Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Năm 2020, người Tây Ninh rộn ràng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Tua Hai. Đêm 25, rạng ngày 26.1.1960 dương lịch, tức đêm 27, rạng ngày 28 tháng Chạp năm Kỷ Hợi, kể như cũng đã chạm vào đầu hoa giáp năm Canh Tý (1960- 2020). Vậy xin nhắc đến sự kiện này như một trang mở đầu cho cuốn sử vàng hoa giáp, cũng là trang huy hoàng nhất của Tây Ninh thời chống Mỹ.
Bên tượng đài chiến thắng Tua Hai.
Là bởi, nói theo Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Chính uỷ các lực lượng tham gia trận đánh, thì: “Tập kích Tua Hai không phải là một trận đánh lớn, nhưng có ý nghĩa chính trị, lịch sử trọng đại, vượt rất xa tầm vóc và kích cỡ của bản thân nó. Đây là phát pháo hiệu sáng ngời, vang dội của Nghị quyết 15, của đồng khởi, đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong lịch sử chống Mỹ và tay sai của cách mạng miền Nam…” .Còn nhà văn Trần Bạch Đằng lại gọi chiến thắng Tua Hai là “Bà đỡ xứng đáng được nhớ ơn- một trận đánh khai sinh”.
Vâng! Chính “bà đỡ” này đã đỡ đẻ đứa con đầu lòng chiến thắng Tua Hai. Sau đó tiếp tục là những cái tên chiến thắng ngày một lớn ở Núi Thành, Bàu Bàng, Ấp Bắc, Plei Me… và nhất là chiến thắng to lớn trên chính miền đất mẹ Tây Ninh của Tua Hai, là cuộc chống càn Junction City, đánh bại 45 ngàn quân Mỹ và chư hầu được trang bị vũ khí hiện đại vào bậc nhất trong mùa khô 1966-1967. Đây cũng là cuộc hành quân (càn quét) có quy mô lớn nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh diễn ra ở miền Nam.
Xe tăng Mỹ bị quân Giải phóng tiêu diệt ở chiến trường Bắc Tây Ninh, mùa khô 1966-1967. Ảnh tư liệu P.TK
Chiến thắng Tua Hai kể như đã mở màn cho một hoa giáp huy hoàng. Trong đó, phần đầu là những chiến công anh hùng, hiển hách của quân dân Tây Ninh đánh Mỹ. Trung tướng Phan Trung Kiên, trong bài tham luận tại hội thảo khoa học tại Tây Ninh ngày 24.12.1999 có viết: “Tại Tây Ninh, trận tập kích Tua Hai làm rúng động hệ thống chính quyền nguỵ.
Nhân dân nổi dậy phối hợp với lực lượng võ trang giải phóng 10 quận lỵ, chi khu, diệt và bức rút 24 đồn bót. Hai phần ba số xã trong toàn tỉnh giành được chính quyền về tay nhân dân. Vùng đất rộng lớn phía Bắc tỉnh (Dương Minh Châu, Tân Biên) được giải phóng…”.
Nguyên là Tư lệnh Quân khu 7, ông còn phân tích những tác động của Chiến thắng Tua Hai tới các tỉnh Long An, Kiến Tường, Thủ Dầu Một và vùng đô thị Sài Gòn- Gia Định. Từ đó, rút ra một kết luận quan trọng là: “Chính sự kiện tập kích Tua Hai ngày 26.1.1960, với tất cả hệ quả và ý nghĩa của nó đã chính thức mở đầu phong trào đồng khởi ở miền Đông Nam bộ…”.
Khánh thành mở rộng sân chùa núi Bà, tháng 7.2019.
Sáu mươi năm đã qua. Sử sách đã ghi, hội thảo khoa học về Chiến thắng Tua Hai đã có nhiều bài sâu sắc. Thế nhưng như thế có lẽ vẫn còn chưa đủ. Vì vậy sẽ có thêm một hội thảo nữa do Quân khu 7 phối hợp Tây Ninh tổ chức vào đầu tháng 1.2020, năm cuối cùng hoa giáp Canh Tý. Có lẽ bởi chưa ai liên hệ giữa chiến thắng vang dội này với các sự kiện quan trọng diễn ra sau đó.
Đặc biệt vào ngày 20.12 năm ấy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời trên căn cứ Bắc Tây Ninh. Bài ca của Mặt trận chính thức vang lên những lời hiệu triệu: “Vùng lên, nhân dân miền Nam anh hùng/ Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng/ Thề cứu lấy nước nhà/ Thề hy sinh đến cùng/ Cầm gươm ôm súng xông tới…” (tác giả Huỳnh Minh Siêng).
Tiếp theo là các hội, đoàn thể, đặc biệt là lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam ra đời, lễ ra mắt trang trọng vào ngày 15.2.1961 được tổ chức ở Trảng Chiên nay thuộc huyện Tân Biên. Lực lượng vũ trang, còn được gọi là Quân giải phóng miền Nam đã nhanh chóng lớn dậy hiên ngang như Phù Đổng Thiên Vương, trong hình tượng anh bộ đội mũ tai bèo, chân dép cao su bình dị. Mà có lẽ, lực lượng nòng cốt đầu tiên chính là các chiến sĩ tham gia đánh trận Tua Hai. Để rồi chỉ 7 năm sau, các anh đã đánh tan 45.000 quân Mỹ với chư hầu trong cuộc càn quét Junction City khét tiếng.
Sau 60 năm, Báo Tây Ninh vẫn tìm được vài nhân chứng sống. Như Anh hùng LLVT Bùi Văn Thuyên, bà Mười Mét- dân công vác súng chiến lợi phẩm trận Tua Hai. Bà Mười nay đã 83 tuổi, vẫn còn nhớ rõ mình vác được tới 6 cây súng Mỹ. Để hình dung ra không khí Tây Ninh sau Tua Hai năm ấy, xin đọc lại vài trang sử xã Phước Vinh, một miền quê còn ít được biết tới, dù cũng là một xã anh hùng của huyện Châu Thành.
Sách viết: “Huyện Châu Thành có 110 người đủ già trẻ, nam nữ, đảng viên, quần chúng được đưa đi làm dân công hoả tuyến của trận đánh lịch sử này. Xã Phước Vinh có 28 người…vác mỗi người từ 3 đến 7 cây đem về địa điểm quy định và mỗi người được vác 1 cây đem về 28 cây cho Phước Vinh và Hoà Hiệp…Ngay ngày hôm sau cùng với nội ứng, lực lượng địa phương huyện Châu Thành kết hợp với du kích xã diệt đồn Hoà Hiệp. Lực lượng dân công Phước Vinh vác súng về đến xã đêm mùng 3 tết thì ngày mùng 4 hù doạ Hội đồng tề và tiểu đội dân vệ, Hội đồng xã cũng rút chạy luôn về thị xã…”.
Điều đặc biệt ở Phước Vinh là: “Đến năm 1963, xã Phước Vinh được tỉnh và huyện Châu Thành chọn làm điểm đầu tiên xây dựng chính quyền quá độ. Đây cũng là thí điểm đầu tiên của Trung ương… Các đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Bạch Đằng nói chuyện, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân xã… phải sáng suốt chọn lựa bầu cử Hội đồng nhân dân xã và thành lập chính quyền quá độ kiểu mẫu cho toàn huyện…”.
Để chào mừng sự kiện này, quân dân Phước Vinh đã đào hẳn một con kênh dài 3800 mét, thoát phèn cho 800 ha đất có thể cấy lúa cho dân. Cuộc bầu cử (có lẽ đầu tiên và duy nhất của cuộc thí điểm này) đã thành công mỹ mãn ngày 14.7.1963. Hội đồng nhân dân có 15 uỷ viên. Hội đồng lại bầu ra UBND xã gồm 9 người, phân công đồng chí Tư Tuỳ làm chủ tịch.
Chính quyền này đã lãnh đạo thành công, đến độ có nhiều đoàn quốc tế về thăm ngay trong những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến. Năm 1964 có các đoàn của Ba Lan, Cu Ba, Trung Quốc, Mông Cổ và cả Pháp (nhà báo Madeleine Riffaud). Đến năm 1969 có thêm phái đoàn điều tra tội ác chiến tranh của Toà án quốc tế Brussels do nhà báo Úc là ông Wilfred Burchett dẫn đầu… Mà đây cũng mới chỉ là một vài trong hàng trăm trang sử anh hùng ở một xã vùng giải phóng của Tây Ninh. Tất cả là hệ quả từ chiến thắng Tua Hai, mà Tây Ninh còn hàng chục xã cũng anh hùng như thế hoặc còn hơn thế.
Sau Tua Hai, “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ di dời. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” thay thế với hàng trăm nghìn quân Mỹ và chư hầu đổ bộ tới miền Nam cũng tới hồi tan rã. Để tới mùa xuân Tổng tiến công 1968 thì buộc địch phải thay đổi sang chiến lược đổi màu da trên xác chết, thay thế dần lính viễn chinh bằng quân đội Sài Gòn.
