Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hội Nhà báo Việt Nam: Tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ, đổi mới Giải báo chí quốc gia
Thứ năm: 11:04 ngày 26/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 26.10, tại Tiền Giang, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết 17 năm Giải báo chí quốc gia và công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022, đồng thời triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024 đối với 19 tỉnh khu vực phía Nam.

Ông Lê Quốc Minh- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Tham dự hội nghị có ông Lê Quốc Minh- Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố và lãnh đạo cơ quan báo chí các địa phương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Quốc Minh cho biết, hội nghị nhằm phân tích, đánh giá kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức Giải báo chí quốc gia, cũng như những khó khăn, vướng mắc và những bất cập hiện nay trong quá trình tổ chức giải, để từ đó đặt ra những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của giải nhằm phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của giải chuyên ngành lớn nhất cả nước.

Hội nghị cũng đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023, 2024.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, trải qua 17 năm tổ chức, Giải báo chí quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi về cho thấy sức hút của giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng.

 Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Tiền Giang chủ trì hội nghị.

Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức Giải.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng- Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, mỗi năm có trên 100 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất thuộc các loại hình báo chí được trao các loại giải A, B, C và Khuyến khích. Ngay cả những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo không được giải cũng được tôn vinh bằng giấy chứng nhận vinh danh và tiền thưởng.

Đặc biệt, Giải báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020, lần đầu tiên Giải báo chí quốc gia trao giải đặc biệt cho tác phẩm xuất sắc nhất cho thể lệ phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh – Biên niên sử truyền hình” nhóm tác giả Nguyễn Lê Anh, Lê Thi, Nguyễn Thành Trung, Ngô Đình Khoát, Nguyễn Thanh Tùng - Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Có thể nói Giải báo chí quốc gia đã và đang có tác dụng to lớn, cổ vũ tinh thần thi đua giữa các nhà báo, giữa các cơ quan báo chí, qua đó đã phát hiện và tôn vinh những tài năng, sự tâm huyết của những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, theo đúng tinh thần của Chỉ thị 37-CT/TW ngày 13.8.2004 của Ban Bí thư “về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới” và sau đó là Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8.4.2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”.

Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Thu Hằng cũng nhìn nhận, thành công là cơ bản, nhưng so với thực tế phát triển mạnh mẽ của báo chí cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, so với yêu cầu cao hơn đối với báo chí trong tình hình mới như vậy thì Giải báo chí quốc gia với tư cách là một động lực thúc đẩy sự phát triển của báo chí nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế.

Ngày nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày 6.4.2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Giải báo chí quốc gia cũng cần bắt kịp xu hướng quan trọng và cấp thiết này.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo đó, về cơ cấu giải cần có sự mở rộng để đáp ứng thực tiễn đời sống báo chí, từ chỗ có 620 cơ quan báo chí in vào năm 2006, nay con số đó đã tăng lên hơn 800. Có hơn 40.000 người công tác trong ngành báo chí, trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, số hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đã lên tới gần 25.000, so với 10.000 nhà báo được cấp thẻ và gần 15.000 hội viên vào năm 2006.

Cơ cấu giải, do đó cần hướng đến dung nạp thêm nhiều sản phẩm báo chí với phương thức thể hiện mới, đang được công chúng đón nhận rộng rãi, như sản phẩm báo chí chuyên đề, đa phương tiện, đa loại hình, đa nền tảng…

Cùng với đó, mở rộng cơ cấu giải, số lượng giải cũng cần được tăng lên tương ứng. Đối với nhiều loại hình báo chí đa phương tiện cũng như phương thức làm báo hiện đại, số tác giả cùng hợp tác tham gia vào sản xuất một tác phẩm báo chí những năm gần đây có xu hướng tăng lên, kinh phí sản xuất tác phẩm cũng tăng do ứng dụng công nghệ hiện đại. Do đó, mức giải thưởng cần được tăng lên để kịp thời cổ vũ, động viên, tôn vinh lao động sáng tạo của các nhà báo...

Đức An

Tin cùng chuyên mục