Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hiệu quả từ chăn nuôi theo chuỗi liên kết
Thứ tư: 13:30 ngày 10/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết nên gặp khó khăn về đầu ra, giá cả không ổn định. Trong khi đó, những trang trại, gia trại chăn nuôi theo chuỗi lại sống khoẻ.

Một khu trong trang trại chăn nuôi heo liên kết với Công ty CP Việt Nam của ông Trần Ðình Long.

NGƯỜI CHĂN NUÔI + DOANH NGHIỆP = “SỐNG KHOẺ”

Theo Ðề án phát triển chăn nuôi heo đến năm 2020, Tây Ninh sẽ tập trung nâng cao thu nhập, chất lượng sản phẩm và vệ sinh môi trường cho các hộ chăn nuôi thông qua việc cải thiện chất lượng giống và cải thiện môi trường chăn nuôi; hỗ trợ áp dụng thực hành chăn nuôi tốt theo hướng VietGAHP và hỗ trợ xây dựng liên kết trong chăn nuôi heo, trong đó sẽ hình thành liên kết trong công tác giống, thức ăn, tiêu thụ thịt heo và xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm thịt heo.

Vì vậy, hình thức liên kết trong chăn nuôi hiện nay được coi là giải pháp tối ưu giúp bà con nông dân giảm thiệt hại, ổn định đầu ra sản phẩm. Ðại diện Công ty C.P Việt Nam cho biết, trong tổ chức sản xuất ở nước ta vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ dẫn đến giá thành cao, không có điều kiện sản xuất chuỗi mà tách rời tất cả các khâu từ chăn nuôi, thị trường, phân phối đến chế biến. Công ty CP Việt Nam đã xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, quá trình nuôi ở các trang trại đến giết mổ, chế biến thực phẩm và hệ thống phân phối đến tay người tiêu dùng.

Ông Trần Ðình Long- ngụ xã Suối Ðá, huyện Dương Minh Châu cho biết, trang trại của ông chăn nuôi heo liên kết với Công ty CP Việt Nam, hiện nuôi khoảng 1.000 con heo thịt, mỗi năm 2 lứa theo hướng công nghiệp. Ông Long được Công ty tập huấn về kỹ thuật an toàn sát trùng chuồng trại, an toàn dịch bệnh, tiêu độc khử trùng...

Ông Nguyễn Văn Thành, ngụ xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu nhận định, việc chăn nuôi gà gặp nhiều rủi ro, do thị trường biến động, đầu ra phụ thuộc nhiều vào thương lái nên ông chọn phương án nuôi gia công cho CP Việt Nam. Công ty cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y và cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn, ông Thành chỉ chịu trách nhiệm chăm sóc. Ðến khi tiêu thụ, công ty sẽ đến cân và trả tiền theo giá ban đầu đã được hợp đồng. Ông Thành cho biết: “Liên kết chăn nuôi với Công ty CP khá hiệu quả, thiết bị máy móc hiện đại, dịch bệnh khó xảy ra vì được theo dõi chặt chẽ. Hiện nay, hiệu quả kinh tế mang lại rất khả quan, thu nhập của người làm trong trại bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng/người”.

Ông Thành cũng cho biết thêm, việc chăn nuôi theo hướng liên kết với công ty tuy lợi nhuận không cao, nhưng sẽ giúp nông dân giảm thiệt hại khi thị trường biến động về giá cả, không lo lỗ vốn. Gà thả vào chuồng là đã có thể nhẩm tính được số tiền mình có khi bán ra là bao nhiêu, giá cao thì nông dân và công ty cùng có lãi, khi giá xuống thấp, công ty cũng hỗ trợ để giảm bớt thiệt hại cho nông dân.

Gia đình anh Nguyễn Tiến Nhân, chủ trang trai vịt tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu cũng là một trong những hộ chăn nuôi theo mô hình liên kết với doanh nghiệp từ nhiều năm nay. Anh Nhân cho hay: “Năm 2012, tôi xây dựng trang trại lạnh nuôi gà nhưng hiệu quả không cao. Ðầu năm 2016, tôi quyết định chuyển sang nuôi vịt theo hướng công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp.

Mỗi lứa, thời gian nuôi khoảng 50 ngày cho xuất trại, sau khi trừ các khoản chi phí tôi có lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng”. Mỗi năm, trang trại của anh Nhân cho xuất trại 4 lứa, mỗi lứa 20.000 con vịt thịt, thu nhập của gia đình ổn định hơn. Ngoài ra, trang trại còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 nhân công với mức lương từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng”.

Trại chăn nuôi gà liên kết với Công ty CP Việt Nam của ông Nguyễn Văn Thành.

Hướng TỚI SỰ BỀN VỮNG

Hiện nay, có hai hình thức liên kết đặc trưng: Một là, liên kết theo đường đi của sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng, được gọi là liên kết dọc. Hai là, liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất - kinh doanh, được gọi là liên kết ngang.

Ðối với liên kết dọc, phía doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, tổ chức sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật và bảo đảm thị trường tiêu thụ, còn người chăn nuôi sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ một phần chi phí sản xuất.

Ðối với hình thức liên kết ngang, người sản xuất và đơn vị kinh doanh, điển hình là các HTX, tổ hợp tác… liên kết lại, hỗ trợ nhau sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trong mô hình này, các HTX, tổ hợp tác chịu trách nhiệm cung cấp con giống, vật tư, phân bón, thức ăn và đầu ra sản phẩm cho các xã viên.

Ở Tây Ninh, hình thức chăn nuôi liên kết tập trung chủ yếu theo liên kết dọc giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi. Các mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết bước đầu đạt kết quả tốt, loại bỏ được việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nông dân thu nhập ổn định. Có thể nói, hình thức liên kết này đã mở ra hướng chăn nuôi mới, giúp người dân giảm rủi ro và bước đầu giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm, đồng thời giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Mới đây, trong bối cảnh giá thịt heo hơi đang xuống thấp, Công ty CP đã hỗ trợ nông dân bằng cách hạ giá thức ăn chăn nuôi 200 đồng/kg, bắt đầu áp dụng từ ngày 26.4, giúp người chăn nuôi giảm đáng kể chi phí đầu vào, giảm một phần lỗ cho bà con. Ðồng thời, đơn vị này cũng đang hướng dẫn người chăn nuôi sử dụng các loại thức ăn cho heo phù hợp với giá thấp hơn, qua đó giảm chi phí đầu tư thức ăn xuống khoảng 20%.

Tuy nhiên, một số mô hình liên kết này vẫn còn khó khăn, như: liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông) chưa gắn kết thật chặt chẽ; việc triển khai các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng và hình thành chuỗi liên kết chưa thường xuyên... Phía doanh nghiệp và người chăn nuôi chưa tìm được tiếng nói chung trong việc phân chia lợi ích, giải quyết rủi ro trong quá trình sản xuất, vì vậy một số trang trại bị “chết yểu” sau khi thực hiện liên kết từ 1-2 lứa.

Việc thực hiện chăn nuôi liên kết theo chuỗi là mô hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công; và cũng là giải pháp trong đề án phát triển chăn nuôi heo của tỉnh. Chăn nuôi liên kết theo chuỗi sẽ bảo đảm cho người nông dân không bị thua lỗ, sản phẩm chăn nuôi khi xuất chuồng được đưa đến nhà máy giết mổ, kết nối với nhà máy chế biến rồi đưa ra thị trường bán lẻ, siêu thị theo quy trình sạch, khép kín sản phẩm đến người tiêu dùng là sản phẩm bảo đảm nguồn gốc, có chất lượng. Ðồng thời, các hộ chăn nuôi còn được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, cung cấp vật tư tốt.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục