Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đào tạo giáo viên đặt hàng theo Nghị định 116:
Hiệu quả chưa như kỳ vọng
Thứ tư: 08:45 ngày 17/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trả lời chất vấn (bằng văn bản), lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, việc thực hiện đào tạo giáo viên theo tinh thần của Nghị định 116 đang gặp khó khăn. Đây là điều xảy ra trên cả nước, không riêng gì địa phương nào.

Giáo viên phổ thông làm nhiệm vụ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (ảnh minh hoạ)

Tại kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân tỉnh khoá X, đại biểu chất vấn lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các nội dung: đào tạo giáo viên đặt hàng theo tinh thần của Nghị định 116 năm 2020 đến nay thực hiện như thế nào? Tây Ninh đã cải thiện tình trạng thiếu giáo viên ra sao?

Cả nước chỉ có hơn 1.900 sinh viên sư phạm đào tạo theo đơn đặt hàng

“Khó khăn và vướng mắc trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên đang là một vấn đề nổi cộm. Theo Bộ GD&ĐT, tỷ lệ sinh viên được các địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với tổng số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách.

Trong số 30.807 sinh viên đăng ký hưởng chính sách, chỉ có 1.928 sinh viên được địa phương đặt hàng và 5.563 sinh viên được giao nhiệm vụ. Hiện tại, chỉ có 23 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố thực hiện việc giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu. Như vậy, có thể thấy rằng, phương thức này không được triển khai hiệu quả như kỳ vọng của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP”- lãnh đạo Sở GD&ĐT thông tin.

Vẫn theo giải trình của Sở GD&ĐT, số sinh viên thuộc diện đào tạo theo nhu cầu xã hội và được ngân sách Nhà nước cấp qua Bộ GD&ĐT chiếm 75,7% so với số sinh viên đăng ký hưởng chính sách và 82,6% so với số sinh viên nhập học.

Điều này cho thấy phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu đào tạo giáo viên chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Cả nước có 6 cơ sở đào tạo được địa phương đặt hàng nhưng chưa chi trả hoặc chỉ trả một phần nhỏ kinh phí, ảnh hưởng đến việc đào tạo và hỗ trợ sinh viên sư phạm, gây ra sự bất công giữa các sinh viên sư phạm thực hiện theo cơ chế đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu và sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Các địa phương lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có lợi thế trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nên không thực hiện và chi trả kinh phí đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các địa phương.

Giáo viên tiểu học trong giờ dạy.

Khó khăn còn xuất phát từ việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm. Bộ Tài chính chỉ giao khoảng 54% so với nhu cầu, dẫn đến việc kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm luôn chậm so với kế hoạch đào tạo, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo và sinh viên. Sự không đồng đều trong phát triển, điều kiện nguồn lực, chính sách tài chính giáo dục giữa các địa phương cũng khiến nhiều nơi không đủ kinh phí để đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu đào tạo giáo viên.

Việc theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn cũng là một vấn đề. Nghị định số 116/2020/NĐ-CP giao cho UBND cấp tỉnh theo dõi, đôn đốc sinh viên bồi hoàn kinh phí, nhưng lại không phải là đơn vị cấp kinh phí, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.

Nguyên nhân của các khó khăn nêu trên đến từ sự không thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, khó khăn trong triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP và sự khác biệt trong nhu cầu giáo viên giữa ngành Giáo dục và ngành Nội vụ; nhận thức, năng lực của các cơ sở đào tạo giáo viên chưa tốt, dẫn đến chậm trễ và không hiệu quả trong việc thực hiện cơ chế đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu.

Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung để khắc phục những vấn đề nêu trên.

Vấn đề thiếu giáo viên hằng năm (đặc biệt là bậc học mầm non) đã được Sở GD&ĐT khắc phục bằng nhiều biện pháp như thỉnh giảng, hợp đồng, dạy thừa giờ, tuyển dụng giáo viên nhiều lần trong năm, bảo đảm thực hiện đúng, đủ chương trình giáo dục mầm non, phổ thông mới theo quy định.

Tây Ninh chờ mở phân hiệu đại học

Việc thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP tại Tây Ninh, Sở GD&ĐT đang tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước để Trường cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Tây Ninh đào tạo sinh viên sư phạm mầm non.

Đối với các môn học cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, việc giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên sẽ được thực hiện khi phân hiệu đại học tại Tây Ninh được thành lập. Trong thời gian chờ đợi, Trường CĐSP Tây Ninh đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo giáo viên mầm non, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nhân lực cho tỉnh.

Việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn chuẩn bị cho sự phát triển bền vững và lâu dài của ngành Giáo dục tỉnh Tây Ninh. Việc thành lập phân hiệu đại học tại Tây Ninh, theo Sở GD&ĐT là “cần thiết để đáp ứng nhu cầu giáo viên cho các cấp học phổ thông và nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. Điều này giúp sinh viên địa phương học tập và phát triển nghề nghiệp ngay tại quê nhà”.

Tính khả thi không cao

Như đã từng đề cập, ngày 25.9.2020, Chính phủ ban hành Nghị định 116 hỗ trợ chi phí học tập, cấp học bổng và đặc biệt đào tạo sinh viên sư phạm theo địa chỉ. Nghị định 116, khi mới ban hành được xem như một giải pháp có tính đột phá để giải quyết câu chuyện thiếu giáo viên.

Gần bốn năm kể từ khi chính sách nêu trên có hiệu lực, việc đào tạo giáo viên theo địa chỉ đạt hiệu quả thấp, cả nước chỉ có hơn 17% sinh viên sư phạm học theo diện chính sách này. Số sinh viên học xong cũng chưa biết liệu có được tuyển dụng đúng như tinh thần Nghị định 116 hay không.

Vì theo các quy định khác, sinh viên đào tạo theo địa chỉ vẫn phải tham gia thi hoặc xét tuyển. Các nhà quản lý ngành Giáo dục chỉ ra rằng, khi tham gia tuyển dụng, có thể sinh viên đào tạo theo địa chỉ không trúng tuyển, trong khi sinh viên tự do lại trúng tuyển. Thực tế cho thấy, việc triển khai Nghị định 116 gặp quá nhiều khó khăn, vướng mắc- kể cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Một trong những vướng mắc phải kể đến là khi đào tạo theo đơn đặt hàng, chính quyền địa phương (UBND tỉnh, thành phố) phải bảo đảm đầu ra cho sinh viên. Nhưng theo các quy định hiện hành, chưa có gì để bảo đảm điều đó được thực hiện, vì sinh viên sư phạm đào tạo theo địa chỉ không phải thuộc diện sinh viên cử tuyển (thậm chí có giai đoạn sinh viên cử tuyển học xong còn không bố trí được việc làm).

Hơn một năm trước, tháng 2.2023, Bộ GD&ĐT công bố số liệu thống kê các địa phương trong cả nước xung quanh việc triển khai Nghị định 116. Tính đến thời điểm công bố, cả nước có đến 40 tỉnh, thành phố (trong đó có Tây Ninh) không triển khai nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên cho khoá tuyển sinh năm 2021.

Chính sách đào tạo giáo viên theo địa chỉ còn nhiều bất cập khác khiến học sinh phổ thông không mấy mặn mà. Theo quy định của Nghị định 116, sinh viên tốt nghiệp nhưng không công tác trong ngành thì sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo.

Thế nhưng, trường hợp sinh viên đó dự thi viên chức nhưng không trúng tuyển vì lý do khách quan nào đó, thì sao? Hơn nữa, những sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội (tự bỏ tiền ra để đi học, không được hỗ trợ) vẫn được quyền thi tuyển và trúng tuyển thì có sự không công bằng trong chính sách (cùng là giáo viên, nhưng người được hỗ trợ kinh phí đào tạo, người lại không) vì thuộc hai nhóm đối tượng khác nhau. Về nguyên tắc, nếu không trúng tuyển trong kỳ tuyển dụng thì không thể yêu cầu bồi hoàn kinh phí, vì họ cũng muốn thực hiện theo cam kết.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục