Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hồi sinh.
Chủ nhật: 11:19 ngày 13/02/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Câu chuyện này, xảy ra từ hồi giáp Tết năm trước nhưng ý nghĩa của nó không chỉ có giá trị nhất thời, nên người viết không thể không kể ra đây để mọi người cùng chia sẻ.

Những ngày cuối năm, trời se se lạnh, mọi người, mọi nhà đã xôn xao chuẩn bị đón Tết.

Trong một phòng bệnh của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, người đàn ông gầy đét, nằm co ro giữa căn phòng vắng ngắt, mắt ông dõi nhìn ra ngoài trời như đang mong ngóng, đợi chờ một người nào đó. Thế nhưng đã một tuần trôi qua kể từ ngày ông vào viện, không hề có ai đến viếng thăm ông. Các nhân viên điều dưỡng kháo nhau: người đàn ông ấy được Bệnh viện Y học cổ truyền chuyển đến với một dòng ghi chú: đang điều trị lao, có triệu chứng dính ruột, không thân nhân.

Mà đúng là ông không thân nhân thật! Vì trong những lúc đau đớn vật vã vì bệnh tật hành hạ, kể cả lúc sau ca mổ, ông cứ rên rỉ suốt đêm, có lúc như mê sảng, ấy thế mà chưa hề nghe ông gọi tên ai. Y bác sĩ có hỏi, ông cũng chỉ lắc đầu, không nói.

Suốt mười ngày sau đó, các y, bác sĩ trực nghiễm nhiên trở thành người thân của ông. Người mang sữa, kẻ vệ sinh, chăm sóc cho ông cứ như lo cho người thân cùng nhà. Lúc đầu, những người bệnh giường bên chỉ quan tâm đến ông vì tò mò, rồi dần dần chuyển sang thương cảm cho một người cô đơn đang lâm bệnh và cuối cùng là cảm động, như một sự “cộng hưởng” bởi tấm lòng của các y, bác sĩ đang chăm sóc điều trị cho ông. Họ tự xoá đi cái định kiến thường tình lâu nay là các y, bác sĩ chỉ hay… quát tháo, nạt nộ người bệnh và thân nhân của họ chứ còn chăm sóc tận tình một bệnh nhân không tiền, không nhà, không người thân như người đàn ông ấy thì… còn lâu!

Từ cảm động, mọi người xung quanh cũng muốn làm một cái gì đó cho người đàn ông tứ cố vô thân kia. Như một phản ứng có tính lan truyền, mọi người lần lượt thay phiên nhau, người giúp cái ăn, kẻ cho cái mặc. Cảm động nhất là có một thanh niên, trong suốt những ngày nuôi vợ bệnh, cứ đến giờ cơm bao giờ anh cũng mua thêm một suất, có nhiều thịt cá cho người đàn ông nọ. Khi vợ xuất viện, người bệnh cô đơn ấy vẫn còn nằm lại, anh thanh niên gửi lại tiền nhờ người nằm giường kề bên thay mình mua cơm cho người đàn ông đơn độc nọ rồi mới ra về.

Người đàn ông đi nằm viện một mình rồi cũng lành bệnh. Ông xuất viện vào một ngày giáp Tết! Khuôn mặt ông đã bừng lên tươi tỉnh dù còn khá xanh xao. Nụ cười đã xuất hiện trở lại và ánh mắt ông rạng rỡ, trừ những người từng chăm sóc, giúp đỡ ông thì không ai có thể biết vài tuần trước, ông nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh. Ông kể lại  trong niềm biết ơn vô hạn: trong chập chờn giữa sự sống và cái chết, ông vẫn thấy quanh mình những bóng áo trắng thanh khiết rạng ngời. Chính họ bằng bàn tay tài ba và tấm lòng nhân ái đã kéo ông ra khỏi cửa chết và rồi chính tình người đã giúp ông thêm niềm tin yêu mà sống. Dù biết cuộc sống phía trước còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng những gì mà cuộc đời, tình người đã ban tặng trong những ngày gần kề cửa tử, ông tin rằng mình sẽ có thêm động lực để sống. Tết năm ấy, ông chỉ một mình nhưng không còn thấy đơn độc nữa. Ông gọi đó là cái Tết  hồi sinh của mình.

Người đàn ông- nhân vật chính trong câu chuyện kể trên tên là Trần Văn Hoà, hiện đang sống ở Đồng Nai.

TRẦN NGỌC TRINH

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục