Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giá trị dẫn đường trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Kỳ 1: Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người
Thứ năm: 14:41 ngày 25/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Di sản đồ sộ mà Tổng Bí thư để lại không chỉ là cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam mà còn là những tác phẩm với tư duy soi sáng, dẫn đường.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả đời tận tuỵ phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời.  Di sản đồ sộ mà Tổng Bí thư để lại không chỉ là cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam mà còn là những tác phẩm với tư duy soi sáng, dẫn đường. Một trong những tác phẩm ấy là “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, ngày 5.6.2016. Ảnh: Đ.H.T

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định như vậy trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Một xã hội vì con người là ước mong lớn lao của hàng tỷ người trên hành tinh này, đặc biệt, với một đất nước trải qua bao cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc thì khát vọng này cũng chính là ước vọng nghìn đời từ thuở cha ông.

Thế giới hiện nay có nhiều mô hình thể chế khác nhau, chỉ riêng con đường CNXH cũng đã có nhiều mô hình khác nhau. Mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) đầu tiên phải kể tới mà tiêu biểu là kiểu CNXH Việt Nam, Trung Quốc (dựa trên nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Marx- Lenin). Cho dù hiện nay có những việc hẳn trong chúng ta có nhiều người không hài lòng với chính quyền Trung Quốc, nhất là âm mưu thâm độc chiếm biển Đông của Việt Nam, song, có một sự thật không thể bác bỏ là dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là con đường xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc đã làm cho nước này vươn lên trở thành một quốc gia giàu mạnh như hiện nay. Các mô hình CNXH khác có thể kể đến như mô hình CNXH châu Mỹ Latin, mô hình CNXH kiểu Bắc Âu mà tiêu biểu là Thuỵ Điển, mô hình CNXH kiểu bang Kerala (Ấn Độ) và ở các Kibbutz của Israel… Các mô hình CNXH này cũng có những đóng góp nhất định vào sự phát triển chung đa dạng của nhân loại, đặc biệt phản ánh xu thế của nhân loại là đều trăn trở, suy tư tìm cho mình một con đường đi phù hợp.

Trong lịch sử, từ khi ra đời, đặc biệt là khi từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) trở thành chủ nghĩa đế quốc thì nó đã gây ra biết bao đau thương cho các dân tộc trên thế giới. Chúng ta không phủ nhận rằng sự thay thế chế độ phong kiến của CNTB là bước phát triển tiến bộ của nhân loại, song CNTB đã gây ra những tội ác khủng khiếp nhất chống loài người, đặc biệt là chế độ thực dân tàn bạo bóc lột các dân tộc thuộc địa trong đó có Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc đã lên án trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” từ năm 1925.

Là một nhà khoa học theo quan điểm biện chứng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không phủ nhận sạch trơn những thành tựu mà CNTB đã tạo ra, ông viết: “CNTB chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế ở mức cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước. Để thích ứng với điều kiện mới, CNTB thế giới đã ra sức tự điều chỉnh, thúc đẩy các chính sách “tự do mới” trên phạm vi toàn cầu, nhờ đó hiện vẫn còn tiềm năng phát triển (1)”. CNTB hiện nay đã không còn là CNTB như thời Marx và Engels còn sống. CNTB hiện nay cũng không phải là CNTB kiểu “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” (một tác phẩm do Engels viết) mà đã khác rất xa về chất so với CNTB trước kia. CNTB sở dĩ trở nên “tốt” hơn chính là nhờ Marx và Engels mà CNTB đã điều chỉnh để trở nên thích nghi. Vì vậy sẽ không có gì ngạc nhiên khi tác phẩm “Tư bản luận” của Marx vẫn dẫn đầu trong danh sách những tác phẩm được nhiều người tìm đọc nhất hiện nay. Trong tác phẩm của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái… Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội (2)”. Tác giả cho rằng dù đạt được những tiến bộ như hiện nay, song “CNTB không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra…. đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc (3)”. Nhận định này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn trùng hợp với quan điểm của tác giả Terry Eagleton - giáo sư Đại học Tổng hợp Lancaster, vương quốc Anh trong tác phẩm “Why Marx was right?” (Tại sao Marx đúng?). Trong tác phẩm này, Giáo sư Eagleton đã chứng minh sự phê phán của Marx đối với CNTB vẫn còn nguyên giá trị, mặc dù CNTB có thay đổi nhất định. Những hiện tượng của chủ nghĩa tư bản hiện đại như tư bản thương mại, tư bản độc quyền, “toàn cầu hoá”, v.v.. đã được Marx nhìn thấy trước trong các phê phán của mình. Eagleton cũng đồng thời vạch rõ: “CNTB dù có lúc đạt được hiệu quả nhưng nó đã làm được điều đó bằng cái giá kinh hoàng của nhân loại. Đó là sự mất tự do được nguỵ tạo bằng tự do, là bất công trong tình cảnh phân biệt giàu nghèo gia tăng, là nạn diệt chủng và phân biệt chủng tộc, là cưỡng bức, tước đoạt, áp đặt, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, là vô trách nhiệm với sự tồn vong của nhân loại. Tức là con đường tư bản chủ nghĩa đang đi cũng là đang đe doạ phá huỷ toàn bộ hành tinh này (4)”. Từ đó, Tổng Bí thư khẳng định con đường đi lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và nhân dân ta. Tuy nhiên, “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột TBCN; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ XHCN, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển CNTB (5)”. Quan điểm đặc biệt này của Tổng Bí thư đã được ông Stefan Kühner - Chủ tịch Quỹ Marx-Engels của Đức, thành viên Uỷ ban quốc tế của Đảng Cộng sản Đức nhắc lại và nhận định trong cuộc thảo luận về câu hỏi CNXH là gì và đâu là con đường đi lên CNXH của Việt Nam trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông cho rằng: “Đối với những người cộng sản trên khắp thế giới, luận điểm này cho thấy một điều quan trọng, đó là những gì Việt Nam đã và đang làm chính là con đường đi lên CNXH của Việt Nam (6)”. Mỗi đất nước, mỗi dân tộc trên thế giới này có quyền tìm cho mình con đường đi phù hợp với dân tộc, đất nước mình, tất nhiên, đó phải là con đường đem tới ấm no, tự do, hạnh phúc cho đại bộ phận nhân dân. Vậy nên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Xã hội XHCN là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hoà với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm… Trong chế độ chính trị XHCN, mối quan hệ giữa Ðảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu… (7)”.

Trong tác phẩm này, từ những luận giải thuyết phục nêu trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng cho đến nay, dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quan về xã hội XHCN ở Việt Nam. Xã hội XHCN mà Việt Nam đang phấn đấu xây dựng “là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới (8)”.

Vũ Trung Kiên

(còn tiếp)

(1) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 18-19

(2) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 21

(3) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 19

(4) T.Eagleton:Tại sao Mác đúng?: Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội. 2014, trang 19-21

(5) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 25

(6)https://baodantoc.vn/bai-viet-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-lam-sang-to-con-duong-di-len-cnxh-o-viet-nam-1628570109027.htm

(7) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 28

(8) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 24

Tin cùng chuyên mục