Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khan hiếm nhân công lao động
Thứ năm: 19:19 ngày 27/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Không giống như những năm trước, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều diện tích trồng mì trên địa bàn tại các xã biên giới đến kỳ thu hoạch lại không thuê được nhân công nhổ mì, dù chủ vườn trả tiền công cao hơn.

Do thiếu công lao động, bà Kiểng đã 56 tuổi cũng phải ra đồng nhổ mì.

Tại một rẫy mì ở xã Thành Long, huyện Châu Thành, dù đang kỳ thu hoạch nhưng chỉ có hơn 10 công nhổ mì. Nhổ xong, họ chậm rãi dùng dao chặt củ mì ra khỏi gốc, bỏ vào cần xé và ì ạch vác củ lên rơ-moc máy cày. Đến trưa, tất cả đều mệt đừ và đành phải trở về nhà nghỉ ngơi.

Chủ đám mì này là anh Nguyễn Văn Hoà, hơn 40 tuổi, ngụ ấp Thành Tây, xã Thành Long. Dù là chủ nhưng anh Hoà cũng nhổ mì, vác củ lên xe. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, anh Hoà kể, mấy năm trước có nhân công là những thanh niên người Campuchia thạo nghề, sức khoẻ tốt sang đây làm thuê nên việc thu hoạch mì khá dễ dàng. Năm nay, do tình hình dịch Covid- 19 nên rất khó thuê công lao động là người Campuchia.

Đã vậy, giá thuê cũng tăng lên. Cụ thể, những năm trước, giá thuê nhân công thu hoạch mì chỉ dao động từ 220.000 đồng- 240.000 đồng/tấn củ, tuỳ tình hình rẫy mì xa hay gần, dễ hay khó nhổ. Năm nay, giá thuê công từ 330.000 đồng- 350.000 đồng/tấn củ, tức là tăng lên 110.000 đồng/tấn củ so với những năm trước.

6 ha mì của anh Hòa nhưng chỉ có hơn 10 người đàn ông, đàn bà thu hoạch.

Mặc dù giá thuê tăng cao nhưng tìm nhân công cũng không phải dễ. Chủ các rẫy mì phải vận động cả họ hàng, xóm giềng, người thân, bạn bè, con, cháu cùng nhau ra đồng. Kêu gọi hết sức nhưng chỉ gom được 12 người. Hầu hết lực lượng lao động này đều là những người lớn tuổi, “tay ngang” nên việc thu hoạch mì rất chậm. Những năm trước, trung bình một công lao động nhổ được 1 tấn củ mì/ngày, còn hiện nay, mỗi nhân công chỉ nhổ được vài trăm kg trong ngày. “Hôm qua có mười mấy người, nhổ từ 4 giờ sáng đến trưa chỉ được khoảng 4,5 tấn củ”- anh Hoà cho hay.

Tính ra, với tốc độ như hiện nay thì phải tốn đến 20 ngày mới thu hoạch xong 6 ha mì và sẽ bị trễ vụ làm lúa kế tiếp. Hằng năm, từ mùng 10 tháng 7 âm lịch, khi có mưa là nông dân tranh thủ sạ lúa và phải kết thúc việc xuống giống trước ngày 20 tháng 7 âm lịch, nếu để trễ hơn nữa thì đến tháng 11 âm lịch, khi lúa trổ cũng hết mùa mưa, lúa sẽ bị khô hạn và lỗ nặng. Với tốc độ thu hoạch như hiện nay, tính ra vụ lúa năm nay sẽ trễ hơn một tuần. “Năm nay thu hoạch mì xong, chắc tôi bỏ luôn vụ lúa để khỏi phải bị thiệt hại thêm”, anh Hoà buồn bã nói.

Một trong những nhân công đang làm thuê cho anh Hoà là bà Phạm Thị Kiểng, 56 tuổi, người dân địa phương. Bà Kiểng cho biết, những năm trước, bà kiếm sống bằng cách buôn bán nhỏ lẻ qua cửa khẩu biên giới Campuchia. Năm nay, trước tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, việc buôn bán ở cửa khẩu tạm dừng nên bà Kiểng chuyển sang nhổ mì thuê kiếm sống. “Những ngày đầu, do không quen việc nhổ mì nên sau một ngày làm thuê, về nhà tôi bị đau nhức khắp mình”, bà Kiểng tâm sự.

Đã lớn tuổi, thời tiết lại nắng nóng nên bà Kiểng và các đồng nghiệp mau thấm mệt. Mặt khác, hơn mười ngày nay không có mưa, đất rẫy khô cứng nên khi nhổ bụi mì lên thường xuyên bị đứt củ, người làm phải đào đất lên lấy củ, vì thế số thu hoạch không được nhiều. “Nếu tính số lượng củ mì nhổ từ sáng tới giờ rồi chia tiền công ra, mỗi người chỉ kiếm được hơn 100 ngàn đồng”, bà Kiểng nhẩm tính. Trưa nắng gay gắt, bà Kiểng và những người làm thuê quyết định dừng công việc, về nghỉ ngơi lấy sức để khuya hôm sau tiếp tục ra đồng.

Với tốc độ thu hoạch mì chậm như hiện nay, anh Hòa bị trễ vụ lúa sắp tới nên anh bỏ luôn vụ lúa để khỏi phải bị thiệt hại thêm.

Anh Tâm, 39 tuổi, ở xã Tân Phú, huyện Tân Châu cho biết, vụ mì vừa rồi, do bị bệnh khảm lá, lại thiếu công lao động nên anh lỗ nặng. “Mới hồi tháng Giêng năm nay, tôi dùng máy cày, cày 5 ha mì lên rồi kêu nhân công đến nhặt củ, sau đó chia với tôi theo tỷ lệ 4/6” (nhân công được hưởng 40%, anh Tâm hưởng 60% tổng sản lượng củ mì).

Sau khi thu hoạch 5 ha mì, anh Tâm chỉ bán được hơn 30 triệu đồng, lỗ khoảng 70 triệu đồng. Trước tình hình bệnh khảm lá và dịch Covid- 19 còn hoành hành, anh Tâm bỏ nghề trồng mì. Trưa 25.8, khi chúng tôi đến tìm hiểu thực tế, thấy anh Tâm đang cày đất để chuẩn bị trồng lúa. Hết mùa lúa, anh dự định trồng mía chứ không trồng mì như những năm trước nữa. “Trồng mía đỡ lo hơn, vì nhà máy điều xe cơ giới đến thu hoạch, nông dân đỡ gặp khó khăn trong việc thuê nhân công lao động như hiện nay”, anh Tâm rút kinh nghiệm. 

Tình hình dịch bệnh khảm lá mì vẫn còn hoành hành, khiến năng suất mì giảm sút. “Những năm trước, mỗi ha tôi thu hoạch được khoảng 30 tấn. Năm nay, ước tính chỉ đạt 25 tấn/ha”, anh Hoà bộc bạch. Một điều khá an ủi là năm nay củ mì cho thương lái vẫn ổn định với giá bán 2.600 đồng/kg như những năm trước.

Đại Dương

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục