Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò giai đoạn 2022 -2030
Thứ hai: 00:26 ngày 25/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò (VDNC) lần đầu tiên xuất hiện tại Tây Ninh vào ngày 7.7.2021 ở ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, sau đó, bệnh tiếp tục xảy ra tại một số địa bàn khác trong tỉnh, đến nay dịch bệnh đã được kiểm soát, khống chế, nhưng nguy cơ bệnh VDNC tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Tây Ninh vào ngày 7.7.2021  tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành.

Nhằm chủ động giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu đến phát triển chăn nuôi trâu, bò, bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường và hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của tỉnh góp phần thực hiện thành công chiến lược, kế hoạch phát triển chăn nuôi.

Ngày 18.4.2022, UBND tỉnh có Quyết định số 898/UBND về việc ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 -2030.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 110.000 con trâu, bò với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8.400 tấn; Trong đó, chăn nuôi quy mô trang trại có 469 cơ sở với số lượng khoảng 21.644 con (trong đó có 443 trang trại trâu với 1.142 con, 426 trang trại bò với 20.502 con); chăn nuôi nông hộ với tổng đàn 88.356 con.

Toàn tỉnh hiện có 1 cơ sở chăn nuôi trâu bò được chứng nhận GLOBAL GAP, 1 cơ sở được chứng nhận VietGAHP và 2 cơ sở chăn nuôi bò được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.

Nhìn chung, chăn nuôi trâu, bò của tỉnh chủ yếu là chăn nuôi theo phương thức truyền thống, chăn thả ở đồng cỏ tự nhiên, tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp (rơm rạ, cám, ngọn mía…); quy mô nuôi phần lớn từ 2 – 4 con bò thịt nên hiệu quả kinh tế chưa cao; gần đây, mô hình nuôi bò thịt đang phát triển do nhu cầu tiêu thụ và giá thịt bò ổn định ở mức cao.

Hằng năm, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các nội dung của Kế hoạch gửi Sở Tài chính tổng hợp trình UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện, chủ động tổ chức giám sát lưu hành vi rút VDNC để cảnh báo dịch bệnh, điều tra, xác định nguyên nhân dịch bệnh xảy ra để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, xây dựng bản đồ dịch tễ về bệnh VDNC thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

Tham mưu UBND tỉnh kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống thú y bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Bệnh Viêm da nổi cục làm 16.316 con trâu bò mắc bệnh.

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế, tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT điều chỉnh, bổ sung các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh phù hợp, bảo đảm không để lây lan dịch bệnh. Đồng thời, có giải pháp, chính sách hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi trâu, bò xây dựng chuồng trại bảo đảm theo yêu cầu chăn nuôi trâu, bò an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh VDNC phù hợp với điều kiện thực tế.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và các huyện, thị xã biên giới trong việc ngăn chặn nhập lậu trâu, bò, sản phẩm trâu, bò trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở.

Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh trâu, bò, sản phẩm trâu, bò nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.

Các Sở, ban, ngành có liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC.

Các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC trên địa bàn quản lý giai đoạn 2022-2030, chủ động ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện; bố trí nguồn lực, vật tư, phương tiện, quỹ đất để chống dịch, tiêu hủy động vật mắc bệnh khi có dịch.

Rà soát các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn; đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; không cho giết mổ nếu cơ sở không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động hoặc không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Quản lý chặt chẽ các nơi buôn bán trâu, bò, đặc biệt cần bảo đảm trâu, bò phải được tiêm vaccine VDNC còn miễn dịch bảo hộ trước khi ra, vào các cơ sở tập kết, trung chuyển .....

Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác phòng, chống dịch, đặc biệt công tác giám sát, phát hiện và xử lý ổ dịch. Quản lý, bố trí địa điểm cho việc chăn nuôi trâu, bò phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và theo nguyên tắc chăn nuôi trâu, bò an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, cân bằng cung cầu và an sinh xã hội.

Bò chết vì bệnh viêm da nổi cục được tiêu huỷ theo quy định.

Theo UBND tỉnh, mục tiêu của kế hoạch phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 -2030 là: Kiểm soát, khống chế thành công dịch bệnh VDNC trên trâu, bò tại địa bàn tỉnh; góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường và hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của tỉnh.

Trong đó, phòng bệnh chủ động, có hiệu quả bằng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và tiêu diệt các véc tơ truyền bệnh; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, bảo đảm tiêm phòng cho trên 80% tổng đàn trâu, bò, bê, nghé (gọi chung là trâu, bò) được tiêm đầy đủ vaccine VDNC tại thời điểm tiêm phòng, ngăn chặn không để mầm bệnh VDNC xâm nhiễm từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh, hàng năm giảm 20% số xã (phường, thị trấn) có dịch và số gia súc mắc bệnh VDNC so với năm liền kề trước đó.

Dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch phòng, chống trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030 trên 37,7 tỷ đồng bao gồm Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương thực hiện khi có dịch xảy ra và nguồn kinh phí do người dân và doanh nghiệp chăn nuôi tự bảo đảm trong quá trình chăn nuôi. 

Năm 2022, Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% chi phí mua vaccine và tiền công tiêm phòng cho đàn trâu, bò chăn nuôi nông hộ có tổng đàn dưới 16 con trong đợt tiêm phòng chính; từ năm 2023 đến năm 2025 Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% chi phí mua vaccine và tiền công tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi có tổng đàn trâu, bò dưới 8 con trong đợt tiêm phòng chính; Từ năm 2026 trở đi thực hiện xã hội hóa công tác tiêm phòng (các cơ sở chăn nuôi tự lo kinh phí tiêm phòng)

Chi cục Chăn nuôi và Thú y bảo đảm dự phòng 10.000 liều vaccine VDNC/năm dự để kịp thời ứng phó chống dịch.

Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Tây Ninh vào ngày 7.7.2021  tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, sau đó, bệnh tiếp tục lây lan và xảy ra tại nhiều nơi khác trong tỉnh làm 16.316 con trâu bò mắc bệnh. Trong đó, có 14.403 con được điều trị khỏi; số trâu, bò chết và hủy 1.913 con, trọng lượng tiêu hủy 248.817 kg.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm phòng được 89.634 liều vaccine VDNC, đạt 93,99 %. Đồng thời, cấp phát 7.500 lít thuốc sát trùng phun xịt cho 14.250.000 m2 tại 30.822 hộ chăn nuôi và 23 chợ.

Từ ngày 2.12.2021 đến nay, dịch VDND trên địa bàn tỉnh được không xảy ra ổ dịch mới. Đến ngày 28.2.2022, UBND tỉnh có Quyết định số 476/QĐ-UBND về việc công bố hết dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò tại địa bàn tỉnh.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục