Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, năm 2020
Thứ sáu: 20:06 ngày 04/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 4.12, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 đã được khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia-Hà Nội. Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, biểu tượng của khối đại đoàn kết các dân tộc thống nhất ý chí và hành động để phát huy sức mạnh của tòan dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Dự Đại hội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.

Cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, Bộ, ngành, địa phương, các vị lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, đại diện các tôn giáo, nhân sỹ trí thức, doanh nhân là người dân tộc thiểu số và 1.593 đại biểu đại diện cho hơn 14 triệu đồng bào 53 dân tộc thiểu số về dự Đại hội.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Đại hội nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ nhất năm 2010 và công tác dân tộc, việc thực hiện các chính sách dân tộc trong 10 năm qua.

Qua đó khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định, tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của các dân tộc thiểu số đối với thành công chung của Việt Nam trong thời gian qua.

Đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm cùng ông Nông Quốc Tuấn-Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại Lăng Bác.

Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, 54 dân tộc như 54 cánh sen, tạo nên bông sen Việt Nam ngày càng tươi đẹp. Trong thời gian qua, cả nước đã phấn đấu để phát triển kinh tế xã hội, là một trong những quốc gia ít ỏi có chỉ số tăng trưởng dương trong năm nay, đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và có phần đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thủ tướng biểu dương những nỗ lực của các cấp, các ngành, nhân nhân cả nước, đặc biệt là những cố gắng lớn lao của đồng bào các dân tộc thiểu số đã cùng đồng lòng, chung sức từng bước làm “thay da đổi thịt” vùng dân tộc và miền núi, vì sự nghiệp phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn vừa qua.

Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Chính phủ và các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào cả nước thực hiện có hiệu quả việc chăm lo cho đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm phát triển kinh tế đời sống của đồng bào. Đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực biên giới.

Cùng với đó là nâng cao trình độ dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tích cực thực hiện chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Các đại biểu đoàn Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nơi diễn ra đại hội.

Thủ tướng cũng kêu gọi đồng bào các dân tộc Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực tự cường, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 do Đại hội đề ra…

Nằm trong khuôn khổ đại hội, các đại biểu tham dự đã đến dâng hương Quốc tổ Hùng Vương tại Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) và viếng Lăng Bác và dự buổi gặp mặt với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại toà nhà Quốc hội.

Đoàn Tây Ninh tham dự đại hội lần này gồm các đại biểu: Keo Onl (1971, dân tộc Khmer, người có uy tín trong cộng đồng); Nách Chan Nên (1984, dân tộc Khmer, giáo viên); Chàm Ên (1979, dân tộc Chăm, giáo viên); Tô Lệ Hồng (1983, dân tộc Hoa, Phó Chủ tịch HĐND xã Trí Bình) và Cao Văn Sơn (1952, dân tộc Khmer, người có uy tín).

Gia Bân

Tin cùng chuyên mục