Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em
Kỳ 1: Còn đó những nỗi lo
Thứ bảy: 09:17 ngày 10/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tai nạn thương tích ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Nhiều biện pháp phòng tránh đã và đang được triển khai thực hiện nhưng tình hình trẻ em nhập viện vì tai nạn thương tích vẫn chưa giảm.

Quan tâm, giúp đỡ kịp thời trẻ em bị tai nạn thương tích.

Trên thực tế, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương cả về thể chất, tinh thần. Hy vọng, các cơ quan chức năng, gia đình, cộng đồng cùng chủ động phòng, chống tai nạn thương tích, tạo môi trường an toàn cho các em phát triển toàn diện.

Những vụ tai nạn đau lòng

Toàn tỉnh hiện có 40.948 trẻ, trong đó có 101.511 trẻ dưới 6 tuổi. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 3.2020, số trẻ bị tai nạn thương tích là 3.613 em, trong đó có 83 trẻ tử vong. Các tai nạn thường gặp đối với trẻ em như ngã, bỏng, tai nạn giao thông, cắt, đâm, bị súc vật cắn, ngạt thở, hóc nghẹn...

Trưa ngày 27.10.2020, tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên xảy ra vụ tai nạn đuối nước làm 1 em học sinh 13 tuổi tử vong. Cụ thể, 4 em học sinh (3 nam, 1 nữ) rủ nhau ra khu vực hầm đất để chơi. Trong lúc chơi đùa, em Ð.C.P trượt chân, thấy bạn rơi xuống hầm, 3 em còn lại cố gắng kéo bạn lên, sau đó nhờ người dân đưa đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu nhưng P đã tử vong.

Mới đây, ngày 10.1, em N.V.H và N.H.M (cùng sinh năm 2007) và 2 em người dân tộc Khmer đi câu cá tại bờ sông thuộc ấp Tân Định, xã Biên Giới. Trong lúc câu cá, một em dân tộc khmer xuống ghe của dân để lấy xăng nướng cá (xăng bỏ vào chai nước).

Sau đó, H đốt xăng để nướng cá, trong lúc đốt thì chai xăng bị phựt, do hoảng hốt nên em vứt chai xăng vào người M gây bỏng từ phần bụng đến bộ phận sinh dục. Ngay sau khi xảy ra sự việc, gia đình đưa M đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh.

 Được biết, từ nhỏ M phải chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa, ba mẹ bỏ, em phải sống với ông, bà ngoại. Bà của em đã lớn tuổi lại mang nhiều chứng bệnh trong người, hàng ngày ông ngoại phải đi làm mướn từ sáng đến tối, kiếm tiền nuôi gia đình. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương, mạnh thường quân, nhà trường nơi M học đã đến thăm hỏi, hỗ trợ một phần chi phí giúp em trị bệnh. Hiện nay, sức khoẻ của em M dần ổn định và đã đi học lại.

Đâu là nguyên nhân?

Nhiều ý kiến cho rằng, trẻ em thường gặp phải các loại tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày. Tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ có độ tuổi từ 1 - 7 tuổi, do bản thân thích khám phá nhưng chưa ý thức được cách phòng ngừa rủi ro.

Nhiều trường tai nạn xảy ra tại nhà do bỏng điện, lửa, nước sôi, hóa chất, té ngã, tiếp xúc các vật sắc nhọn, dễ vỡ hoặc xảy ra do môi trường bên ngoài như đuối nước, chấn thương do tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao ngoài trời.

Anh Lê Hữu Nghị - Phó bí thư Huyện đoàn Châu Thành cho hay, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn thương tích là sự thiếu sự quan tâm, giám sát của các bậc cha mẹ do bận công việc, lo làm ăn. Người dân thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu.

Tình trạng thiếu điểm vui chơi, giải trí ở vùng sâu, vùng xa- nhất là vào mùa hè các em thường rủ nhau đi bơi ở ao, hồ, sông, suối dễ dẫn đến tai nạn đuối nước. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em là do người lớn điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường, làn đường quy định, chuyển hướng không chú ý quan sát, chạy quá tốc độ; nhận thức của trẻ về an toàn chưa cao nên khi tham gia giao thông chưa chấp hành đúng luật và các quy định như đi xe đạp ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi bộ dưới lòng đường, băng qua đường bất ngờ...

Cùng quan điểm, bác sĩ Võ Thị Ánh Hồng – Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cho biết, các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng, phòng tránh nên dễ bị tai nạn thương tích.

Mùa hè là thời điểm trẻ dễ bị tai nạn thương tích, vì các em không phải đến trường, thiếu sự kiểm soát của thầy, cô giáo lại được vui chơi thỏa thích. Nhiều bậc cha mẹ chỉ tập trung vào việc học hành mà quên chăm lo đến sự an toàn cho trẻ ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Phân loại tai nạn thương tích đối với trẻ em theo nguyên nhân, bác sĩ Hồng chia sẻ, thông thường tai nạn thương tích do giao thông là những trường hợp xảy ra do va chạm, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người.

Có trường hợp các em bị bỏng, tổn thương một hoặc nhiều lớp tế bào da khi tiếp xúc với chất lỏng nóng, lửa, tai nạn thương tích da do tia cực tím, phóng xạ, điện, chất hóa học hoặc tổn thương phổi do khói xộc vào. Còn đuối nước là trường hợp tai nạn thương tích xảy ra do bị chìm trong chất lỏng, dẫn đến ngạt do thiếu oxy, ngừng tim dẫn đến tử vong hoặc các biến chứng khác.

Việc chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu. (làm mờ mặt trẻ)

Điện giật là tai nạn do trẻ tiếp xúc với điện làm bị thương hay tử vong. Ngã là tai nạn do trẻ té, rơi từ trên cao xuống. Ngộ độc là tình trạng trẻ hít vào hoặc ăn, tiêm vào cơ thể các loại độc tố dẫn đến tử vong hoặc ngộ độc cần có chăm sóc của y tế (do thuốc, do hóa chất, nấm). Thậm chí, tai nạn thương tích trẻ em còn xảy ra do động vật cắn, húc, đâm, tiếp xúc với máy móc đang vận hành…

Để phòng tránh tai nạn xảy ra trong trường và ở nhà, bác sĩ khuyến cáo, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần có ý thức và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Đối với tai nạn đuối nước, trẻ cần rèn luyện thể lực và biết bơi, tuân thủ quy tắc an toàn; không đến gần ao hồ, sông suối một mình; khi đi đò, thuyền phải mặc áo phao bảo hộ; giếng, bể nước có nắp đậy an toàn.

Đối với việc phòng ngừa ngộ độc, phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần chuẩn bị thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh, rõ nguồn gốc; để thuốc, hoá chất xa tầm với của trẻ; không dùng chai nước ngọt để chứa thuốc, hoá chất. Cha mẹ cần quan tâm, chăm sóc trẻ, không để các em chơi một mình tại khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Về biện pháp phòng ngừa điện giật, các gia đình phải kiểm tra đồ dùng bằng điện, che kín ổ điện ở vị trí thấp, không cho trẻ nghịch, chạm tay vào. Hệ thống điện phải an toàn, không để dây trần, dây điện hở. Đối với việc phòng ngừa đánh nhau trong nhà trường, giáo viên cần giám sát, giáo dục các em không xô đẩy, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực; không mang vật sắc, nhọn nguy hiểm như dao, kiếm, súng và hung khí khác khi đến trường.

Trong quá trình học tập, vui chơi có rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em, cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm của người lớn. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho trẻ. Mọi người cần trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ mình từ khi các em bắt đầu hình thành ý thức.

THIÊN DI – PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục