Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
Thứ hai: 00:39 ngày 29/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng 28.3, ngày làm việc thứ hai của Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập và quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Ðại hội đại biểu lần thứ XIII của Ðảng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.

Thi công công trình đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Ðông. Ảnh: Ðình Chung

Việt Nam thuộc nhóm nước có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất thế giới

Theo Thủ tướng, sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ðánh giá về kết quả thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt trung bình 6,8%/năm. Riêng năm 2020, dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và thiên tai ở các tỉnh miền Trung nhưng GDP vẫn tăng trưởng 2,91%.

Tính trung bình trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng của nước ta khoảng 6%/năm, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế ổn định.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 10,1%/năm, đạt gần 15,7 triệu tỷ đồng, tương đương 673 tỷ đô la Mỹ (USD). Trong đó, vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước ở trong nước chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, tăng từ 36,1% năm 2010 lên 44,9% năm 2020; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng mạnh, với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2011- 2020 đạt 268,2 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 152,3 tỷ USD, chiếm 22,6%.

Năm 2020, quy mô GDP của Việt Nam là 343 tỷ USD, đứng 37 thế giới (từ xếp hạng thứ 55 đầu nhiệm kỳ), 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi và nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng nhất thế giới với tổng kim ngạch thương mại bằng 200% GDP.

Mặc dù đối mặt những khó khăn đó, nhưng thời gian qua, chất lượng tăng trưởng vẫn được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt: đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFT) đạt 33,6% giai đoạn 2011-2015 và 45,7% giai đoạn 2016-2020; tốc độ năng suất lao động bình quân 2011-2015 đạt 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2020 tăng lên 5,9%, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Cơ cấu kinh tế ngành có chuyển biến tích cực; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ cao tăng lên. Phát triển vùng có bước chuyển biến, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo được đẩy mạnh; hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, mở rộng về quy mô, dần hình thành mạng lưới đô thị; xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số lĩnh vực chưa được phát huy; việc thực hiện các chiến lược đột phá còn chậm, nhất là vấn đề cải cách thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng.

Công tác quản lý tài nguyên, nhất là đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu còn nhiều bất cập. “Thất thoát đất đai của chúng ta sau 35 năm đổi mới và nhất là trong 10 năm trở lại đây còn rất lớn”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Ðường ống đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Ðông.

Tiếp tục tăng trưởng mạnh, phát triển bền vững

Theo Thủ tướng, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn trong phòng chống dịch bệnh, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 6,5% - 7%/năm; GDP bình quân đầu người vào năm 2025 đạt từ 4.700 - 5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh tế số đạt khoảng 30% GDP, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 45% trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Ðến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình trên 6,5%/năm và tỷ lệ đô thị hoá trên 50%.

Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bảo đảm an ninh lương thực; hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu.

Phát triển công nghiệp kết hợp hài hoà cả chiều rộng và chiều sâu. Khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn.

Ðẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số. Ðẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại.

Ưu tiên chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên môi trường, sản xuất công nghiệp.

Phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp số chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ số, làm nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số.

Phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới... Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã xác định đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Ðảng), Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông đang được hoàn thành.

Trong đó, để đạt được kết quả trên, Thủ tướng đưa ra 5 quan điểm phát triển.

Thứ nhất, phát triển nhanh và bền vững; dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt cơ hội; phát triển hài hoà 3 trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ nguồn lực; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, các sản phẩm dịch vụ, mô hình mới; coi trọng quản lý phát triển xã hội; phát triển nhanh, hài hoà các khu vực kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế...

Thứ ba, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam làm nền tảng sức mạnh nội sinh quan trọng; phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước…

Thứ tư, xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại...

Thứ năm, chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường với quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục