Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kiến nghị sửa đổi hàng loạt nội dung trong Luật Giáo dục Đại học
Thứ ba: 10:10 ngày 26/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cần quy định cụ thể hơn các quy định về tự chủ đại học, quy định về mô hình trường đại học phù hợp với yêu cầu mới, có sự thống nhất về các loại văn bằng…

Đó là hàng loạt các vấn đề đã được lãnh đạo các trường đại học, đại diện các bộ ngành đưa ra tại Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Giáo dục Đại học, do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm qua (25/9) tại Hà Nội.

kien nghi sua doi hang loat noi dung trong luat giao duc dai hoc

Giờ học của thầy và trò trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Nhiều bất cập trong Luật Giáo dục Đại học hiện hành

Theo ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Luật Giáo dục Đại học hiện tại còn rất nhiều bất cập.

Cụ thể, các mô hình cơ sở giáo dục đại học chưa được quy định rõ và đầy đủ. Trong luật cũng như trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các mô hình đại học, trường đại học, học viện được đưa ra nhưng chưa được định nghĩa đầy đủ, phân biệt rõ ràng.

Điều này dẫn đến sự vận dụng đa dạng tùy tiện, thiếu nhất quán và thiếu kiểm soát. Hầu hết các “đại học” hay “trường đại học” và một số “học viện” đều được dịch sang tiếng Anh là “university”, thậm chí một số trường đại học, học viện còn lấy tên “National University” mà không dựa trên một cơ sở pháp lý nào.

Tương tự, hệ thống tên gọi các trình độ đào tạo và văn bằng cũng thiếu tính nhất quán về ngôn ngữ và chưa hội nhập quốc tế.

Luật Giáo dục quy định: “Bằng tốt nghiệp đại học của ngành kỹ thuật được gọi là bằng kỹ sư; của ngành kiến trúc là bằng kiến trúc sư; của ngành y, dược là bằng bác sĩ, bằng dược sĩ, bằng cử nhân; của các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế là bằng cử nhân; đối với các ngành còn lại là bằng tốt nghiệp đại học”.

Trong khi đó, theo ông Sơn, các chức danh kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ hay dược sỹ nên được hiểu là các chức danh nghề nghiệp (tương tự như luật sư, giáo viên, giảng viên, khác với các bằng cấp học vị như cử nhân, thạc sỹ.

Bên cạnh đó, Luật Giáo dục Đại chọ cũng chưa làm rõ cơ chế quản trị đại học, vai trò của Bộ chủ quản và của Hội đồng trường, quyền và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.

Luật thiếu các quy định cụ thể, rõ ràng về các cấp độ tự chủ, quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trong từng hoạt động của nhà trường theo từng cấp độ.

Đại diện Bộ Công thương cũng cho rằng hiện Luật Giáo dục Đại học còn nhiều bất cập và thậm chí mâu thuẫn với các quy định khác.

Ví dụ, theo Luật Giáo dục Đại học, trường tự chủ thì trường được tự quyết định dự án đầu tư. Tuy nhiên theo Luật Đầu tư công thì Bộ chủ quản quyết việc này. Hệ quả là một số trường thuộc Bộ Công thương được tự chủ nhưng không dám quyết, hàng năm vẫn gửi văn bản lên Bộ xin phê duyệt các dự án đầu tư.

Cần có một bộ luật về giáo dục?

Trước những tồn tại của Luật Giáo dục Đại học, các đại biểu cũng đã đưa ra những kiến nghị sửa đổi.

Theo ông Hoàng Minh Sơn, Luật Giáo dục Đại học cần sửa đổi, bổ sung quy định về trình độ đào tạo và các học vị tương ứng. Cụ thể, nên quy định các trình độ của giáo dục đại học bao gồm trình độ cử nhân, trình độ chuyên gia, trình độ thạc sỹ và trình độ tiến sỹ.

Trong đó, cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ là các học vị tương ứng với trình độ đào tạo. Trình độ chuyên gia (nếu có đào tạo) thể hiện qua các chức danh nghề nghiệp, bao gồm kỹ sư, giáo viên, bác sỹ (bác sỹ chuyên khoa I, II), dược sỹ,…

Tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp do Chính phủ ban hành (dựa trên đề nghị của các bộ ngành, trường đại học và hiệp hội nghề nghiệp).

Luật cũng nên quy định rõ các cấp độ tự chủ, vai trò và trách nhiệm của bộ chủ quảnvà hội đồng trường, cụ thể hóa các quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương, bà Lê Thị Thu Thủy lại quan tâm hơn đến vấn đề hợp tác quốc tế. Theo bà Thủy, hiện quy định của Luật Giáo dục Đại học về việc đầu tư giáo dục đại học ra nước ngoài chưa cụ thể, nên các trường gặp khó khăn khi triển khai. Vì thế, vấn đề này cần được đề cập đến nhiều hơn khi sửa đổi.

Bên cạnh đó, cũng theo bà Thủy, xu hướng phát triển của các trường thời gian tới là đa ngành, đa lĩnh vực. Vì thế, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi có thể mở rộng cơ cấu tổ chức mô hình trường trong trường vì đây là điều cần thiết và phù hợp với quốc tế.

Cùng đề cập đến vấn đề sửa Luật, ông Nguyễn Hội Nghĩa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cần sửa đổi Luật Giáo dục Đại học thật chi tiết cụ thể.

“Tôi cho rằng luật càng cụ thể càng tốt. Càng khái quát thì càng phải có văn bản hướng dẫn, trong khi chờ văn bản hướng dẫn rất mất thời gian. Luật càng rõ càng minh bạch thì khiếu nại càng ít. Luật cũng phải nêu chế tài rõ hơn,” ông Nghĩa nói.

Lấy ví dụ cụ thể, ông Nghĩa cho biết Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn còn nội dung phải ban hành văn bản hướng dẫn.

Vị lãnh lạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đề xuất đưa ra một bộ luật về giáo dục, trong đó có các luật liên quan, thể hiện sự phối hợp giữa các thành tố./.

Nguồn Vietnam+

Tin cùng chuyên mục