Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Học Bác Hồ về tinh thần nêu gương
Thứ hai: 15:16 ngày 05/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại tinh thần mà Bác Hồ đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"

Dịp Hội nghị toàn quốc Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW (ngày 15-5-2016) của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (tổ chức ngày 12-6-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dự và có bài phát biểu quan trọng với tư tưởng chủ đạo: Học và làm theo Bác phải bằng hành động cụ thể, thiết thực và nêu gương.

Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên rằng muốn cho người ta theo mình, bản thân mình phải là mực thước cho người ta bắt chước. Người cũng luôn căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.

Tọa đàm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, do Đảng ủy Dân - Chính - Đảng TP HCM tổ chức tháng 5-2021.Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại tinh thần mà Bác Hồ đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, ở mọi nơi; nói phải đi đôi với làm, để quần chúng noi theo. Hồ Chí Minh cho rằng: "Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán hai chữ "cộng sản" mà ta được mọi người yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước để mọi người bắt chước".

Không chỉ căn dặn cán bộ, đảng viên, bản thân Người còn là nhà thực hành nêu gương hết sức mẫu mực. Cả cuộc đời Người là hiện thân của phong cách nói đi đôi với làm: Kêu gọi nhân dân tiết kiệm, bản thân Người thực hành đầu tiên với quần áo kaki, dép lốp; kêu gọi nhân dân sẻ áo, nhường cơm, Người đi đầu nhịn ăn góp gạo cứu đói; kêu gọi nhân dân chăm chỉ tập thể dục, bản thân Người luyện tập đều đặn hằng ngày…

Trong những năm qua, cùng với việc ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, các hướng dẫn về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều văn bản của Đảng đã cụ thể hóa quan điểm nêu gương của Bác. Để thực hiện việc nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW (ngày 7-6-2012) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và sau đó là các Quy định số 55-QĐ/TW (ngày 19-12-2016) về tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt là Quy định số 08-QĐ/TW (ngày 25-10-2018) của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương với tinh thần: "Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương".

Cùng với đó, Đảng cũng ban hành các nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", nêu gương được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, "chú trọng làm tốt hơn việc nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực...".

Phải bằng những việc cụ thể

Ngày nay, trình độ dân trí của người dân không còn hạn chế như trước; thông tin cũng đa dạng, nhiều chiều, phong phú hơn. Dân có nhiều điều kiện, nhiều kênh thông tin để hiểu biết nhiều hơn về cán bộ, đảng viên. Những tiêu chí về cán bộ như: Bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lòng trung thành… là những tiêu chí mà người dân không định lượng được.

Đối với nhân dân, tiêu chí, tiêu chuẩn về người cán bộ đơn giản hơn rất nhiều, người dân chỉ nhìn vào đời sống, vào công việc của cán bộ, đảng viên để xem cán bộ, đảng viên làm như thế nào chứ không phải là nghe cán bộ nói.

Về nội dung này trong quan điểm của Bác, trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: "Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, theo tinh thần Bác đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". 

Chứng minh bằng hành động

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hẳn nhiên là phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, song chắc chắn nêu gương là một phương thức hiệu quả nhất. Học Bác, xin hãy nhớ lời Bác: "Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước để mọi người bắt chước, hãy chứng minh bằng hành động và việc làm cụ thể".

 

Lấy hoạt động thực tiễn làm thước đo

Qua hơn 90 năm ra đời và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng đã được rèn luyện trong gian lao của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu thì ở giai đoạn nào công tác cán bộ cũng vẫn có những vấn đề chưa được như mong muốn. Đó là lý do Đảng ta luôn coi trọng công tác chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, để từ đó khắc phục yếu kém, phát huy mặt tốt. Trong tình hình hiện nay, đòi hỏi càng cần phải nghiêm túc nhìn thẳng vào một số yếu kém trong công tác cán bộ. Cụ thể, nhiều nơi còn thiếu tính khách quan khi đánh giá cán bộ, nặng tính bảo thủ; quá cầu toàn; áp đặt thành kiến cá nhân; đánh giá theo cảm tính hay cục bộ địa phương… Những điều này đã làm giảm chất lượng của công tác cán bộ, làm cho Đảng ta mất nhiều cán bộ, đảng viên tốt. Mặt khác, cũng nhiều cán bộ, đảng viên do nhờ chạy vạy, "giỏi" luồn cúi nịnh hót, cầu cạnh… mà lọt qua các bước sàng lọc, quy hoạch theo các "cửa hẹp".

Nước ta đang trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, thì việc xây dựng một đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài để đủ sức cáng đáng mọi nhiệm vụ được giao, bảo đảm thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc XHCN là yêu cầu hết sức quan trọng cả trước mắt và cả lâu dài. Do đó, càng đòi hỏi việc đánh giá, nhận xét, bổ nhiệm cán bộ phải chu đáo hơn, chặt chẽ hơn, thấu tình đạt lý theo tinh thần lấy đạo đức cách mạng làm đầu, lấy tài năng làm chỗ dựa và lấy hoạt động thực tiễn làm thước đo về độ tin cậy.

Báo cáo Chính trị trình tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết".

Chủ trương về công tác cán bộ đã rõ, vấn đề là cụ thể hóa để làm sao biến chủ trương ấy thành hiện thực sinh động và mang lại hiệu quả tốt đẹp nhất, là trách nhiệm của mỗi đảng viên, trước hết là cấp ủy và người đứng đầu trong việc lựa chọn, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đánh giá, sử dụng cán bộ, chắc chắn sẽ góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Mai Lịch (Cựu chiến binh quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)

Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy

Triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ủy Thanh tra TP HCM đã phối hợp với lãnh đạo TP tập trung lãnh đạo thực hiện các nhóm giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về rà soát hoàn thiện các quy chế, quy định về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch và cải cách chế độ công vụ. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm của cơ quan về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, cụ thể hóa thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Trong đó, Đảng ủy rất chú trọng các giải pháp thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành.

Cụ thể, nâng cao trách nhiệm của Đảng ủy trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên như ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Đảng ủy thực hiện nghiêm việc kiểm điểm cấp ủy, tập thể lãnh đạo, đảng viên, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với gợi ý nội dung liên hệ kiểm điểm sâu một số tập thể, cá nhân…

Phạm Văn Nghì (Phó Chánh Thanh tra TP HCM)

VŨ TRUNG KIÊN (Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị Khu vực 2)

Nguồn NLDO

Tin cùng chuyên mục