Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 22.10, đoàn khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh do ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại thị xã Trảng Bàng về tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn.
Tham dự cùng đoàn có ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh.
Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Theo báo cáo, từ năm 2018 đến nay, kết quả chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn thị xã Trảng Bàng có 11 dự án, diện tích 25,74 ha. Địa phương đã giải quyết cho hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất (từ đất nông nghiệp chuyển đất phi nông nghiệp đất ở) là 2.020 trường hợp (hộ) với diện tích 41,47 ha.
Tổng số dự án thu hồi đất trên địa bàn thị xã theo Nghị quyết HĐND tỉnh là 16 dự án, trong đó có 13 dự án đã và đang thực hiện với 546 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị thu hồi đất, tổng diện tích đất phải thu hồi là 415,77 ha; 3 dự án mới triển khai chưa thực hiện thu hồi đất với 1.337 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi là 1.027,32 ha.
Kết quả rà soát thực hiện việc điều chỉnh, huỷ bỏ các dự án, công trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quá 3 năm nhưng chưa triển khai thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 49 của Luật đất đai năm 2013 là 6 dự án, công trình.
Nhìn chung, trong công tác quản lý, giữa các ngành chức năng đã có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chính sách pháp luật đất đai như: giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai... đúng theo quy định pháp luật; quản lý tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thị xã vẫn còn những hạn chế như: việc phát hiện, ngăn chặn sử dụng đất không đúng mục đích chưa được kịp thời (như cất nhà trên đất nông nghiệp, sử dụng đất trồng lúa để trồng cây lâu năm...); nhiều hộ gia đình, cá nhân vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa điều chỉnh kịp thời so với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là sau khi huyện Trảng Bàng đạt đô thị loại IV và được công nhận thị xã. Quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn gặp khó khăn về thời gian, trình tự, thủ tục phải qua nhiều bước.
Đoàn khảo sát kiểm tra thực địa diện tích đất nông nghiệp ven khu công nghiệp.
Địa phương kiến nghị tỉnh bố trí kinh phí đo đạc lại diện tích của Trảng Bàng hiện nay, do bản đồ địa chính đã biến động hơn 40% (diện tích đã đo đạc 2000 và 2005); sớm thực hiện việc số hoá bản đồ trên địa bàn thị xã để sử dụng cơ sở dữ liệu chính xác, đồng bộ.
Ngoài ra, thị xã sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tỉnh định hướng phát triển ngành, vùng trong tổng thể các quy hoạch của địa phương, làm cơ sở xây dựng, phát triển đô thị, hướng đến năm 2025 Trảng Bàng đạt đô thị loại III.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị địa phương rà soát lại tất cả quy hoạch có tính pháp lý hiện có, qua đó đối chiếu thực trạng quản lý hiện nay so với quy hoạch.
Trên cơ sở đó, căn cứ vào thực tế nhu cầu của xã hội để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, đặc biệt là phù hợp với quản lý nhà nước, đô thị hiện nay và phù hợp với định hướng phát triển của Trảng Bàng trong tương lai.
Chính quyền từ cấp xã đến thị xã phải nắm chắc thực trạng, bám sát vào những văn bản pháp lý, quy hoạch, những kế hoạch, quyết định có giá trị pháp lý hiện nay về quản lý nhà nước về đất đai để công tác quản lý, thực hiện được tốt.
Ông Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND thị xã Trảng Bàng bổ sung hoàn thiện báo cáo; đối với các kiến nghị của địa phương, đoàn giám sát ghi nhận và sẽ có đề đạt với những cơ quan liên quan.
Giang Hà