Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết “Quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”
Thứ tư: 17:12 ngày 30/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 29.10, UB.MTTQVN tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về “Quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.

Ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch UB.MTTQVN tỉnh, ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT đồng chủ trì hội nghị.

Hiện nay, tình trạng chăn nuôi trong nội thành, nội thị, khu dân cư không đảm bảo an toàn dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nên đã gây thiệt hại cho nhà nước và người chăn nuôi, như dịch cúm gia cầm năm 2004, 2005; dịch heo tai xanh năm 2010, 2011 và trong năm nay là bệnh dịch tả heo châu Phi.

Ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT giải trình một số nội dung liên quan đến dự thảo.

Việc chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư do không bảo đảm yếu tố an toàn sinh học, gây ô nhiễm môi trường, gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến người dân xung quanh, làm giảm chất lượng cuộc sống và không còn phù hợp với cuộc sống ngày càng văn minh hiện nay. Ngoài ra, trong các khu vực này còn tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh từ gia súc, gia cầm sang người, như bệnh cúm gia cầm, bệnh dại động vật, bệnh liên cầu khuẩn lợn, bệnh nhiệt thán, bệnh xoắn khuẩn, bệnh giun xoắn, bệnh lao bò, bệnh sảy thai truyền nhiễm...

Chăn nuôi nhỏ lẻ thiếu kiểm soát, sử dụng kháng sinh tràn lan tạo ra nhiều dòng vi khuẩn kháng thuốc, không thể chữa trị; không đảm bảo an toàn thực phẩm. do đó, vừa qua, Luật Chăn nuôi được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, có hiệu lực từ ngày 1.1.2020, đánh dấu một bước tiến mới tạo khung pháp lý cho ngành chăn nuôi.

Luật có nhiều nội dung mới đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước và hội nhập quốc tế, điều kiện chăn nuôi đến thị trường, và đặc biệt chú trọng đến vấn đề môi trường trong chăn nuôi. Trong đó, tại Điểm h, Khoản 1, Điều 80 quy định trách nhiệm “UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi”.

Trước những yêu cầu trên, HĐND tỉnh Tây Ninh đưa ra Dự thảo Nghị quyết về Quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Để Nghị quyết ban hành sát với thực tế, là chính sách hợp lòng dân, vừa qua, UB.MTTQVN tỉnh đã có công văn gửi dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến 25 vị ủy viên UB.MTTQVN tỉnh khóa X, lãnh đạo các tổ chức chính trị- xã hội tỉnh, chủ tịch UB.MTTQVN huyện, thành phố và các vị là thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật.

Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT tiếp thu ý kiến đóng góp.

UB.MTTQVN tỉnh cũng phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức lấy ý kiến trên 500 đại diện hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Tây Ninh, Hoà Thành và Châu Thành. Đa số các đại biểu, người dân được lấy ý kiến đều đồng ý việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết vì phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước và xu thế hội nhập kinh tế.

Nghị quyết ban hành nhằm phát triển ngành nghề chăn nuôi theo xu hướng hiện đại, đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm sạch, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường sống. Nhà nước có chính sách bảo hộ phát triển sản xuất chăn nuôi theo quy hoạch, giải quyết đầu ra của sản phẩm, kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho ngành chăn nuôi và cơ sở, trang trại chăn nuôi và định hướng để người dân đồng thuận, thay đổi dần thói quen, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, tác động xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và thiếu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, người dân cũng băn khoăn vì sao Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh chỉ đề cập đến “Khu vực không được phép chăn nuôi”, trong khi theo điểm tại Điểm h, Khoản 1, Điều 80 Luật Chăn nuôi lại đề cập đến 3 nội dung: khu dân cư không được phép chăn nuôi; quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Nhân dân rất băn khoăn, nếu quy định khu vực không được phép chăn nuôi, thì chăn nuôi ở đâu, chính sách di dời ra sao? Cũng như việc xây dựng những nhà nuôi chim yến hiện nay gây bức xúc, cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay tỉnh chưa ban hành quy định cụ thể, đề nghị có quy định khu vực không được nuôi và quy hoạch khu vực được nuôi, chính sách di dời, lộ trình thời gian di dời.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT giải trình, việc Dự thảo Nghị quyết không đề cập 2 nội dung còn lại là do hiện nay, Chính phủ chưa có quy định về vùng nuôi chim yến nên chưa thể ban hành Nghị quyết về vùng nuôi chim yến. Để ngăn chặn tình trạng nuôi chim yến ở các khu dân cư, thành thị, Sở đã dự thảo cho UBND tỉnh Chỉ thị về nuôi chim yến. Dự thảo đã lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, hiện đang tham mưu UBND tỉnh xem xét. Sau khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị, Sở sẽ có hướng dẫn tạm thời về nuôi, khai thác, sơ chế, chế biến tổ yến.

Đối với chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, qua điều tra thực tế, hiện nay chỉ có 5 trang trại chăn nuôi tại khu vực nội thành, 4 trang trại tại khu vực nội thị, còn lại phần lớn là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Các hộ chăn nuôi sau này phải nằm trong khu vực cho phép.

Theo đó, khi Nghị quyết được ban hành và có hiệu lực vào đầu năm 2020, bắt đầu từ thời điểm này, người dân không được xây dựng chuồng trại, tổ chức nuôi mới trong khu vực không được phép chăn nuôi. Đối với những người hiện đang chăn nuôi, thì 5 năm sau, tức là ngày 1.1.2025, sẽ không được phép chăn nuôi. Đây là khoảng thời gian đủ để người chăn nuôi kết thúc hoạt động chăn nuôi hiện tại. Thêm nữa, hiện các trang trại chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi đều không có chủ trương cho phép của chính quyền địa phương. Vì vậy, tỉnh không cần thiết ban hành chính sách hỗ trợ di dời chăn nuôi.

Ngoài ra, ngày 22.10.2019, UBND tỉnh cũng có Công văn số 2385 về nội dung phản biện của UB.MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, trong nội dung, UBND tỉnh đề nghị UB.MTTQVN tỉnh lấy ý kiến Quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trong chương trình phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh năm 2020.

Từ những căn cứ này, Sở NN&PTNT tham mưu tách các nội dung triển khai Luật Chăn nuôi thành 2 Nghị quyết riêng, mà Nghị quyết “Quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” thực hiện vào năm 2019.

Cũng tại hội nghị, có nhiều ý kiến băn khoăn việc những hộ buôn bán chim kiểng, gà kiểng ở các khu vực nội thị, nội thành có được phép hay không; việc xử lý đối với những hộ không chấp hành theo Nghị quyết sẽ thực hiện như thế nào. Ông Nguyễn Văn Mấy cho biết, động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường sẽ không bị điều chỉnh bởi Nghị quyết; còn việc chế tài, xử lý, ông Mấy cho biết, sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ có Thông tư hướng dẫn đối với những trường hợp vi phạm.

Cũng có ý kiến đề nghị, tỉnh cần tuyên truyền sâu rộng trong người dân về các vấn đề liên quan đến Dự thảo Nghị quyết như những vùng nào được chăn nuôi, vùng nào không được chăn nuôi, để người dân nắm rõ, tạo được sự đồng thuận khi ban hành Nghị quyết. Trả lời ý kiến này, Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Đức Trong cho biết, hiện Sở đang tóm tắt các chính sách, khi tiếp xúc cử tri sẽ thông báo rộng rãi đến mọi người, và đây cũng là dịp để ngành nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân về vấn đề này.

Ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch UB.MTTQVN tỉnh thông báo, để ban hành được chính sách hợp lòng dân, các cá nhân, tổ chức tiếp tục gửi văn bản góp ý về UB.MTTQVN, chậm nhất là ngày 15.11.2019.

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục