Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nghề báo được xem là một nghề nguy hiểm, đặc biệt là đối với phóng viên chuyên viết các đề tài có tính chất điều tra, phản ánh. Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin kể lại một vài câu chuyện có thật trên bước đường làm báo, nhằm mục đích giải trí và chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp.
Từ khi "làm quen" với khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, người dân địa phương cũng bắt đầu có thiện cảm với tôi và thường xuyên cung cấp tin báo liên quan đến khu rừng này. Tôi ra vào khu rừng nhiều đến mức hầu như quen thuộc các lối đi. Tuy nhiên, trong số những đề tài mà tôi đã từng thực hiện cũng có đề tài khó nhằn, đó là viết về tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông và vùng đất bán ngập ảnh hưởng đến cây rừng.
Gió lạnh về đêm
Khoảng từ đầu tháng 12.2017 đến cuối tháng 1.2018, Báo Tây Ninh có đăng loạt bài “Cát tặc ngày đêm rút ruột sông Sài Gòn”, phản ánh tình trạng nhiều tàu sắt cỡ lớn ngày đêm bơm hút trộm cát trên sông Sài Gòn, tại khu vực đất bán ngập giáp với rừng phòng hộ (thuộc địa bàn tổ 19, ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu).
Tôi nhận định đề tài này khó nhằn là vì tại “điểm nóng” cát tặc hoạt động có địa hình hiểm trở. Khu vực bờ sông bị sạt lở nằm giáp dãy rừng nhiều cây xanh, dây leo rậm rạp rất khó tiếp cận từ hướng rừng phòng hộ. Tại đây còn có một ngọn nước khá rộng từ trong rừng đổ ra sông, gây trở ngại cho những ai muốn đến gần điểm khai cát trái phép.
Một trong số các lồng rắn được phóng viên nguỵ trang để lắp đặt camera từ máy điện thoại và máy chụp hình.
Với địa hình phức tạp như vậy, tôi nhận thấy chỉ có thể tiếp cận các tàu của cát tặc bằng đường thuỷ. Thế nhưng, cách này có nhược điểm là dễ bị lộ, do bọn cát tặc luôn cắt cử người cảnh giới đối với người và phương tiện lạ di chuyển trên sông.
Chỉ cần bọn chúng thấy có dấu hiệu bất thường liền rút ống bơm cát, điều khiển tàu qua bên kia sông thuộc địa phận tỉnh Bình Phước. Tình hình càng trở nên khó khăn khi lần này những người dân báo tin không muốn ra mặt hỗ trợ phóng viên tác nghiệp, do họ lo sợ bị cát tặc trả thù.
Khoảng 19 giờ tối hôm đó, tôi giấu xe trong một bụi le, dùng đèn pin lủi rừng hướng đến vị trí các tàu đang bơm hút cát. Thật không thể ngờ, chỉ với một khoảng cách ước chừng 700m mà tôi phải băng rừng gần giờ đồng hồ mới đến được vị trí còn cách các tàu khoảng 150m.
Thực tế, việc lủi rừng tự nhiên theo đường chim bay không hề dễ dàng, nhất là vào ban đêm. Tôi phải vạch các loại cây tạp, bụi rậm để tìm lối đi, đồng thời hết sức cẩn trọng quan sát trên cao tầm mắt, dưới thấp bàn chân để tránh né các loài có nọc độc.
Càng thất vọng hơn, khi tôi vừa đến nơi thì các tàu đã rút về hết, chờ khoảng 90 phút sau vẫn không thấy tàu quay trở lại. Tôi gọi điện cho người dân để nắm thêm tình hình. Người nghe điện thoại khuyên tôi nên ngủ lại đó vì đến khoảng 3 giờ sáng các tàu sẽ quay lại. Dẫu sao thì tôi cũng không còn đủ sức để quay về nhà người dân cách đó hơn 1km đường rừng, đành chọn cách mắc võng ngủ trong rừng cặp bờ sông chờ cát tặc đến.
Khoảng 3 giờ sáng đêm đó, tôi giậc mình thức dậy do gió lạnh ngoài sông thổi mạnh vào hướng võng. Chính nhờ cơn gió này đã làm cho tôi hoàn toàn tỉnh táo trước khi 5 tàu khai cát trái phép ập đến. Trong số các tàu, có một tàu chỉ cách chỗ tôi đang nằm võng khoảng 5m và bị một bụi le đã chết khô che khuất. Tôi cuốn võng, lấy đồ nghề ra tác nghiệp.
Rắc rối phát sinh, có quá nhiều dây leo, cây xanh, bụi rậm tại đoạn sông này nên khó chọn được góc quay hoặc chụp hình hiệu quả. Nếu tôi cố liều lĩnh tiến ra sát mép bờ vực nhằm vén vật cản để ghi hình thì nguy cơ rất cao sẽ bị rớt luôn xuống sông, do đất sạt lở. Tôi đã hết sức cân nhắc và rút lui. Do vậy, hình ảnh chụp được đêm hôm đó có nhiều rác trong ảnh, chủ yếu là các vật cản từ lá cây.
Phóng viên trong một lần tác nghiệp tại một con đường trong rừng phòng hộ Dầu Tiếng.
Chưa kể, việc đứng trong rừng để chụp ảnh ra các tàu hút cát với địa hình bất lợi như thế không thể hiện được tàu bơm hút cát sát bờ, hậu cảnh toàn nước sông. Thế nên, tôi quyết định sẽ quay lại vào tối hôm sau bằng phương tiện đường thuỷ, theo một kế hoạch thận trọng là đến mục kích trong bụi rậm trước khi các tàu tới điểm hút cát để tránh bị phát hiện.
Ngủ nơi đất "chuyển mình"
Tôi quay về nhà dân, cố gắng thuyết phục họ cho mượn vỏ lãi để tác nghiệp. Kết quả, người dân chỉ có thể cho tôi mượn vào ban đêm, sáng sớm phải đem trả phương tiện. Nhận thấy tôi không vui và muốn bỏ cuộc, một người dân trong nhóm báo tin nhẹ giọng: “anh thông cảm, chúng tôi sống ở đây, bọn hút cát đều rõ mặt từng người và phương tiện đi lại trên sông, chỉ sợ về sau không yên ổn với bọn chúng. Anh cố gắng giúp giùm bà con, mọi người ở đây sống chỉ nhờ vào diện tích đất bán ngập gần đó để trồng mì mưu sinh, tình trạng hút cát cứ ngày càng lấn sâu vào đất liền như vậy thì sớm muộn gì cũng bị sạt lở hết”.
Chính vì những lời nói vừa nêu, tôi quyết định ở lại làm đến cùng. Tôi phải mất nhiều thời gian để tập điều khiển vỏ lãi. Thật không đơn giản, độ cao của chân vịt đặt xuống nước phải vừa tầm, lớn ga khó kiểm soát, nhỏ ga máy tắt, không vững tay lái thì vỏ lãi quay đầu… Tôi mất gần cả buổi sáng mới điều khiển vỏ lãi được ổn định.
Thời gian còn lại trong ngày, tôi chạy xe ra nhà một người quen tại khu dân cư ấp Suối Bà Chiêm để mượn một số lồng bẫy rắn, mục đích là để nguỵ trang cho phương tiện ghi hình. Tôi cột 2 cái máy điện thoại và 1 máy ảnh vào trong các lồng bẫy rắn, nguỵ trang sao cho chỉ chừa đúng chỗ trống để camera hoạt động.
