Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận nơi cư trú khi giải quyết thủ tục hành chính
Chủ nhật: 23:35 ngày 26/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận tình trạng cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Công dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Ngày 21.12.2022, Chính phủ ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Thay vào đó, khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, việc bỏ sổ hộ khẩu, tạm trú giấy khiến nhiều người dân gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính, vì một số cơ quan, tổ chức vẫn yêu cầu xin giấy xác nhận cư trú để làm một số thủ tục như: đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, chuyển nhượng đất đai.

Các cơ quan không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận tình trạng cư trú khi giải quyết thủ tục hành chính.

Ghi nhận phản ánh của người dân, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Uỷ ban cùng Tổ công tác triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nghiêm quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận tình trạng cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Theo Thủ tướng, quá trình thực hiện quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy (từ ngày 1.1.2023) vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân. Người dân vẫn còn nhiều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.

Thủ tướng cho rằng, khi triển khai các biện pháp mới thì khó tránh khỏi các vấn đề phát sinh, Thủ tướng chỉ đạo và Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra ngay, xử lý các vấn đề liên quan, các địa phương phải vào cuộc, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải quan tâm, tinh thần là người dân cần nhìn thấy và thụ hưởng kết quả cụ thể, không để người dân thất vọng về chuyển đổi số.

Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số phải có cách tiếp cận toàn dân, toàn xã hội, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhất là tránh sách nhiễu, tham nhũng vặt.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực

Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia. Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đẩy mạnh xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu đăng ký thuế; nghiên cứu triển khai sử dụng định danh điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử, gắn định danh điện tử với mã số thuế.

Bên cạnh đó, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện ứng dụng như thẻ thông hành di chuyển nội địa (VNeID), phấn đấu đến tháng 6 năm 2023 cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Đa dạng hoá các tiện ích phù hợp, thiết thực, hiệu quả và tuyên truyền, vận động người dân sử dụng ứng dụng VNeID.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nghiên cứu và có kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với thông tin xấu độc, sai sự thật chống phá Đảng, Nhà nước; làm sạch dữ liệu thông tin thuê bao, giải quyết tình trạng sim rác.

Bộ Tài chính nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Đẩy mạnh sử dụng hoá đơn điện tử, trước mắt tập trung vào các lĩnh vực: hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí, siêu thị…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhanh chóng ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai sau khi Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt được phê duyệt và triển khai trên thực tế bảo đảm thuận tiện, hiệu quả, an ninh, an toàn, nhất là trong sử dụng dịch vụ công, chi trả cho các đối tượng chính sách, thực hiện nghĩa vụ thuế…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an tiếp tục thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản cho các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Nghiên cứu giải pháp sổ lao động điện tử cho người lao động.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ người nông dân chuyển đổi số, theo tinh thần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai, hướng dẫn các địa phương quyết liệt triển khai cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy phát triển đại học số, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực phục vụ chuyển đổi số.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước xây dựng khung Bộ chỉ số phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng và áp dụng Bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của cơ quan, địa phương.

Minh Dương

Mới đây, UBND thị xã Hoà thành có văn bản gửi thủ trưởng các ban, ngành Thị xã, UBND các xã, phường trên địa bàn về việc không yêu cầu công dân cung cấp giấy xác nhận thông tin cư trú trong thực hiện thủ tục hành chính.

Công dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Thực hiện Luật Cư trú năm 2020, trong đó quy định từ ngày 1.1.2023 bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy. Sau hơn một tháng thực hiện, phần lớn người dân hài lòng với sự thay đổi, cải cách TTHC. Tuy nhiên vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân yêu cầu công dân phải đến cơ quan Công an xin cấp giấy xác nhận nơi cơ trú, gây khó khăn và ảnh hưởng đến việc đi lại của công dân.

Cụ thể, từ ngày 1.1 đến ngày 10.2, trên toàn địa bàn Thị xã có 1.378 trường hợp công dân đến liên hệ xin cấp xác nhận thông tin về cư trú, mục đích phục vụ cho các thủ tục hành chính liên quan đến: bảo hiểm xã hội 101 trường hợp; ngân hàng 317 trường hợp; đất đai 346 trường hợp; đăng ký khai sinh 97 trường hợp; khai tử 57 trường hợp; kết hôn 69 trường hợp; xin việc làm 391 trường hợp; 2 trường hợp cung cấp cho Đại sứ quán…

Để thực hiện thống nhất, hiệu quả việc triển khai Luật Cư trú, UBND thị xã Hoà Thành yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính không yêu cầu công dân xin cấp giấy xác nhận nơi cư trú, có trách nhiệm thực hiện 1 trong 7 phương thức để tra cứu, sử dụng thông tin công dân thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như: (1) Sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử; (2) Sử dụng thiết bị đọc mã QR trên thẻ CCCD có gắn chip; (3) Sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD; (4) Công dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính; (5) Sử dụng ứng dụng VneID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự; (6) Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú; (7) Sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc xác minh, xác nhận thông tin về cư trú của công dân là nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính, phải phân công cán bộ thực hiện tra cứu thông tin của công dân hoặc chủ động phối hợp với Công an cấp xã để lấy thông tin mà không yêu cầu công dân tự đi xác nhận.

Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục