Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 16.7, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, lãnh đạo Sở Nội vụ và các Phòng Nội vụ huyện cùng tham dự hội nghị.
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh dự hội nghị trực tuyến ngành Nội vụ.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành Nội vụ đã tập trung triển kh ai thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, Bộ tập trung xây dựng hoàn thiện 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung (Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương); triển khai kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; tổ chức thực hiện chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; triển khai đề án cải cách chính sách tiền lương...
Về công tác cải cách hành chính, Bộ NN&PTNT đã cắt giảm 122 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ; riêng TTHC thuộc lĩnh vực lâm nghiệp đã giảm gần 4 lần so với trước (từ 134 thủ tục xuống còn 36 thủ tục); Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quyết định bãi bỏ 5 TTHC. Các địa phương cũng tích cực rà soát, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức làm việc để rút ngắn thời gian giải quyết đối với nhiều TTHC thuộc phạm vi.
Việc tổ chức giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đang có những chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã rà soát, ban hành các văn bản kiện toàn tổ chức, quy chế về tổ chức và hoạt động của Bộ phận Một cửa các cấp theo quy định tại Nghị định 61 của Chính phủ để triển khai thực hiện. Hiện nay có khoảng 40 địa phương đã xây dựng và triển khai mô hình Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh (nhiều nơi đã thí điểm Trung tâm Hành chính công cấp huyện) để tổ chức giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy được các bộ, ngành thực hiện tinh gọn đầu mối tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý như: Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính năm 2019 cắt giảm tối thiểu 10 chi cục. Tại địa phương, đã sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, y tế theo hướng tinh gọn, phù hợp với thực tế nơi. Đến nay đã có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sáp nhập các trung tâm cấp tỉnh có cùng chức năng thành Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật; 437/713 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện hợp nhất bệnh viện huyện và trung tâm y tế.
Tại hội nghị, đại diện TP.HCM cho rằng, thực hiện việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, hiện nay do đất chật, dân đông nên điều kiện khi triển khai sắp xếp nhập 2 đơn vị hành chính có khi vẫn không đáp ứng được vấn đề diện tích, địa phương xin có phương án riêng để thực hiện.
Các địa phương khác ý kiến xung quanh việc thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, trong đó có vấn đề thời gian. Cụ thể, Nghị định 34 triển khai cùng lúc thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Do đó, địa phương đề nghị Bộ Nội vụ kéo dài thời gian thực hiện Nghị định là 5 năm, thay vì đến hết năm 2021...
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ tham mưu, kiến nghị để Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương cần quan tâm khắc phục những hạn chế hiện nay. Lãnh đạo các địa phương phải chỉ đạo cơ quan tham mưu xây dựng các phương án, đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính của cấp xã, cấp huyện theo tinh thần Nghị quyết 653 của Thường trực Quốc hội và Nghị quyết 32 của Chính phủ. Hạn chót là cuối tháng 8 phải xây dựng xong đề án.
Đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế năm 2020; hoàn thành kế hoạch thí điểm về tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng trong năm 2019; các bộ, ngành, địa phương triển khai tổ chức xây dựng Đề án Văn hoá công vụ theo Quyết định 1847 của Thủ tướng Chính phủ tại cơ quan, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp với địa phương.
Về công tác đào đạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức đều theo Nghị định 101 để đảm bảo tiêu chuẩn điều kiện khi đề bạt bổ nhiệm, chấn chỉnh cho ứng cử, bầu cử trong các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là trong thời gian tới chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp. Các lãnh đạo địa phương cần rà soát lại để đào tạo, không chấp nhận trường hợp đề bạt, bổ nhiệm nhưng thiếu tiêu chuẩn.
N.D