Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày nay, nhu cầu tiêu thụ thịt dê là khá lớn, mô hình nuôi dê chuồng vừa tiết kiệm diện tích nuôi, công chăn thả, nguồn thức ăn, vừa giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc Chăm đổi đời, góp phần làm cho bộ mặt làng xóm Chăm ở Suối Dây ngày thêm đổi mới.
Mô hình nuôi dê nhốt chuồng ở ấp Chăm.
Ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu được hình thành từ hơn 30 năm qua. Địa bàn nơi đây tập trung chủ yếu hơn 95% là người dân tộc Chăm sinh sống. Trước đây, ấp Chăm được xem là ấp nghèo, đời sống người dân chủ yếu chỉ dựa vào nuôi trồng nhỏ lẻ và làm thuê, làm mướn. Nhưng trong vòng mười năm trở lại đây, đời sống người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực từ việc canh tác cao su, mía mì đến chăn nuôi bò thịt. Gần đây, bà con bắt đầu chuyển hướng phát triển sang nghề nuôi dê nhốt chuồng- một mô hình kinh tế khá hiệu quả.
Ấp Chăm được hình thành từ sau năm 1979, phần đông người Chăm ở Suối Dây có nguồn gốc từ hai làng xưa là Đông Tác (phường 1, TP. Tây Ninh) và Tạo Tác (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu). Hưởng ứng chính sách kinh tế mới, người Chăm về đây làm ăn sinh sống và lập nên xóm ấp như ngày nay. Hiện nay, ấp Chăm có diện tích 635,4km2 với gần 400 hộ và 2.000 nhân khẩu.
Nhằm phát triển kinh tế đời sống, xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, chính quyền các cấp ở địa phương, cụ thể là Hội Nông dân xã Suối Dây đã giới thiệu cho khoảng 100 hộ dân tộc Chăm vay từ các ngân hàng với số vốn hơn 3 tỷ đồng để trồng trọt và chăn nuôi, đặc biệt là nuôi dê. Theo đó, bình quân mỗi hộ được vay khoảng 30 triệu đồng.
Theo nhiều bà con nông dân, nuôi dê nhốt chuồng là một mô hình thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây. Ông Chàm Him, một người nuôi dê tương đối thành công ở ấp Chăm cho biết: “Nghề nuôi dê không khó. Con dê ít bệnh tật và thức ăn là lá cây mì rất phong phú ở địa phương. Dê là loài động vật ăn tạp, có thể ăn hơn 100 loại lá cỏ khác nhau. Nhưng ở đây, nuôi nhốt chuồng nên chủ yếu bà con cho ăn lá cây mì, nhà nào có đất rộng trồng cỏ cho ăn thêm thì càng tốt. Mỗi con dê trưởng thành ăn khoảng 7kg lá hoặc cỏ mỗi ngày”.
Làm chuồng nuôi dê cũng khá đơn giản, chỉ cần cao ráo thoáng mát là được. Ở ấp Chăm, đa số bà con chọn giống dê nuôi là dê Hoà Lan và dê Bắc Thảo. Hai giống dê này vừa to con vừa dễ nuôi và chế độ ăn uống, chăm sóc cũng không có gì phức tạp. Một năm, dê sinh sản hai lần, mỗi lần từ 1-4 con và hơn một tháng sau khi sinh là có thể phối giống tiếp tục cho dê cái.
Khoảng sáu tháng tuổi thì dê con có thể xuất chuồng. Giá dê thịt bán dao động từ 100-120 ngàn đồng/kg. Có bao nhiêu dê, thương lái từ Bình Dương, Bình Phước và thành phố Hồ Chí Minh đều thu mua hết. Dê con giống nuôi từ 4-5 tháng tuổi có giá từ 3-4 triệu đồng/con. Cứ chu kỳ 6 tháng, nhà nuôi ít cũng xuất chuồng được 10 con dê thịt, mỗi con khoảng 40kg, thu lợi cũng trên dưới 50 triệu đồng. Còn nhà nuôi nhiều, bán cả dê thịt lẫn dê giống thì kiếm vài trăm triệu là chuyện rất bình thường.
Hiện tại mấy chục hộ nuôi dê trong ấp rất phấn khởi, nuôi dê với bà con cũng như làm công việc nhàn rỗi, đi bẻ lá mì, phơi lá, cho dê ăn, xịt nước vệ sinh chuồng… đều là những công việc mà người lớn tuổi có thể làm được. Ngoài bán dê thịt và dê giống, bà con còn thu gom phân dê để bán cho những nơi trồng hoa màu hoặc bón cho cao su. Dê ăn lá mì nên chất lượng phân rất tốt, trong phân không có hạt mầm cỏ, nên những nơi trồng hoa màu rất chuộng. Tính trung bình, mỗi hộ trong vòng một năm nuôi chừng 20 con dê cũng bán được 100 bao phân, mỗi bao 20kg với giá dao động từ 25-30 ngàn đồng.
Nuôi dê xưa nay không phải là một nghề lạ, nhưng cách nuôi, đầu ra và giá cả mới là việc đáng nói. Xưa người nông dân thường nuôi dê theo cách thả rông… chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhỏ lẻ. Ngày nay, nhu cầu tiêu thụ thịt dê là khá lớn, mô hình nuôi dê chuồng vừa tiết kiệm diện tích nuôi, công chăn thả, nguồn thức ăn, vừa giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc Chăm đổi đời, góp phần làm cho bộ mặt làng xóm Chăm ở Suối Dây ngày thêm đổi mới.
ĐÀO THÁI SƠN