Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hiệu quả của kênh tiêu
Thứ hai: 05:49 ngày 28/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kênh tiêu Hội Thanh, Hội Thành (xã Tân Hội, huyện Tân Châu) được UBND tỉnh đầu tư đưa vào sử dụng phục vụ việc sản xuất nông nghiệp khoảng 1.200 ha nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong vấn đề tiêu thoát nước, chống ngập úng, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Vườn cây ăn trái phát triển trong khu vực kênh tiêu T12A sau khi được nâng cấp thuộc xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu.

Xã Tân Hội có 2 ấp Hội Thanh và Hội Thành được xem là “rốn ngập” vào mùa mưa. Người dân nơi đây chủ yếu trồng cây ngắn ngày như cây mì, nếu không kịp thu hoạch là mất trắng.

Khi 2 kênh tiêu này đi vào hoạt động, người dân Hội Thanh và Hội Thành mạnh dạn chuyển đổi sang những cây trồng như sầu riêng, chuối… Một cán bộ xã cho biết, vùng đất nằm trong hệ thống kênh tiêu sẽ dần được người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế hiệu quả hơn. Nông dân trồng mì không còn sợ ngập, hiệu quả kinh tế bảo đảm hơn.

Một người dân sống trong vùng kênh tiêu Hội Thanh nói đùa: “Nắng hạn thì còn sống, chứ ngập thì chết chắc”, bởi theo người dân này, trong trường hợp hạn hán, người dân canh tác cây trồng có thể khoan giếng bơm nước để tưới. Còn nếu cánh đồng bị ngập thì khó có cây trồng nào có thể trụ được, vì vậy mà cả kênh tưới và kênh tiêu đều quan trọng, cần phải cân bằng mới phát triển nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Minh Dương- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội, huyện Tân Châu cho biết, vừa qua, huyện có chỉ đạo xã kết hợp cùng các phòng chuyên môn huyện khảo sát lại 2 tuyến kênh này để xem có điểm nào hư hỏng trong quá trình sử dụng, bị bồi lắng để xin ý kiến tỉnh cho chủ trương nạo vét nhằm bảo đảm việc tiêu thoát nước của 2 tuyến kênh tiêu Hội Thạnh, Hội Thành ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, việc trên địa bàn xã Tân Hội được tỉnh đầu tư 2 tuyến kênh tiêu trên cũng giúp địa phương bảo đảm tiêu chí về thuỷ lợi trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới.

Ông Đỗ Tuấn Kiệt- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu cho biết, đợt ngập trong hai ngày 20 và 21.7.2022, cánh đồng lúa hơn 600 bị ngập nặng nề, gây thiệt hại lớn cho người dân. Cánh đồng này chỉ cách vùng dự án kênh tiêu Phước Ninh - Phước Minh mà tỉnh đầu tư để chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 400m. Trong khi đó, khu vực nằm trong hệ thống kênh tiêu không hề xảy ra ngập úng, nông dân rất phấn khởi. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của hệ thống kênh tiêu trong canh tác nông nghiệp.

Đối với dự án phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi cây trồng xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu, hạng mục nạo vét kết hợp làm đường giao thông nội đồng kênh tiêu T12A, được xem là dự án có sự đồng thuận cao của người dân trong việc hiến đất để mở rộng kênh, nâng cấp đường kênh nội đồng.

Theo thiết kế ban đầu của hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, hệ thống kênh tiêu với nhiệm vụ tiêu thoát nước cho khu vực trồng lúa. Những năm gần đây, cây lúa không còn phù hợp với điều kiện sản xuất và kinh tế của người dân nên đa số người dân đã chuyển đổi sang trồng mía, mì và cao su, hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay do thời tiết thay đổi, kinh tế thị trường biến động, mì, mía, cao su bị dịch bệnh, giá cả thị trường không ổn định, đầu ra sản phẩm bấp bênh, nên Nhà nước có chủ trương chuyển hướng sang nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, UBND tỉnh cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Dự án Phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi cây trồng xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu.

Bên cạnh đó, hệ thống kênh tiêu trong vùng dự án đã từ lâu chưa được đầu tư nạo vét, nâng cấp hoặc chỉ nạo vét hằng năm cho thông thoáng dòng chảy, đa số hiện trạng kênh tiêu đã bị bồi lấp, cây cỏ mọc đầy lòng kênh, một số công trình trên kênh chưa có hoặc hiện trạng chỉ phù hợp tiêu thoát cho trồng lúa, không phù hợp tiêu thoát để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, rau như nhiệm vụ của dự án đề ra. Để triển khai thực hiện dự án này, diện tích đất người dân bị thiệt hại 22.300m2, vận động nhân dân không nhận bồi thường.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, người dân xã Lộc Ninh cho biết, khu đất anh đang canh tác vào mùa mưa, người dân luôn ngại cảnh nước ngập ảnh hưởng đến cây trái đang sản xuất như nhãn, sầu riêng. Hơn nữa, do đường kênh xấu, xuống cấp nên ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển nông sản khi thu hoạch, buộc phải tăng bo từ vườn ra đường lớn.

Do đó, khi nghe chủ trương mở đường kênh, cải tạo lại hệ thống kênh tiêu bảo đảm việc thoát nước, không còn xảy ra ngập vào mùa mưa, anh Tùng đã vận động gia đình hiến hơn 500m2 đất để mở rộng nâng cấp đường bờ kênh. Anh Tùng cho rằng, giờ đây có thể an tâm hơn trong việc canh tác, vận chuyển hàng hoá nên so với quyền lợi anh bị thiệt hại không đáng là bao với những lợi ích lâu dài mà anh và người dân địa phương hưởng lợi từ dự án này.

Tấn Hưng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục