Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kinh tế tập thể: Chưa hết khó khăn
Thứ tư: 09:36 ngày 29/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, đến cuối tháng 9.2021, trên địa bàn tỉnh có 119 tổ hợp tác (THT) đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật. Trong đó có 95 THT hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, thu hút 1.460 thành viên; 24 THT lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thu hút 523 thành viên.

Mô hình nuôi bò trắng ở HTX dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế và đóng gói Hiệp Phát (phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng).

Tuy nhiên, tính hợp tác của thành viên trong phát triển kinh tế chưa cao, chủ yếu là tổ vay vốn sản xuất, tổ hội nghề nghiệp, sinh hoạt cùng sở thích; chưa phát huy hết vai trò hợp tác trong phát triển kinh tế hộ thành viên.

Tổng số HTX thực hiện liên kết gắn liền với chuỗi giá trị là 81 HTX, tăng 21 HTX so với năm 2020. Tổng số HTX áp dụng công nghệ trong canh tác và ứng dụng công nghệ cao là 16/98 HTX, chủ yếu là sử dụng máy cấy lúa, nhà màng trong sản xuất rau; công nghệ tự động hóa (hệ thống tưới); công nghệ tin học trong quản lý và kinh doanh (phần mềm truy xuất nguồn gốc).

Sản xuất gắn với chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang được các HTX lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt quan tâm. Sản phẩm của các HTX này được sự ủng hộ mạnh mẽ của các ngành, các cấp và được tạo điều kiện bày bán trong chuỗi 5 cửa hàng bán thực phẩm an toàn trong tỉnh cũng như nhiều bếp ăn tập thể...

Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh thành lập mới 16 HTX (kế hoạch năm là 15 HTX). Đến nay, toàn tỉnh có 157 HTX và 6 chi nhánh Liên hiệp HTX, tăng 17 HTX so với cùng kỳ.

Đáng chú ý là tổng số lao động trong khu vực kinh tế tập thể chỉ đạt 7.644 người: trong các HTX nông nghiệp có 1.484 người, các HTX vận tải có 5.610 người, lĩnh vực tín dụng có 257 người, còn lại các HTX phi nông nghiệp khác là 293 người.

Nhìn chung, trong 9 tháng năm 2021, các HTX lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa sản xuất, vừa làm dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất của hộ thành viên như: cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, làm đất, tưới tiêu, cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm. Một số HTX sau khi đăng ký, tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012 đã chú trọng mở rộng dịch vụ cung cấp cho thành viên và nâng cao chất lượng phục vụ.

Đến nay, ngày càng nhiều HTX tập trung vào hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất, tạo ra lượng sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của xã hội, đồng thời góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, địa phương xây dựng nông thôn mới. Nhìn chung, kinh tế tập thể (KTTT) có sự phát triển. Một số HTX đã khẳng định được vai trò, tổ chức và hoạt động theo mô hình mới đem lại hiệu quả.

Tuy vậy, khu vực KTTT, HTX dù tăng về số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhưng sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, do phải đối mặt với những khó khăn như sự biến động giá cả thị trường, biến đổi khí hậu, sự chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ quá nhanh làm lao động nông nghiệp nông thôn khan hiếm trong khi cơ giới hóa chưa theo kịp sản xuất làm gia tăng chi phí sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, dịch Covid- 19 đã tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh của các HTX trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, việc thành lập HTX còn nặng về hình thức theo tiêu chí 13 xây dựng nông thôn mới, không có định hướng, kế hoạch, mục tiêu phát triển HTX, dẫn đến HTX chưa thật sự hoạt động đúng bản chất; chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số HTX chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác kế toán, tài chính của HTX chưa được thực hiện nghiêm túc, bài bản.

Đến nay, vẫn còn nhiều HTX hoạt động ở mức trung bình, mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp một số dịch vụ thiết yếu cho thành viên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành của các HTX còn hạn chế.

Một số HTX sau khi được tổ chức và đăng ký lại hoạt động theo Luật HTX 2012 còn hình thức, phương thức hoạt động không thay đổi, hoạt động sản xuất kinh doanh còn thụ động, chưa đáp ứng được các quy định. Đồng thời, sự liên kết, hợp tác giữa các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, vai trò của HTX chưa được phát huy.

Thu hoạch rau ở HTX Phước Ninh. Ảnh Thuý Hằng

Một số tổ hợp tác trong nông nghiệp nông thôn còn gặp những khó khăn mới như: Sản xuất kinh doanh trong điều kiện của biến đổi khí hậu; phải cạnh tranh với các thành phần kinh tế như doanh nghiệp, HTX trong nền kinh tế thị trường, nhất là các cạnh tranh mới về khoa học công nghệ, về giá thành và chất lượng sản phẩm nhưng chưa được chia sẻ thông tin kịp thời.

Đáng chú ý là nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển KTTT, HTX còn hạn chế, số lượng HTX được tiếp cận chính sách chưa nhiều. Bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa bảo đảm...

Là tỉnh giáp biên giới với Campuchia nên hoạt động giao thương qua biên giới Tây Ninh – Campuchia những tháng qua gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. Sản phẩm làm ra từ các HTX nông nghiệp bị đứt đoạn các chuỗi cung ứng, không có thương lái thu mua. Các HTX hầu như không có đơn đặt hàng từ các nơi tiêu thụ trước đây.

Đối với các HTX giao thông vận tải, việc hạn chế đi lại giữa các tỉnh, thành khiến hoạt động vận tải bị ngưng trệ. Đặc biệt, từ tháng 5.2021 đến nay, do dịch bệnh bùng phát mạnh nên tình hình hoạt động của các HTX giao thông càng khó khăn hơn. Người lao động tại các HTX đối mặt tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Mặc dù nhà nước có chính sách và hướng dẫn hỗ trợ kịp thời cho HTX trong thời kỳ dịch Covid-19 nhưng nhìn chung, chỉ một phần nhỏ các HTX được thụ hưởng chính sách. Nguyên nhân chính là do HTX chưa nắm bắt rõ thông tin chính sách và điều kiện về đối tượng thụ hưởng hỗ trợ của chính sách chưa phù hợp với điều kiện thực tế của các HTX…

Anh Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế và đóng gói Hiệp Phát (phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng) cho biết, hơn 3 tháng qua, các hoạt động kinh doanh dịch vụ của HTX bị gián đoạn do Covid-19.

“Giống bò được HTX nuôi để bán thịt, bán giống được tôi mua ở miền Tây. Tuy nhiên, do dịch bệnh và việc thực hiện giãn cách xã hội nên hoạt động mua bán phải dừng lại. Tôi cũng như nhiều người khác phải nuôi bò suốt mấy tháng mà không thể bán.

Đến gần đây thì người nuôi bò, nhất là bò giống mới tiêu thụ được một ít. Đáng nói hơn là năm nay, bên cạnh dịch bệnh về người gây thiệt hại nặng nề thì dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cũng đã gây thiệt hại đáng kể. Dù tôi đã chủ động tiêm ngừa, áp dụng các biện pháp điều trị, phòng tránh bệnh cho bò nhưng cũng bị thiệt hại vài con”, anh Bình nói.

An Khang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục