Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hiểm họa từ những chiếc cống
Chủ nhật: 15:59 ngày 18/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh lắp đặt ngày càng đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc xử lý nước thải. Tuy nhiên, hiện có một số vấn đề bất cập nảy sinh từ những chiếc cống, hố ga thoát nước được người dân quan tâm, đề nghị sửa chữa, thay mới để bảo đảm an toàn.

Người dân dùng bạt nylon, bao tải, tấm nhựa, gạch, đá… che, chặn cửa cống, miệng hố ga.

Nắp cống “bẫy” người

Tại một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh, nhiều đoạn cống xây dựng không có nắp hoặc nắp cống bị hư hỏng, tạo thành chiếc bẫy đối với người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tai nạn. Có trường hợp xảy ra tai nạn do miệng cống, hố ga mở “ngoác miệng” trên đường. Một số hộ dân cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cống thoát nước thường xuyên bị bể, mất nắp do các loại xe tải nặng, xe ben, xe chở hàng thường đậu, đỗ hoặc quay đầu xe trên vỉa hè, miệng cống không thể chịu khối lượng lớn, lâu ngày gây hư hỏng.

Trên tuyến đường Quốc lộ 22B, đoạn qua các huyện Châu Thành, Gò Dầu, thị xã Hòa Thành, nhiều đoạn cống thoát nước dọc 2 bên đường hư hỏng nghiêm trọng, phần nắp bị bể, hư để lộ ra hố sâu hun hút, chực chờ nguy hiểm. Có trường hợp để bảo đảm an toàn, cảnh báo cho người đi đường, người dân dùng các miếng gỗ, nhánh cây khô để chắn tạm những đoạn cống không nắp.

Người dân dùng bạt nylon, bao tải, tấm nhựa, gạch, đá… che, chặn cửa cống, miệng hố ga.

Chị Vân Phụng, ngụ huyện Gò Dầu cho biết: “Tại những đoạn cống bể, bung nắp, nếu người dân đi đứng không cẩn thận, không quen thuộc địa hình, nguy cơ té ngã xuống cống khá cao, nhất là vào mùa mưa. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần kịp thời kiểm tra, có phương án sửa chữa cống hư, hở nắp tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”.

Không chỉ xảy ra trên tuyến đường Quốc lộ 22B, tình trạng cống mất nắp đang tồn tại ở rất nhiều nơi, nhưng chưa có biển cảnh báo nguy hiểm. Trước đây, trên tuyến đường ĐT 781 đoạn qua xã Thái Bình, huyện Châu Thành, có một số nắp cống thoát nước hai bên đường bị bung, bể nhưng không được che chắn kỹ, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông- nhất là vào buổi tối.

Người dân dùng bạt nylon, bao tải, tấm nhựa, gạch, đá… che, chặn cửa cống, miệng hố ga.

Một số người sinh sống tại tuyến đường trên cho biết, ban đầu, cống hư hỏng khá ít, về sau chưa được thay thế, sửa chữa kịp thời nên hư hỏng ngày càng trầm trọng. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo địa phương nhưng cống “không nắp” vẫn tồn tại.

Lãnh đạo UBND xã Thái Bình cho biết, cơ quan chức năng đã nhiều lần cho lực lượng xuống sửa chữa, thay mới nắp cống nhưng thay chỗ này thì chỗ khác lại hư tiếp. Vừa qua, các ngành chức năng đã xuống địa phương để kiểm tra, rà soát khu vực cống hỏng, mất nắp và cho gia cố, thay mới chỗ bị hư, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Khi hố ga bị “vô hiệu”

Để ngăn mùi hôi bốc ra từ hố ga, cống thoát nước, người dân thường dùng đủ các loại vật liệu từ bạt nylon, bao tải, tấm nhựa đến cả gạch, đá… che, chặn cửa cống, miệng hố ga. Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ giảm bớt một phần mùi hôi, nhưng vô tình gây mất mỹ quan đường phố, hạn chế khả năng thoát nước, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Cống không có nắp hoặc nắp cống bị hư hỏng, tạo thành “chiếc bẫy”.

Cống không có nắp hoặc nắp cống bị hư hỏng, tạo thành “chiếc bẫy”.

Một số đoạn cống thoát nước trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.Tây Ninh) gây mùi hôi khó chịu. Một số người buôn bán tại đây cho rằng, mùi hôi thối bốc lên từ hố ga khiến khách hàng đến ăn uống không thoải mái. Nhiều người vừa đến quán đã bỏ đi do không chịu được mùi hôi, khách dần thưa thớt, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của quán. Để giảm bớt mùi, họ đành phải dùng bạt che miệng cống nhưng cũng chỉ giảm được một phần.

Tương tự, trên tuyến đường Hoàng Lê Kha (thị trấn Châu Thành), người dân vô tư dùng miếng bạt, gỗ, tấm đan bằng bê tông chặn miệng cống. Thậm chí, có người dùng xi măng xây kín miệng cống cho chắc. Ở một số nơi, miệng cống, hố ga trở thành địa điểm tập kết rác sinh hoạt của các hộ gia đình. Chị N.A, ngụ thị trấn Châu Thành chia sẻ, ban ngày nắng nóng, hố ga hắt ra mùi khó ngửi. Chưa kể, thời điểm nắng mưa thất thường, muỗi trong các hố ga phát triển nhiều, bay khắp nơi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe người dân.

Ông Võ Huy Thông - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, quản lý hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải cho biết, trước đó, đơn vị đã nhận được ý kiến về việc sửa chữa nâng cấp cống thoát nước trên tuyến Quốc lộ 22B thuộc địa phận thị xã Hòa Thành. Để kịp thời bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, Sở đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ IV xem xét, thực hiện việc sửa chữa, bổ sung những tấm đan hư hỏng trên tuyến đường Quốc lộ 22B thuộc địa phận thị xã Hòa Thành.

Cống không có nắp hoặc nắp cống bị hư hỏng, tạo thành “chiếc bẫy”.

“Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải quan tâm đến việc bảo trì hệ thống các tuyến đường, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, phát huy tối đa hiệu quả công tác quản lý. Đối với các tuyến đường tỉnh, việc duy tu, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng do Sở quản lý; tuyến đường trong các khu công nghiệp do Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh quản lý; tuyến đường huyện do huyện quản lý”, ông Thông cho biết thêm.

Riêng việc người dân dùng tấm bạt, miếng ván, bao bì… bịt miệng cống thoát nước, thiết nghĩ, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần kiểm tra, nhắc nhở, kiểm tra và xử lý đối với trường hợp vi phạm. Các đơn vị cần thường xuyên rà soát, phát hiện hư hỏng, kịp thời sửa chữa cống nước, hố ga; kiểm tra các đoạn đường trên địa bàn, đặt biển cảnh báo nguy hiểm, rào chắn khi phát hiện cống nước, hố ga không có nắp, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia giao thông.

Phương Thảo-Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục