Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sáng 6/8, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra Báo cáo của Chính phủ tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; lĩnh vực nội vụ quy định tại Nghị quyết số 33/2016/QH14 ngày 23/11//2016 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV).
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Kiên quyết trong việc giao biên chế cho địa phương, bộ, ngành
Các đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã nghiêm túc trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Nội dung các báo cáo đã phản ánh được khái quát tình hình các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; đánh giá những mặt làm được, chỉ ra được những hạn chế, bất cập, đề xuất một số giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới.
Các báo cáo của Chính phủ nhìn chung chưa làm rõ được tác động của việc thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ mà Nghị quyết của Quốc hội đã chỉ ra, chưa phản ánh tổng thể quá trình triển khai Nghị quyết của Quốc hội mặt làm được và chưa làm được. Một số nội dung báo cáo còn sơ sài, chưa đầy đủ thông tin, chưa cho thấy những chuyển biến trên thực tế...
Theo Báo cáo của Chính phủ, sau khi có Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành năm Nghị định, sáu Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của một số bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Tổng cục thuộc Bộ.
Qua rà soát năm Nghị định trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy cơ bản các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ không chuyển các vụ thành cục, tổng cục; các cơ quan thuộc Chính phủ giảm số đơn vị được thành lập phòng, giảm số phòng.
Các văn bản nêu trên vẫn còn một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu là tăng tổng số phòng trong các đơn vị trực thuộc Bộ, số đầu mối không tăng nhưng cũng chưa được sắp xếp để bảo đảm tinh gọn theo yêu cầu của Nghị quyết. Các nghị định về cơ quan thuộc Chính phủ cũng không quy định số lượng tối đa cấp phó của đơn vị trực thuộc nên có thể dẫn đến tùy tiện khi áp dụng.
Một số đại biểu nêu quan điểm: Dư luận vẫn nóng lên với nhiều vấn đề bức xúc về tuyển dụng, đề bạt không đúng, bổ nhiệm “siêu tốc” xảy ra gần đây như việc Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa bổ nhiệm hàng loạt cán bộ lãnh đạo cấp phòng sai quy định trước khi nghỉ hưu; hay Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không bổ nhiệm 70 cán bộ trước khi nghỉ hưu...
Các đại biểu đề nghị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức bởi đây là một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết số 56/2017/QH14.
Nhiều ý kiến đề nghị thời gian tới Bộ Nội vụ kiên quyết hơn trong việc giao biên chế cho từng địa phương, bộ, ngành. Chính phủ tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn với các tiêu chí cụ thể.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về cải cách bộ máy
Để việc thực hiện các Nghị quyết đi vào thực chất, hiệu quả, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết số 56/2017/QH14.
Việc rà soát, thu gọn đầu mối các cơ quan, tổ chức là cần thiết nhưng cần phải nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng và có cơ sở thực tiễn để đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, khả thi, tránh việc thu gọn một cách cơ học mà số lượng biên chế, tổ chức bên trong vẫn cồng kềnh, chồng chéo.
Đối với việc thực hiện nguyên tắc một việc chỉ do một cơ quan chủ trì, nhiều ý kiến cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của nhiều cơ quan nên việc triển khai phải đồng bộ, triệt để nhưng cũng cần có lộ trình và bước đi thích hợp, tránh gây xáo trộn bộ máy quá lớn, đột ngột, tạo ra khoảng trống hoặc tránh sự chồng chéo về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Về yêu cầu của Nghị quyết từng bước thực hiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm đúng tiêu chí quy định, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, để đảm bảo tính khả thi, tránh gây xáo trộn lớn trong xã hội đồng thời để phù hợp với chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, đề nghị việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã phải có lộ trình, bước đi phù hợp.
Việc quy định và áp dụng các tiêu chí không nên cứng nhắc mà bên cạnh các nguyên tắc chung về diện tích tự nhiên, dân số còn cần phải quan tâm đến các tiêu chuẩn mềm như mức độ đô thị hóa, số đơn vị hành chính trực thuộc, cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế-xã hội đồng thời cần phải có các tiêu chí riêng phù hợp với từng đơn vị hành chính như về lịch sử, địa lý, dân cư, kinh tế, văn hóa...
Do đó, Chính phủ, Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, đảm bảo xử lý toàn diện, đồng bộ.
Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ xem xét, cân nhắc, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy định một số nội dung liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đặc biệt là các tiêu chí gắn với các yếu tố đặc thù về lịch sử, địa lý tự nhiên, dân số khi tiến hành sắp xếp cũng như cách thức, trình tự, thủ tục lập dự án; về việc lấy ý kiến nhân dân; việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức sau khi sáp nhập...
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Bộ Nội vụ hoàn thiện báo cáo, tổng hợp thông tin đến ngày 30/8 sau đó Ủy ban Pháp luật sẽ tiến hành thẩm tra chính thức.
Chính phủ tiếp tục thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cả luật và các văn bản dưới luật về các vấn đề có liên quan thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, biên chế... để đảm bảo tính đồng bộ. Bộ Nội vụ, các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát các văn bản dưới luật đã được nêu trong Nghị quyết số 56/2017/QH14, bảo đảm đúng tiến độ.
Đối với việc điều chỉnh địa giới hành chính, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định chỉ rõ vấn đề đặt ra không chỉ là sáp nhập, tinh giản bộ máy, biên chế... mà phải gắn với phát triển sản xuất, đời sống xã hội, dân cư và ổn định tình hình chính trị, đồng thời gắn với lịch sử, đặc điểm, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo.
Ngoài ra, cần khuyến khích tinh thần sáng tạo, chủ động của địa phương trong việc sáp nhập, vấn đề nào đã rõ sẽ thực hiện ngay, vấn đề chưa rõ sẽ cho thí điểm; chủ động tiến hành sắp xếp bộ máy, biên chế các cơ quan tổ chức, đơn vị mình theo tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm./.
Nguồn Vietnam+