Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bài dự thi viết phóng sự, ký sự:
Kiếm tiền sạch từ những nơi chưa sạch
Thứ ba: 15:54 ngày 06/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Gia đình thuộc diện hộ nghèo, mẹ bệnh nằm một chỗ, một người đàn ông bị tật nguyền còn phải lo lắng cho hai đứa trẻ nhỏ, đó là gia cảnh anh Nguyễn Văn Lộc (thường gọi là anh Út Rác), ngụ xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu. Thế nhưng, đối với con người ấy, không có cảnh lâm vào bước đường cùng, mà luôn là sự vươn lên, dù phải làm cái nghề toàn lấm lem, dơ bẩn.

Ngày nào anh Út cũng đi đẩy rác bất kể là nắng hay mưa.

Mất tình, được… rác

Gặp anh đang kéo rác giữa trời nắng gắt trên tỉnh lộ 784, đẩy phụ anh chiếc xe rác nặng trịch đến một bóng râm bên lề, người đổ mồ hôi như tắm, hơi thở gấp gáp, anh bắt đầu kể cho tôi câu chuyện về đời phu rác.

Anh Út Rác, sinh năm 1970, hiện đang sống trong một căn nhà nhỏ bên cạnh nghĩa địa xã Truông Mít. 47 năm tuổi đời, anh Út đã có đến 22 năm “kinh nghiệm” trong nghề dọn vệ sinh công cộng với 5 năm đi gánh phân chuồng, 17 năm kéo rác. Nghiệp rác đến với anh bắt đầu từ mối tình trắc trở.

Ánh mắt nhìn xa xăm, vô định, lòng anh thoáng buồn nhớ lại: “Năm 1995, tôi gặp người phụ nữ ấy trong một quán nước bên đường. Chúng tôi đến với nhau bằng một đám cưới nghèo trước bao nhiêu cặp mắt ngỡ ngàng của bà con lối xóm. Sống với nhau được 4 năm 9 tháng lẻ 1 ngày thì bà ấy hạ sinh bé Nguyễn Thị Giang nhà tôi bây giờ. Tôi không trách người ấy về chuyện vét sạch của cải không chừa một đồng để đi theo người đàn ông khác. Tôi chỉ trách tại sao con mới sinh được 3 tháng tuổi mà mẹ lại đành lòng vứt bỏ ra đi. 17 năm nay, bà ấy chưa từng một lần quay lại thăm con, mặc dù hiện giờ bà đang sống cách đây không xa lắm”. 

Anh Út như nghẹn lời kể tiếp: “Con khóc, nhà lại không còn gì để nuôi con. Bà nội phải đi làm thuê, làm mướn, tranh thủ kiếm cả phân chuồng về bán mới có tiền mua sữa cho cháu. Còn tôi thì bị tật nguyền (một tay và một chân anh bị dị tật bẩm sinh) nên chẳng ai thuê mướn làm gì hết. Cùng đường, nát lối phải đi gõ cửa từng nhà để xin được thu gom rác sinh hoạt, mặc dù lúc đó người ta không có nhu cầu nhưng vì thương gia cảnh tôi nên ai cũng… gật đầu. Tôi tự nhủ, dù chân mình đi lại có khó khăn thật, nhưng vẫn còn di chuyển được thì phải cố gắng kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, chứ quyết không buông xuôi số phận. Vẫn biết công việc này phải tiếp xúc với những thứ dơ bẩn, nhưng đồng tiền mình kiếm được vẫn là tiền sạch”.

Hỏi qua một số hộ dân cặp hai bên đường 784, được biết trong 17 năm đi gom rác, anh Út chưa từng đặt điều kiện với ai về chuyện tiền nong, ai trả bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Anh kể: “Mình què quặt mà còn có cơ hội kiếm ra tiền là may mắn lắm rồi, không nên đòi hỏi quyền lợi với bà con làm gì, người ta đã giúp gia đình mình vượt qua thời tuyệt vọng thì đó đã là cái ơn!”.

Đường tình duyên trắc trở của anh vẫn chưa dừng lại đó: “Thời gian thấm thoát trôi qua, bé Giang đã 3 tuổi. Bà nội già vẫn gắng sức đi làm thuê, cha đẩy rác, con còn quá nhỏ, nhà không thể không có người, mà đặc biệt là bàn tay của phụ nữ. Thế rồi tôi cũng đã tìm được mẹ kế cho Giang. Người vợ sau chỉ ở được 15 tháng 4 ngày, bởi vì trong một lần đi làm về tôi phát hiện mẹ ghẻ đánh con chồng dữ quá nên khuyên bảo vợ có hơi nặng lời. Trưa hôm sau, trong lúc tôi đang đi đẩy rác thì ở nhà tất cả số tiền dành dụm được cũng tiếp tục mất biệt theo người phụ nữ ấy. Tình nghĩa vợ chồng tôi trân trọng từng ngày, nhưng sao cả hai người vợ đều ở bạc với tôi hết”, anh Út trải lòng.

Từ lần dang dở thứ hai đó, cuộc đời của Út Rác lại lật sang trang khác, bần cùng hơn. Tai hoạ liên tiếp giáng xuống gia đình, mẹ anh bị tai biến nằm một chỗ, người em thứ bảy đột ngột bỏ đi lang bạt nơi đâu chẳng biết, để lại một đứa con thơ cho anh nuôi dạy, con anh cũng cần phải đến trường, rồi còn bao thứ cơm, áo, gạo, tiền… thúc bách. Trong khi chỉ có một mình anh đếm bước cùng chiếc xe rác trĩu nặng trên đôi tay chai sạn u nần theo thời gian.

Dù thế nào cũng phải ngoi lên

Chỉ cần bước tới địa phận xã Truông Mít hỏi Út Rác thì ai cũng biết, bởi ngày nào anh cũng lấy rác ở nhà mọi người, hoàn cảnh của anh lại là “độc nhất vô nhị” tại địa phương. Được biết, thu nhập trung bình hằng tháng của gia đình anh từ việc người dân trả công thu gom rác và phân loại rác bán ve chai là khoảng 3 triệu đồng. Đây là một số tiền khá hạn hẹp đối với nhu cầu cuộc sống 4 con người trong một gia đình và đang có người bệnh. Nguồn thu nhập ít ỏi này lại đang có chiều hướng giảm đi, vì thời gian gần đây bà con ở đây cũng tự phân loại rác để bán ve chai.

Đường gom rác của anh Út bắt đầu từ chợ chiều Truông Mít đến giáp ranh với xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu). Ai cũng phải công nhận sức bền bỉ và tính siêng năng của một con người tật nguyền như Út Rác. Xe chất đầy rác rất nặng, Út Rác phải quay người lại dùng sức kéo đi chứ không thể đẩy được. Vậy mà mỗi ngày anh phải đi kiếm tiền bằng cách này trên đoạn đường cả đi lẫn về gần chục cây số. Anh Út chỉ có thể dùng sức người chứ không thể chạy xe gắn máy. Có theo anh 1 buổi để thu gom rác và phân loại mới biết được cái nghề này lắm dơ bẩn và đắng cay.

Theo đó, một bên xe đẩy có treo sẵn cái bao tải để phân loại rác bán ve chai, không nhất thiết là rác tập trung tại nhà dân, mà đi dọc đường thấy ai vứt chai nhựa, bọc nylon, anh cũng đều tận dụng cho vào bao, loại rác phế thải không bán ve chai được cũng nhặt lấy cho lên xe. Hỏi anh, rác xả bậy cũng gom luôn hả anh? Anh Út trả lời, cái nghề nào cũng cần phải có đạo đức mà em! Có những tình huống thật buồn lòng, có người bỏ rác cứ “làm khó” anh, ném rác luôn xuống hố sâu bên đường, anh phải lê người xuống hố lôi lên từng bao rác. Thậm chí, có người đem bao rác lại điểm gom rác xổ ra “xả láng” rồi lấy bao về, anh Út cũng gom luôn.

Anh Út cùng con gái phân loại rác tại điểm trung chuyển.

Tiếp xúc với dơ bẩn nhiều nhất phải kể đến khâu phân loại rác tại điểm trung chuyển ngay tại nghĩa địa xã Truông Mít. Rác kéo về đến đây, anh cùng con gái (nay đã phải nghỉ học để ở nhà phụ giúp cha) dùng tay không bới từng bịch rác để kiếm phế liệu bán ve chai, sau đó mới đổ rác vào thùng cho xe của công ty vệ sinh đến lấy. Đã là rác sinh hoạt thì loại nào cũng có, loại nào cũng bốc mùi, ruồi, giòi bọ bu đầy.

Một tay anh Út bị tật không dùng găng tay được, bé Giang thì chê mang bao tay nhựa thao tác chậm do hay bị vướng. Điều mà cha con anh Út buồn nhất là ngày càng có nhiều người đem rác ra đây “đổ ké”, lại không chịu bỏ rác vào thùng hay cho vào bao, nên ngày nào cha con anh cũng dọn không xuể.

Anh Út góp ý: “Hiện tại ở điểm này có 3 thùng rác, chỉ đủ để đựng cho 2 ngày tôi kéo rác về đây. Trong khi 1 tuần công ty chỉ đến lấy rác 2 lần, do vậy rác bỏ tồn ra ngoài thùng khá nhiều, mà rác bỏ ngoài thùng thì xe không ép. Nên chăng địa phương cần đầu tư thêm thùng đựng rác, hoặc công ty cho xe tăng cường đến lấy rác 3 lần/tuần vào các ngày thứ 2, thứ 5 và thứ 7 nhằm tránh tình trạng rác tồn”. Riêng bà con có vứt rác ké cũng xin làm ơn cho vào bao, hoặc bỏ vào thùng, chứ đừng đổ bừa ra ngoài hay vứt cặp theo đường vào nghĩa địa, nhọc công người dọn lắm.

Vừa qua, căn nhà nhỏ “đại đoàn kết” của anh đã nghe chuyển mình răng rắc lúc nửa đêm, buộc anh phải chuyển đồ sang ở nhờ bên “mái ấm tình thương” của mẹ.

Ông Nguyễn Hồng Phước, một hộ dân trên đường gom rác anh Út bộc bạch: “Tôi thương thằng Út lắm, vì nó rất có hiếu với mẹ. Tôi biết có nhiều lần nó nhịn ăn để mua thuốc cho mẹ uống. Út hiền lắm, người bị tật nhưng rất siêng năng làm việc, ngày nào Út cũng đẩy rác bất kể là nắng hay mưa. Cuộc sống gia đình Út thì đúng là “đoạn trường cảnh khổ”. Mừng thay, năm 2015 vừa qua, Út được tham gia chương trình “Vượt lên chính mình”, và nhận được khoảng 70 triệu đồng. Mặc dù có tiền, nhưng tôi để ý thấy Út chưa bao giờ lơ là trong việc lấy rác”.

Hỏi thăm anh Út số tiền “vượt lên chính mình” được dùng để làm gì, anh cho biết đã trả được nợ ngân hàng vay trước đó và sắm chiếc xe đẩy rác anh đang dùng. Số còn lại gửi hết vào ngân hàng, để tiết kiệm phòng khi bất trắc hay sức khoẻ sa sút không còn đẩy rác được thì cũng có cái để lo cho mẹ, con và cháu. “Dù có khó khăn cỡ nào, khi mình còn sức khoẻ thì phải ráng tự thân lao động vươn lên, không thể trông chờ vào của cải người khác cho được, vì đâu có ai cho không mình hoài. Hơn nữa, cái công việc làm sạch cho đời này anh gắn bó lâu năm, quen việc, quen người rồi nên không muốn bỏ”, anh Út bày tỏ. Thật đáng khâm phục cách sống và lối suy nghĩ của một người có hoàn cảnh đặc biệt như anh.

Ông Trần Duy Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Truông Mít cho biết, xã đang có chủ trương cơ giới hoá trong việc vận chuyển rác, nhằm bảo đảm phục vụ nhanh chóng và tiện lợi cho bà con. Tuy nhiên, người dân trong xã cũng hài lòng với cách phục vụ thu gom rác của anh Nguyễn Văn Lộc, nên xã đã tạo điều kiện thể theo nguyện vọng của anh giữ lại một phần “đường rác” cho anh làm kiếm thu nhập. Ở địa phương, anh Lộc rất được mọi người yêu mến.

Qua câu chuyện của anh Út Rác, có thể thấy rõ một lối sống đẹp, sống có ích cho xã hội, mặc cho nghề nghiệp có phần dơ bẩn. Đồng thời cũng xin lưu ý địa phương nên nhắc nhở những người chưa có ý thức cao về xử lý rác, giữ vệ sinh môi trường.

Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục