Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hệ thống e-Cabinet trên iPad của Thủ tướng, bộ trưởng có gì đặc biệt?
Thứ tư: 08:57 ngày 26/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
iPad của các thành viên Chính phủ đều được Ban Cơ yếu Chính phủ kiểm soát mã độc, kiểm tra an ninh, an toàn trước khi các thành viên Chính phủ sử dụng.

iPad của các thành viên Chính phủ đều được Ban Cơ yếu Chính phủ kiểm soát mã độc, kiểm tra an ninh, an toàn trước khi các thành viên Chính phủ sử dụng.

Chính phủ vừa khai trương Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) nhằm đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ, hướng tới Chính phủ không giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.

Hệ thống này được Văn phòng Chính phủ phối hợp với Tập đoàn Viettel và Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện, trong đó vấn đề bảo mật và an toàn thông tin được đặt lên hàng đầu.

Giao diện đơn giản, dễ sử dụng

Chia sẻ với Zing.vn, ông Trần Anh Tiến (Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Chính phủ) cho biết khi xây dựng hệ thống e-Cabinet, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ yêu cầu rất cao, phải có tham vấn của chuyên gia nước ngoài.

Khi đó, cùng với các chuyên gia trong nước, Ngân hàng thế giới và cả nước bạn Estonia cũng cử những chuyên gia đầu ngành tư vấn trong suốt quá trình xây dựng hệ thống e-Cabinet.

Cái khó nhất, theo ông Tiến, là khoảng thời gian quá gấp, anh em phải làm ngày làm đêm để kịp tiến độ. Nhưng Văn phòng Chính phủ cũng xác định không cầu toàn mà sẽ vừa dùng vừa tiếp tục hoàn thiện hệ thống trong quá trình sử dụng.

Một cái khó nữa được ông Tiến chỉ ra là thiết kế hệ thống này phải đặt vào vai các thành viên Chính phủ - là những lãnh đạo rất bận bịu và không phải ai cũng thường xuyên sử dụng công nghệ thông tin. Vì thế thiết kế giao diện và các thao tác phải trực quan, đơn giản, dễ nhìn, dễ hiểu.

Đặc biệt về yêu cầu chất lượng phải thiết thực, hiệu quả và khả thi.

“Lường trước những khó khăn về thao tác nên chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các trợ lý, thư ký của các thành viên Chính phủ. Bên cạnh đó, chúng tôi hỗ trợ một đội kỹ thuật đến tận nơi làm việc của các thành viên Chính phủ để hướng dẫn”, ông Tiến thông tin.

Phiên họp đầu tiên của Chính phủ sử dụng hệ thống e-Cabinet diễn ra trong vòng chưa đầy 10 phút. Ảnh: Minh Châu.

Theo ông, dù hệ thống khai trương nhưng còn cần tiếp tục hoàn thiện. Trong quá trình sử dụng có gì vướng mắc sẽ được điều chỉnh hoặc thêm các chức năng cần thiết.

Đề cập đến tính an toàn của hệ thống, ông Tiến nhấn mạnh đây là yêu cầu rất cao. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đòi hỏi đơn vị đầu tư xây dựng hệ thống trước hết phải chịu trách nhiệm về kỹ thuật, bảo đảm an toàn, an ninh.

Ông Tiến cho hay đơn vị này có công ty về an toàn an ninh mạng đánh giá toàn bộ cả phần cứng, phần mềm của hệ thống. Còn về phía cơ quan Nhà nước thì Cục An ninh mạng và một số đơn vị của Bộ Công an cũng tham gia đánh giá, đảm bảo các yêu cầu trước khi đưa vào sử dụng.

“An ninh, an toàn là cái không thể nói mạnh, nhưng tinh thần là phải đảm bảo  ở mức tối đa. Yêu cầu về giải pháp đều được xác định và Viettel là đơn vị đầu tư phải đảm bảo và chịu trách nhiệm”, ông Tiến nhấn mạnh.

Bảo mật cấp độ quốc gia

Trong khi đó, đề cập đến việc đảm bảo an toàn hệ thống, ông Võ Tá Tâm, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel, cho biết đặc thù của hệ thống e-Cabinet là sử dụng cho các thành viên Chính phủ nên tính bảo mật rất cao.

Vì thế, Tập đoàn đã chủ động xây dựng hệ thống bảo mật nhiều lớp dựa trên các hệ thống mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ trong quá trình triển khai. “Tất cả hệ thống chúng tôi đang triển khai đều đảm bảo toàn bộ những yêu cầu bảo mật ở cấp độ quốc gia”, ông Tâm cho hay.

Bên cạnh đó, đơn vị có hệ thống giám sát từ xa, nghĩa là có sự giám sát từ xa 24/24h để phát hiện các hành vi bất thường, tấn công từ xa để cô lập yếu tố ảnh hưởng.

Về hạ tầng, theo ông Tâm, hệ thống này được thiết kế tối ưu với băng thông 4G, đảm bảo yêu cầu liên quan đến kết nối.

“Thực tiễn thử nghiệm trong thời gian hơn một tháng vừa rồi, rất nhiều cuộc họp của thư ký các thành viên Chính phủ, các bộ phận của Văn phòng Chính phủ đã tập dượt, đóng các vai khác nhau đều cho thấy đảm bảo kết nối và tiềm năng toàn hệ thống”, ông Tâm khẳng định.

Chia sẻ về áp lực trong hơn 3 tháng xây dựng e-Cabinet, ông Tâm nói lớn nhất là phải là đảm bảo tính an ninh và an toàn, bởi các cuộc họp của Chính phủ cơ bản là những quyết sách quan trọng đối với đất nước.

Các thành viên Chính phủ sử dụng e-Cabinet tại phiên họp chính phủ đầu tiên áp dụng hệ thống phần mềm này. Ảnh: Minh Châu.

Bên cạnh đó là áp lực về thời gian rất gấp rút, trong vòng 3 tháng phải xây dựng các quy trình nghiệp vụ cũng như thay đổi thói quen của các thành viên Chính phủ.

Trong việc cung cấp hệ thống e-Cabinet, ông Tâm cho biết Chính phủ đặt ra các yêu cầu, Viettel sẽ cung cấp trọn gói từ hệ thống hạ tầng phần cứng, hệ thống thiết bị đầu cuối và các hệ thống phần mềm cũng như các dịch vụ bảo hành, bảo trì và bảo đảm an ninh, an toàn. Máy tính bảng cũng được đơn vị cung cấp trong gói đó.

“Nhưng với các thành viên Chính phủ có đặc thù là yêu cầu, đòi hỏi tương đối khắt khe về an ninh, an toàn. Vì thế, iPad của họ đều được Ban Cơ yếu Chính phủ kiểm soát các mã độc cũng như kiểm tra tính an ninh, an toàn trước khi sử dụng”, ông Tâm thông tin.

Sau khi triển khai ở cấp Chính phủ, ông Tâm bày tỏ kỳ vọng thời gian tới sẽ tiếp tục cùng Chính phủ đồng hành triển khai rộng rãi xuống các bộ, ngành, địa phương, góp phần chuyển đổi phong cách làm việc từ họp truyền thống qua họp trên mạng và các thiết bị điện tử.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục