Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồi ức “Thời hoa đỏ”
Kim chỉ nam cho tuổi trẻ viết tiếp câu chuyện hòa bình
Chủ nhật: 14:01 ngày 31/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2022) và kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15.7.1950 – 15.7.2022), Đoàn Thanh niên phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thời hoa đỏ”.

Khách mời tọa đàm (từ trái qua) nhà thơ Trần Nhã My, Cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Thành Dân, nữ du kích Nguyễn Thị Xuân và ông Nguyễn Văn Lợi.

Đến dự tọa đàm có ông Trương Văn Trường- Thị ủy viên, Bí thư Thị đoàn Trảng Bàng; ông Nguyễn Văn Ram- Thị ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường Gia Bình cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể phường Gia Bình, các đơn vị Đoàn bạn, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh.

Tại buổi tọa đàm hơn 100 đoàn viên, hội viên được nghe những hồi ức sống động từ các nhân chứng lịch sử như chú Nguyễn Văn Lợi- nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Gia Bình. Chú tham gia cách mạng và kháng chiến ở Đài Ra đa Cầu Đất (Đà Đạt, Lâm Đồng), trong thời gian ở đơn vị chú còn là Bí thư chi Đoàn VT16.F596 nên rất quan tâm đến công tác thanh niên; bà Nguyễn Thị Xuân- người nữ du kích treo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đầu tiên trong ngày giải phóng xã Gia Bình (nay là phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng); Cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Thành Dân.

Cô Nguyễn Thị Xuân tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, từ câu chuyện kể của cô đã đưa các bạn trẻ ngược dòng lịch sử về với những ngày giải phóng xã Gia Bình. Từ ngày 20.4.1975, toàn bộ lực lượng cán bộ chính trị và lực lượng quần chúng vũ trang xã Gia Bình đột nhập vào ấp chiến lược phát động quần chúng bằng nội dung cụ thể: “Thời cơ giành thắng lợi cuối cùng đã đến, kẻ thù đang sụp đổ.

Toàn thể nhân dân hãy thừa thắng xông lên, cùng lực lượng vũ trang tổng khởi nghĩa giải phóng xã. Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, không gì quý hơn độc lập tự do, quyết tâm đánh đổ toàn bộ ngụy quyền tay sai, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc, hoàn thành ước mơ ngàn đời của dân tộc và kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc chiến đấu 30 năm cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Trước khí thế sục sôi của quần chúng toàn bộ lực lượng địch ở Gia Bình vô cùng hoảng sợ, tinh thần chiến đấu bị sa sút, chui rút cố thủ trong đồn.

Cô Xuân kể tiếp, 3 giờ chiều ngày 29.4.1975 sau khi kiểm tra đồn Xóm Sóc và hạ cờ của quân địch, cô mượn xe đạp chạy theo lực lượng địch rút đi ra hướng Gia Bình, khi cô chạy ra thì địch rút đến ngay ngã tư Gia Bình, cô chạy tắt lên đầu chợ Gia Bình đi thẳng vào trong đồn, bỏ xe đạp nhảy xuống lô cốt ôm cây súng bắn ba phát thì nhân dân ở đó nói “Việt Cộng về, về tới rồi, bắn ba phát để ám hiệu” thì tề xã ở ấp Chánh rút đến sau thánh thất Cao Đài Gia Bình hô “Việt Cộng về quá trời rồi”, cô bắn thêm ba phát nữa quân địch chạy qua An Hòa, cô bắn thêm ba phát nữa, hết đạn cô bỏ cây súng nhảy xuống lô cốt lấy thêm cây súng khác bắn thêm ba phát rồi mới vào từng phòng ở đồn kiểm tra, đến phòng chót thấy đậy chiếu nhiều quá, cô dùng súng lật chiếu kiểm tra và là lớn tiếng “Ai nằm đây, đầu hàng, không hàng bắn á”, kiểm tra hai ba lần không thấy gì hết, cô quay trở lên bắn mấy phát nữa mới bỏ cây súng xuống, đi ra ngoài ty cảnh sát thì thấy đã bỏ chạy hết rồi, cô lục trong các tủ có cuốn sổ, mở cuốn sổ ra có hình cô nằm trên đầu cuốn sổ, cô mới bỏ xuống đó chạy ra hạ cờ quân địch và treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên.

Cũng trong thời gian này, trung đoàn biệt động quân ngụy từ Tây Ninh chạy về Sài Gòn vừa đến ấp Phước Hậu, xã Gia Bình bị lực lượng du kích chận đánh, diệt nhiều tên, cả trung đoàn tan rã tại chổ và quăng súng đầu hàng, ta thu trên 400 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng. Cũng trong thời điểm này toàn bộ bọn địch đóng trên địa bàn xã Gia Bình đầu hàng, bỏ trốn, lực lượng ta chiếm lĩnh trận địa, bắt tù binh thu vũ khí. Xã Gia Bình hoàn toàn giải phóng, lúc này cô Xuân 26 tuổi. Tròn 10 năm cô dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Với tinh thần xung kích và tiên phong của tuổi trẻ, nhiều thanh niên lúc bấy giờ đã tình nguyện tham gia vào lực lượng Thanh niên xung phong cùng toàn quân, dân bảo vệ Tổ quốc. Đến dự tọa đàm có chú Nguyễn Thành Dân, được chú cho biết trong thời gian chú ở Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), năm 1976 chú tình nguyện tham gia lực lượng Thanh niên xung phong đóng tại Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh cùng đồng đội làm nhiệm vụ thiêng liêng với đất nước.

Bên cạnh những chia sẻ về tinh thần yêu nước, những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội trong những ngày khốc liệt của chiến tranh và nỗi nhớ người thân, nhớ nhà nhưng vì nhiệm vụ cách mạng mà tạm gác lại tình cảm gia đình để hòa chung tình yêu đất nước thì chú Nguyễn Văn Lợi còn đặc biệt hy vọng vào thanh niên – thế hệ tương lai của đất nước.

Trong buổi tọa đàm, chú Lợi đã nhắc lại lời của Bác Hồ “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” và câu “Cái khó nhất mình phải vượt qua là cái khó vượt qua” trong  quyển sách “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai A Ostrovsky, chú mong mỏi ở thanh niên phải kiên trì, phấn đấu bền bỉ, không ngại khó, không ngại gian khổ, trước đây các bậc ông, cha chúng ta đã sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, đến giờ phút này được sống trong hòa bình, đất nước ngày càng phát triển chú tin tưởng rằng với lòng nhiệt huyết, với trí tuệ của tuổi trẻ thì mong rằng các em, các cháu phấn đấu hơn nữa để góp phần xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bên cạnh đó, các bạn đoàn viên, hội viên còn được nghe những vầng thơ viết về thời hoa đỏ trên quê hương Tây Ninh của nhà thơ Trần Nhã My- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội trưởng chi hội Văn học và Văn nghệ dân gian thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh trong những chuyến đi thực tế sáng tác.

Trong đó, tiêu biểu có bài “Rừng Rong hát” trong tập thơ “Lặng”, từng câu, từng chữ tác giả đọc lên đã gợi nhớ về trang sử hào hùng nơi mảnh đất Trảng Bàng cách đây 76 năm, từ hội thề thiêng liêng tại Rừng Rong vào ngày 30.2.1946 với 27 đồng chí nòng cốt, lực lượng thanh niên Trảng Bàng đã hồ hởi ra đi chiến đấu, lập công vẻ vang qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Hay bài “Chim trao trảo bay về” trong tập thơ “Huyễn hoặc ngày em” được nhà thơ Trần Nhã My viết nên khi biết về câu chuyện các anh bộ đội đã hy sinh tại gò Trao Trảo trên cánh đồng Cẩm Thắng của xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu.

Tại buổi tọa đàm đã vang lên những ca khúc đi cùng năm tháng do các bạn đoàn viên phường Gia Bình, đội văn nghệ trường THPT Nguyễn Trãi và trường THPT Lộc Hưng trình bày. Lần lượt các bài hát “Màu hoa đỏ” của tác giả Thuận Yến gắn liền với chủ đề buổi tọa đàm “Thời hoa đỏ”, bài “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” nhạc và lời Nguyễn Đức Toàn gợi nhớ về tấm gương tuổi trẻ tiêu biểu đã dâng trọn thanh xuân và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ở bài múa “Linh thiêng Việt Nam” như nén hương lòng của thế hệ hôm nay xin dâng lên và nghiêng mình cúi đầu trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, đây còn là lời mời các anh cùng về họp mặt trong ngày ý nghĩa này “về đây... các anh ơi hãy về đây...”.

Buổi tọa đàm đón tiếp bà Nguyễn Thị Hai là vợ của liệt sĩ Phạm Văn Thưa – Đại đội Phó Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước ngày 27.10.1969. Liệt sĩ được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà Hai chia sẻ, bà đã khóc không nên lời khi nhận được tin báo tử của chồng, biết hy sinh vậy rồi nhưng đến ngày giải phóng mới thấy di hài ông.

Những chia sẻ của các cô, chú trong buổi tọa đàm đã góp phần giáo dục cho các thế hệ hôm nay lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, lực lượng thanh niên xung phong, người có công với cách mạng, các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc kính yêu.

Có được hòa bình không phải dễ, đã có một thời hoa đỏ thật hào hùng để có những mùa hoa rực rỡ hôm nay. Những lời dạy của các cô, chú lão thành cách mạng sẽ là kim chỉ nam cho tuổi trẻ viết tiếp câu chuyện hòa bình.

Phí Thành Phát

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục