Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hoạt động thương mại, dịch vụ giảm do dịch Covid-19
Thứ hai: 15:33 ngày 18/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Sở Công Thương, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, hoạt động thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đều gặp khó khăn như thiếu nguyên liệu sản xuất, đơn hàng xuất khẩu bị gián đoạn.

Quy trình chế biến cao su ở một nhà máy cao su trên địa bàn huyện Tân Châu.

Thương mại, dịch vụ giảm

Theo UBND tỉnh, trong tháng 4.2020, doanh thu bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 4.130 tỷ đồng, giảm 9,3% so với tháng trước. Tổng thu du lịch ước đạt 19 tỷ đồng, giảm 6,9% so cùng kỳ năm trước.

Đối với các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19, hoạt động thương mại, dịch vụ thời gian qua diễn ra kém sôi động, người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình. Có nhiều thời điểm, người dân đổ xô mua hàng để dự trữ dẫn đến doanh số tăng cao đột biến nhưng đến tháng 4.2020, sức mua và doanh thu bị giảm nhiều, tình hình kinh doanh không ổn định.

Ngoài ra, lượng khách trung bình của quý I năm 2020 giảm hơn so với cùng kỳ năm 2019, nhưng giá trị hoá đơn tăng cao hơn. Người dân đang hạn chế đến siêu thị nhưng mua hàng hoá nhiều hơn để tích trữ. Kênh mua hàng qua điện thoại, online, giao hàng tận nhà tăng trưởng hơn so với cùng kỳ. Ngành hàng lương thực, thực phẩm công nghệ vẫn tăng trưởng nhưng 2 nhóm hàng may mặc và đồ dùng gia đình lại sụt giảm nhiều.

Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng sản xuất

Do dịch bệnh Covid-19 đã tác động xấu đến tất cả các ngành, lĩnh vực khiến cho kinh tế, xã hội của tỉnh đối mặt với nhiều thách thức. 

Trong lĩnh vực chế biến củ mì, đã có nhiều nhà máy ngưng hoạt động do không có nguyên liệu từ Campuchia. Việc xuất khẩu bột qua cửa khẩu Lạng Sơn gặp khó khăn do hàng hoá ùn ứ thông quan chậm. Hiện tại, lượng bột tồn kho của một số nhà máy như: Công ty TNHH XNKTM CNDV Hùng Duy, Công ty TNHH MTV Định Khuê, Công ty TNHH sản xuất thương mại GNG có tổng trọng lượng khoảng 12.200 tấn.

Trong lĩnh vực chế biến mủ cao su, phần lớn các nhà máy cao su không có sản phẩm tồn kho vì chưa vào vụ chế biến. Hiện chỉ có Công ty cổ phần Cao su Tân Biên tồn kho khoảng 2.300 tấn do gặp khó khăn trong việc tiêu thụ.

Theo Sở Công Thương, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp trong tháng 4 so tháng trước giảm 1,35%; so với tháng cùng kỳ năm trước tăng 0,19% vì mặc dù khối lượng sản xuất giảm nhưng với các doanh nghiệp có quy mô lớn vẫn tuyển dụng lao động để duy trì sản xuất. Nhìn chung, mức độ giảm nhiều hay ít tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp.

Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hoạt động của doanh nghiệp khó khăn. Đơn hàng xuất cho các đối tác nước ngoài giảm hẳn, sức tiêu thụ nội địa cũng chững lại, người lao động giảm thời gian làm việc...

Nếu tình hình này kéo dài có nguy cơ phá sản. Đối với các doanh nghiệp lớn như: Sailun, Brotex, Gian Lucky, Hansae, Việt Nam - Mộc Bài và một số doanh nghiệp lớn còn lại trong ngành dệt may, da giày vẫn bảo đảm đủ nguyên liệu để sản xuất trong vài tháng tới.

Đây là những doanh nghiệp lớn nên chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất và có kho chứa lớn, một số doanh nghiệp vẫn nhập khẩu được nguyên liệu ở các quốc gia chưa phải là tâm dịch và vẫn duy trì sản xuất.

Đa số các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ lại không đủ nguyên liệu do không chủ động, không đủ nguồn vốn và chủ yếu là gia công nên nguyên liệu phụ thuộc nhiều vào khách hàng. Một số doanh nghiệp do không có đơn đặt hàng mới, số khác lại bị huỷ đơn hàng, đến thời điểm hiện tại không có nguyên liệu để sản xuất đã tạm ngừng hoạt động, cho công nhân tạm nghỉ việc hưởng 70% tiền lương cơ bản để không phải đóng BHXH.

Số doanh nghiệp còn lại còn đơn hàng nhưng nguồn nguyên liệu không đủ nên phải cắt giảm lao động, không tăng ca, thậm chí giảm giờ làm hoặc cho nghỉ việc luân phiên, nghỉ phép năm để  bảo đảm người lao động có thu nhập.

Như vậy, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì khả năng chỉ số sản xuất của tỉnh sẽ còn giảm hơn nữa trong thời gian tới.

Bởi vì nguyên vật liệu mặc dù đủ sản xuất trong khoảng 1-2 tháng tới, thậm chí có doanh nghiệp có thể bảo đảm được nguyên liệu trong vòng 3-4 tháng nữa, nếu thị trường xuất khẩu của Mỹ và châu Âu… tạm đóng cửa, không cho trao đổi thương mại doanh nghiệp có thị trường chủ yếu ở các khu vực này cũng phải ngưng sản xuất vì hàng làm ra không xuất đi được.

Để khắc phục những khó khăn, bảo đảm các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc phấn đấu bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất về số thu ngân sách Nhà nước, Tây Ninh huy động các nguồn lực, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hoá.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Co.opMart thành phố Tây Ninh.

Trước tình hình này, Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, có thể mất cân đối trong ngắn hạn để kịp thời có giải pháp điều hành, bình ổn thị trường; sớm chuẩn bị phương án triển khai các hoạt động kết nối cung cầu sau dịch nhằm tạo thuận lợi tiêu thụ hàng hoá sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.

Ngoài ra, Sở Công Thương theo dõi sát tình hình và hướng dẫn các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng có phương án báo cáo, phối hợp để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp hàng hoá tồn đọng, các nước xuất khẩu ồ ạt vào thị trường trong nước với giá thấp, nhằm bảo đảm cạnh tranh trong nước và năng lực sản xuất nội địa.

Nhi Trần

Quý I năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở tờ khai trong tỉnh ước đạt 975,3 triệu USD. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: hàng dệt may; vải các loại, xơ, sợi dệt các loại; giày, dép các loại.

Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của tỉnh với kim ngạch đạt 361,2 triệu USD; tiếp đến là thị trường ASEAN đạt 138,9 triệu USD; trong đó, Campuchia đạt 85,7 triệu USD; Trung Quốc đạt 113 triệu USD; thị trường EU đạt 70,3 triệu USD; Nhật Bản đạt 54,7; Hàn Quốc đạt 23,9 triệu USD.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 661,9 triệu USD. Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh với kim ngạch 247,2 triệu USD, tiếp theo là thị trường ASEAN với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 109,6 triệu USD; trong đó, thị trường Campuchia ước đạt 70,3 triệu USD. Hàn Quốc 50,5 triệu USD; Đài Loan 44 triệu USD, thị trường EU ước đạt 38 triệu USD.

Tin cùng chuyên mục