thể bán cho thương lái với giá từ 500 đồng- 1 ngàn đồng/con.

Nhận thấy loài cá này ngày càng được thị trường tiêu thụ mạnh, ông Lềnh làm lồng bè dưới sông và chuyển sang nghề thu mua cá hồng vện con. “Thời điểm đó có khoảng vài chục người làm nghề nuôi cá này. Riêng bản thân tôi nuôi 5- 6 ngàn con. Khi cá còn nhỏ, tôi cho chúng ăn con bo bo- con của loài gián nước. Cá lớn lên một chút thì cho ăn lăng quăng. Lớn lên chút nữa cho chúng ăn tép nhỏ hoặc các loại cá con...”, ông Lềnh say sưa kể lại thời vàng son của nghề nuôi cá hồng vện.

Ông Lềnh vớt cho chúng tôi xem một con cá hồng vện đang được nuôi trong vèo.

Thế nhưng, nghề này bắt đầu gặp trục trặc khi nước sông Vàm dần bị ô nhiễm. Mặc dù chưa có chứng cứ để kết luận nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, nhưng ai cũng biết rằng từ khi dọc hai bên bờ sông Vàm Cả Đông xây dựng nhiều lò mì và nhà máy chế biến mủ cao su là nước sông bắt đầu bị ô nhiễm. Lục bình xuất hiện ngày càng nhiều hơn và cá trên sông cũng dần ít đi.

Cứ mỗi năm, số lượng cá hồng vện trên sông lại ít dần đi. Đến năm 2010, muốn có được loại cá này, người dân phải lặn lội lên thượng nguồn sông Vàm, bên nước bạn Campuchia mới tìm thấy. Nhưng những năm gần gây, ở nước bạn cũng không còn tìm thấy loài cá hồng vện. Mặt khác, nước sông ô nhiễm khiến nhiều lần cá trong lồng bè bị chết hàng loạt, dẫn đến không ít người làm nghề nuôi cá bị sạt nghiệp. Nguồn cá “đầu vào” cạn kiệt; cá nuôi thì lỗ nên nhiều người giải nghệ.

Ông Lềnh cho hay, đến cuối năm 2015, ở huyện Châu Thành còn 3 người nuôi loài cá này, nhưng những năm gần đây, tiếp tục có 2 người giải nghệ, giờ chỉ còn một mình ông gắn bó với loài cá hồng vện.

Nguồn cá ngoài thiên nhiên ngày càng khan hiếm, những năm qua đã có nhiều người dành hết tâm sức để nhân giống loài cá có màu hồng này, nhưng đến nay chưa ai thành công.

Cá hồng vện, ở nước ngoài gọi là cá Thái hổ, vì có sọc vằn vện như loài hổ. Đối với cá hồng vện nuôi trong vèo, từ khi còn nhỏ, nuôi khoảng 7 năm cá sẽ đạt cân nặng khoảng 2 kg và bắt đầu có trứng. Cá hồng vện sống ngoài thiên nhiên, chỉ cần khoảng 4 năm là có thể sinh sản.

Ông Lềnh nhớ lại, trước đây, có một nông dân ở ấp Xóm Ruộng (xã Trí Bình, huyện Châu Thành) thí nghiệm nuôi cá hồng vện trong một hồ kiếng. Kết quả, cả hai năm liền, cá hồng vện mái chịu đẻ trứng, nhưng không thụ tinh được. Năm thứ 3, người này thuê kỹ sư ở TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho cá, nhưng cuối cùng trứng vẫn không chịu nở. Sau 3 năm thí nghiệm liên tục, cá hồng vện mái chết. Từ đó, đến nay, người này không làm thí nghiệm nữa và cũng chưa biết làm cách nào cho loài cá này sinh sản.

Một vài người khác thì thí nghiệm dẫn nước sông Vàm vào mương rạch với độ sâu lý tưởng, tạo môi trường sống tương tự như ngoài thiên nhiên và cung cấp nguồn thức ăn dồi dào, nhưng bao năm nay chúng vẫn không chịu sinh sản. Bản thân ông Lềnh cũng đã thử nghiệm nuôi loài cá này bằng nhiều cách nhưng cũng không có kết quả. Hiện tại, ông đang thử nuôi bằng vèo trực tiếp dưới sông Vàm, nhưng xem ra vẫn chưa có tín hiệu khả quan.

Ông Lềnh bày tỏ mong muốn các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu bảo tồn loài cá quý hiếm này. Vì tình hình này kéo dài, vài năm nữa loài cá độc đáo của sông Vàm sẽ hoàn toàn tuyệt chủng.

Đại Dương

Tin liên quan