Cho tới năm thứ 15 của hoa giáp huy hoàng (1975) thì có Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước thống nhất sau 21 năm chia cắt. Nhưng để có chiến dịch cuối cùng ấy, cũng cần nhắc lại để nhớ ơn những người làm nên chiến công giải phóng núi Bà Đen- trên đỉnh núi là căn cứ thông tin quan trọng bậc nhất của Quân đoàn 3 và Quân lực Sài Gòn. Ngày 7.1.1975, lá cờ giải phóng đã phần phật bay trên đỉnh núi Bà Đen, vừa bưng tai bịt mắt địch, vừa dự báo cho một mùa xuân đại thắng.
Trong khi cả nước còn tưng bừng niềm vui thống nhất non sông, Tây Ninh vẫn còn phải gồng mình hàn gắn vết thương chiến tranh và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Để tới năm 1980, người Tây Ninh mới thật sự bước vào cuộc dựng xây quê hương đất nước. Phát pháo lệnh của giai đoạn này chắc là sự kiện khởi công xây dựng lòng hồ Dầu Tiếng vào tháng 4.1981.
Để tới ngày 10.1.1985, nước đã được mở về tưới mát cho 58.000 ha ruộng rẫy trên toàn tỉnh. Hàng trăm ki-lô-mét kênh mương trải dài về mọi hướng. Kênh Đông, kênh Tây lớn tựa một dòng sông. Dòng xuôi xuống Sài Gòn, Long An, dòng ngược lên các huyện vùng cao phía Bắc. Để đến hôm nay, vào những năm cuối cùng của hoa giáp, kênh lại vượt sông Vàm Cỏ Đông sang các xã hữu ngạn thuộc Châu Thành và Bến Cầu.
Những năm cuối của hoa giáp này, người Tây Ninh lại chứng kiến biết bao những thay đổi lớn lao. Thị xã được mở rộng gấp trăm lần cái xã Thái Hiệp Thạnh- tỉnh lỵ xưa của cả hai thời Pháp, Mỹ. Đến đầu năm 2014, thị xã trở thành thành phố. Năm 2019, trên đỉnh núi và sân trước Điện Bà cũng được mở rộng hơn. Và trước mắt người qua lại, một công trình đang lớn dần trên đỉnh núi Bà lững thững mây trôi. Đấy là ga cáp treo lên đỉnh núi sẽ khánh thành vào ngày 18.1 giữa lúc người Tây Ninh đã xôn xao đón tết.
Sẽ chẳng thể nào kể hết. Vậy chỉ xin so sánh một vài tư liệu thôi. Như suốt thời phong kiến “đàng cựu” kể từ năm 1802 đầu triều Nguyễn, cũng chỉ có con đường được sửa sang cho rộng rãi hơn- là con đường sứ, nay là 782 và 784. Đến hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và 21 năm thời Mỹ-nguỵ cũng chỉ thêm được con đường quốc lộ 22 và một số ít ỏi đường liên tỉnh và đường thôn xã.
Còn ngày nay, đã có cả hàng trăm tuyến đường toả đi khắp ngả, trong đó có đường Trường Sơn công nghiệp hoá và tới đây là cao tốc nối TP. Hồ Chí Minh tới Mộc Bài. Tây Ninh từ một tỉnh nghèo nay đã thành 1 trong 5 tỉnh có tỷ lệ nghèo thấp nhất trên cả nước. Có thể còn chưa đông người giàu như ở nhiều nơi khác, nhưng điều này chứng tỏ sự sẻ chia, đồng cảm trên toàn xã hội. Vậy mới có các điểm sáng chùa Bà, chùa Cẩm Phong... và biết bao chùa chiền, thánh thất, nhà thờ... tham gia xoá đói giảm nghèo. Vậy mới có một câu lạc bộ phụ nữ từ thiện với chưa đầy 20 thành viên qua 7 năm đã tặng gần 181 con bò cái cho phụ nữ nghèo trong tỉnh…
Cái kết đẹp của hoa giáp huy hoàng, cho đến thời điểm này chắc là nhà máy điện mặt trời trên vùng hồ bán ngập Tân Hưng. Nước hồ vẫn leo lẻo xanh trong, soi bóng hàng cây số chạy dài những tấm gương tận thu ánh sáng. Dùng năng lượng này, Tây Ninh càng tự tin hơn, sải bước đến ngày mai.
N.Q.V