Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phòng, chống dịch bệnh mùa mưa:
Không thể lơ là
Chủ nhật: 23:05 ngày 23/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tích cực, chủ động, quyết liệt trong công tác giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên. Chủ động cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, hạn chế sự lây lan dịch bệnh ra diện rộng.

Cán bộ chuyên trách phòng, chống dịch bệnh xã Phước Đông (Gò Dầu) phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh SXH cho người dân.

5 tháng đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp. Toàn tỉnh ghi nhận có 986 ca sốt xuất huyết (tăng 631 ca so với cùng kỳ năm 2018), sởi 359 ca (tăng 348 ca so cùng kỳ), tay chân miệng 258 ca (giảm 7 ca so cùng kỳ).

Theo dự báo của ngành Y tế, hiện đã vào mùa mưa, cũng là thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), sởi có nguy cơ tăng cao và bùng phát bất cứ lúc nào. Cùng với các biện pháp phòng, chống dịch của ngành chức năng, người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa,

Người dân vẫn còn lơ là

Ông Lâm Văn Quít, 65 tuổi, ngụ tại xã Trí Bình, huyện Châu Thành nằm điều trị SXH tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được hơn một tuần. Ông cho biết, khi ở nhà ông bị sốt cao, đau đầu, chóng mặt, chướng bụng, khó thở. Sau đó, gia đình đã đưa ông vào bệnh viện để khám bệnh. Kết quả, ông được chẩn đoán mắc SXH và phải nhập viện điều trị.

Theo ông Quít, đây lần đầu tiên trong đời ông mắc sốt xuất huyết. Ban đầu, ông không biết nguyên nhân mình mắc bệnh SXH và cũng không ngờ bệnh SXH lại ảnh hưởng sức khoẻ đến như vậy. Sau nhiều ngày nằm viện điều trị, được bác sĩ tận tình chữa trị, phổ biến kiến thức về bệnh SXH, ông Quít mới biết muỗi vằn chính là trung gian truyền bệnh SXH.

Ở nhà, ông Quít có ngủ mùng, nhưng có lẽ khi ở ngoài vườn ông bị muỗi đốt lúc nào không hay. Ông Quít chia sẻ: “Sau khi xuất viện trở về nhà, tôi sẽ vệ sinh trong và quanh nhà, bỏ các vật dụng có chứa nước để diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết”.

Cũng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà Nguyễn Hồ Kim Ngân, ngụ tại xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu đang chăm sóc đứa cháu 3 tuổi nằm viện do mắc sởi. Bà Ngân cho biết, cháu của bà bị sốt liên tục nhiều ngày trước đó. Bà đến tiệm mua thuốc hạ sốt cho cháu uống. Khi nhìn thấy những nốt ban đỏ xuất hiện trên da rồi lại biến mất, bà nghĩ rằng do thời tiết nóng nên cháu bị nổi nốt đỏ.

Thế nhưng, sau nhiều ngày thuốc thang, bệnh tình của cháu bà Ngân không thuyên giảm, ngày càng trở nặng, cơn sốt cứ tái đi tái lại, còn nôn mửa và tiêu chảy. Đến lúc này, gia đình mới đưa bé đến bệnh viện. Theo bác sĩ, cháu bà Ngân nhập viện trong tình trạng nặng, nếu không được nhập viện kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Tại Khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, theo số liệu thống kê từ ngày 1.1 - 17.6.2019, bệnh viện tiếp nhận 240 ca SXH, 164 ca sởi và 135 ca tay chân miệng. Trong đó, có 7 ca SXH, 4 ca sởi và 2 ca TCM biến chứng nặng phải chuyển viện lên tuyến trên.

Theo bác sĩ Huỳnh Văn Đệ- Trưởng Khoa nhiễm- Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, dịch bệnh những tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh tăng cao nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Có một số ca bệnh biến chứng nặng nhưng được theo dõi chữa trị kịp thời, hoặc chuyển tuyến trên. Những trường hợp biến chứng nặng phần lớn do người dân chủ quan, ít hiểu biết về bệnh, tự mua thuốc chữa trị tại nhà, đến bệnh viện muộn.

Sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng trong mùa mưa

Bác sĩ Huỳnh Văn Đệ cho biết thêm, hiện nay, bệnh SXH xảy ra quanh năm, nhưng thường tăng cao vào mùa mưa. Trong 2 tuần qua, bệnh SXH có xu hướng gia tăng và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dịch bệnh SXH diễn biến bất thường vào mùa mưa, nên người dân không chủ quan. Để phòng tránh SXH, người dân cần dọn dẹp vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, loại bỏ các vật dụng chứa nước, nơi phát sinh lăng quăng. Đi ngủ phải mắc mùng để tránh bị muỗi đốt. Khi nghi ngờ bị SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao kèm theo nổi các mụn nước ở tay, chân, miệng nên đưa đến các cơ sở y tế để khám, không nên tự ý điều trị theo cách dân gian. Bởi khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện thì việc điều trị sẽ phức tạp, sức khoẻ bị đe doạ.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tình hình bệnh sởi trong các tháng đầu năm tăng nhanh. Đến nay, bệnh sởi đang có xu hướng giảm, nhưng vẫn cao hơn so với cùng thời điểm năm trước. Bệnh sởi do virus sởi gây ra với các triệu chứng chính như sốt, phát ban, ho, chảy mũi nước. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng của người bệnh.

Vì vậy cần tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng đường mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng. Khi có dấu hiệu sốt phát ban phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Hiện tại, bệnh sởi đã có vắc-xin phòng ngừa. Đây là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, đặc biệt với trẻ em. Đối với bệnh có vắc-xin phòng ngừa như sởi thì nên đưa trẻ đi tiêm đầy đủ mũi vắc xin sởi để đảm miễn dịch.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận người dân ý thức phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế, chưa tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng, chưa tự giác khai báo hay đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện bệnh kịp thời.

Nhiều gia đinh chưa quan tâm việc loại bỏ lăng quăng trong các vật dụng chứa nước dẫn đến côn trùng phát triển gây bệnh truyền nhiễm. Một số trường học, khu công nghiệp còn chủ quan, khi có trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm không cách ly điều trị dẫn đến bệnh lây lan, ảnh hưởng đến công tác học tập và năng suất làm việc.

Theo cảnh báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tình hình dịch bệnh trong thời gian tới sẽ diễn biến khó lường. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa mưa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, cần đẩy mạnh tuyên truyền ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, dự báo tốt và có biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.

Tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu, biết cách phòng, chống và tự giác thực hiện. Các địa phương cần sử dụng nhiều kênh truyền thông để tuyên truyền trong nhân dân. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể rất quan trọng, nhất là triển khai cho các hội viên tại cơ sở.

Đặc biệt, UBND các cấp có vai trò quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, hướng dẫn người  dân cùng tham gia thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Tích cực, chủ động, quyết liệt trong công tác giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên. Chủ động cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, hạn chế sự lây lan dịch bệnh ra diện rộng.

Ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng, người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại gia đình, cộng đồng, góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

CHÂU PHA - NGỌC BÍCH

Tin cùng chuyên mục