Tối đến, sau khi các tàu hút cát rút đi, tôi chất lưới cá và các lồng bẫy rắn lên vỏ lãi, điều khiển phương tiện này đến “điểm nóng”. Do đã biết trước vị trí các tàu hay neo đậu hút cát, nên tôi thả nhiều đoạn lưới ở góc ghi hình tốt nhất về hướng đó. Xong việc chuẩn bị, tôi lái vỏ lãi vào trong một bụi rậm cặp bờ sông và ngủ luôn tại đó chờ cát tặc đến. Trong khi chưa ngủ được, tôi nghe tiếng đất thỉnh thoảng lại "chuyển mình" do sạt lở.
Một lần ngã xe do đường trơn trượt tại một con đường trong rừng phòng hộ Dầu Tiếng.
Khoảng 4 giờ sáng, tiếng nổ của nhiều máy tàu cỡ lớn ngày càng tiến vào khu vực trên. Tôi chưa vội xuất hiện, để cho các tàu tập trung hút cát khoảng 10 phút, lúc đó tôi mới bật đèn pin, dùng cây chèo vỏ lãi di chuyển chậm rãi theo lưới giăng sẵn để thăm cá. Tất nhiên, các camera trong lồng rắn lúc này đều hướng về 5 chiếc tàu đang hút cát cách đó khoảng 30m, rồi theo đường lưới dần tiến lại gần 20m, 10m, 5m.
Kết quả ghi hình thu được ngoài mong đợi. Trong khi máy quay đang hoạt động, có người trên tàu pha đèn xuống vỏ lãi nhìn thấy tôi mặc quần áo cũ kỹ, lắm bùn, ướt đẫm nên hỏi: “có cá không anh, đặt rắn theo bụi lùm cặp sông hả, mà anh ở đâu sao tôi thấy lạ vậy?”. Tôi trả lời: “ở dưới P25 chứ đâu, nghe anh em trên này nói giăng lưới gần chỗ hút cát cá động dễ dính, làm cũng được một mớ, dính toàn cá rô phi, sẵn thăm cá xong đặt luôn mấy cái lồng rắn trong lùm thử coi sao”.
Người trên tàu không quan tâm đến tôi nữa, lo tập trung điều khiển máy bơm hút cát. Tôi tiếp tục tác nghiệp thuận lợi cho đến khi trời sáng, thu hết lưới, nổ máy vỏ lãi rút im. Khoảng vài ngày sau khi các bài báo liên quan đến vụ này được đăng, các tàu khai thác cát trái phép tại đây đều bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Cũng với hình thức tác nghiệp có sự chuẩn bị kỹ càng và nhập vai tốt, đến tháng 10.2020, tôi lại có loạt bài về tình trạng khai thác sát bờ sông Sài Gòn gây sạt lở đất nông nghiệp tại khu vực giáp ranh giữa địa bàn xã Đôn Thuận và Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng. Điểm khác biệt là cặp bờ sông Sài Gòn đoạn này có rất nhiều con vắt. Tôi đứng trong bụi rậm để ghi hình các tàu bơm hút cát chỉ khoảng 30 phút mà vắt đã đeo bám dày đặc theo các kẻ bàn tay, bàn chân, kẹt tai, trong nách. Máu chảy nhiều đến nỗi tôi chóng mặt.
Cũng vì không muốn đi gần bụi rậm cặp bờ sông để tránh vắt mà tôi đã thiếu quan sát bước xuống ruộng bưng liền kề đó, bị mắc lầy khá lâu. Đây là một dạng ruộng giống như đầm lầy, người đi lọt xuống đó bị lún tới tầm ngực, càng hoảng loạn chống chọi lại thì càng bị lún sâu khó thoát. Cũng may, tôi từng xem phim về cách thoát khỏi tình huống này nên đã bình tĩnh làm theo và may mắn thoát chết.
Trên đây chỉ là một vài đề tài khó trong số nhiều đề tài mà tôi đã từng thực hiện và hầu hết đều đạt giải báo chí của tỉnh. Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi nhắc lại những câu chuyện tác nghiệp này góp phần giải trí, tôn vinh nghề báo đáng tự hào nhưng cũng lắm hiểm nguy.
Minh Quốc