Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngày càng phát huy hiệu quả
Thứ bảy: 20:26 ngày 18/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 17.6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) Việt Nam phối hợp Liên hiệp hội Tây Ninh tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm thực hiện hiệu quả Kết luận số 93-KL/TW ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Ban Bí thư tại các tỉnh phía Nam”.

Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia và chủ trì của ông Phan Xuân Dũng- Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Tây Ninh. Hội thảo thu hút gần 60 lãnh đạo Liên hiệp Hội 12 tỉnh, thành phía Nam, các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham dự.

Đây là hoạt động thường niên của đội ngũ những người làm công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội; là nơi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả. Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) luôn được coi là trọng tâm trong các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam.

Theo ông Phan Xuân Dũng- Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, trong những năm qua, mỗi năm, Liên hiệp Hội Việt Nam đã triển khai khoảng 600 nhiệm vụ TVPB&GĐXH. Hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp  luật của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Hoạt động TVPB&GĐXH của LHH Việt Nam và các hội thành viên đã được các cơ quan Đảng, Nhà nước đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, đáng tin cậy phục vụ Đảng và Nhà nước xem xét các vấn đề quan trọng.

Kết luận số 93-KL/TW đánh giá hoạt động TVPB&GĐXH đã có những đóng góp quan trọng vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế bất cập, thực hiện tốt Chỉ thị số 42 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, yêu cầu khẩn trương thể chế hoá các chủ trương của Đảng, về tổ chức hoạt động các Liên hiệp Hội, xác định rõ, phân loại các nhiệm vụ Đảng, nhà nước giao, quy định việc đặt hàng của Đảng và Nhà nước với các Liên hiệp Hội trong nhiệm vụ TVPB&GĐXH để nâng cao chất lượng hoạt động.

Từ khi có Kết luận 93-KL/TW, các cơ quan ban, bộ, ngành ở Trung ương đã tích cực đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam đóng góp ý kiến TVPB&GĐXH các dự thảo quy hoạch, đề án, chiến lược, nghị định, thông tư (gọi chung là dự thảo văn bản).

Năm 2021, LHH Việt Nam đã tổ chức góp ý 13 dự thảo văn bản và từ đầu năm 2022 đến nay đã góp ý 4 dự thảo văn bản theo đề nghị của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó Liên hiệp Hội còn chủ động triển khai các nhiệm vụ TVPB có tính thời sự, cấp thiết được xã hội quan tâm như chủ đề phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, đội ngũ trí thức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Chuỗi hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam liên quan đến phòng, chống Covid-19 đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị tăng cường vai trò, trách nhiệm của các nhà khoa học trong việc đóng góp với Đảng và Nhà nước các giải pháp, góp phần phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Các hội thành viên cũng chủ động xây dựng và triển khai nhiều nhiệm vụ TVPB có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương.

Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, ông Phan Xuân Dũng- Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì hội thảo.

Tại Tây Ninh, hoạt động TVPB&GĐXH được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng của địa phương. Từ năm 2014 đến nay, hoạt động TVPB&GĐXH dần đi vào nề nếp. Hàng năm, Liên hiệp Hội tham mưu và được UBND tỉnh giao nhiệm vụ TVPB&GĐXH. Nhiều nhiệm vụ TVPB&GĐXH được thực hiện liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tại hội thảo, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đánh giá: Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua đã thực hiện tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức tỉnh nhà, đại diện cho lực lượng trí thức, khoa học tham gia góp ý, phản biện và giám định xã hội đối với các dự thảo luật, nghị định, đề án, các kế hoạch của Trung ương, cung cấp nhiều luận cứ khoa học trong việc hoạch định những chủ trương lớn, quan trọng, những vấn đề mới trong các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, đề án, chủ trương của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Liên hiệp Hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ bày tỏ, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho Liên hiệp Hội và đội ngũ trí thức khoa học của tỉnh là rất lớn, do vậy, hội thảo lần này, tỉnh Tây Ninh sẽ có thêm cơ hội tiếp thu nhiều kinh nghiệm quý báu để vận dụng cho công tác lãnh đạo của tỉnh nói chung, công tác Liên hiệp Hội nói riêng đạt hiệu quả hơn.

Sau một ngày làm việc, với 2 báo cáo, 10 tham luận, 3 ý kiến thảo luận đến từ các đại biểu tham gia, Hội thảo đã làm rõ những thuận lợi trong hoạt động Liên hiệp Hội, như: có đội ngũ trí thức là những người tâm huyết, trí tuệ, hết lòng với công việc; được sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh.

Tuy nhiên, hoạt động Liên hiệp Hội cũng còn những khó khăn như địa vị chính trị của Liên hiệp Hội mới chỉ được khẳng định trong các văn bản cấp Trung ương mà chưa triển khai xuống cấp cơ sở; bộ máy của các địa phương rất khác nhau, đội ngũ chuyên trách còn thiếu; kinh phí hoạt động TVPB rất ít, mức chi trả chưa phù hợp; ở nhiều địa phương TVPB chưa trở thành nội dung bắt buộc; nhân lực TVPB của các địa phương khó bảo đảm chất lượng cao theo yêu cầu, vì kinh phí mời chuyên gia rất khó.

Ông Phan Xuân Dũng trả lời một số ý kiến, kiến nghị về đề án kiện toàn bộ máy hoạt động Liên hiệp Hội; xây dựng ngân hàng chuyên gia cung cấp, kết nối cho hoạt động của các tỉnh, thành… Ông khẳng định: “Liên hiệp Hội Việt Nam luôn coi việc TVPB&GĐXH là nhiệm vụ trọng tâm, chúng tôi luôn đồng hành với Liên hiệp Hội các địa phương trong hoạt động. Những ý kiến, kiến nghị từ hội thảo sẽ được Liên hiệp Hội Việt Nam tập hợp để báo cáo lên cấp có thẩm quyền”.

Ngô Tuyết

Tin cùng chuyên mục