Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Không thù lao, không cần sự đền đáp và cũng không nhận tưởng thưởng, những tín đồ Cao Đài chỉ làm việc bằng trái tim với mong muốn mang đến cho người bệnh sức khoẻ, niềm hạnh phúc trong những năm tháng cuối đời.
Giáo hữu Thượng Hồ Thanh- quyền Thượng Thống Y viện (bìa trái) theo dõi việc khám, chữa bệnh.
Y viện - nơi chữa bệnh không mất tiền
Y viện Toà thánh Tây Ninh được thành lập từ khi đạo Cao Đài khai mở vào năm 1926, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho chức sắc, nhơn sanh. Với phương châm làm việc “tư duy, kỷ cương, nề nếp, trong sáng”, trải qua gần 100 năm hoạt động, Y viện trở thành địa chỉ điều trị miễn phí, được nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh tìm đến.
Y, bác sĩ thực hiện cấp cứu tại Y viện.
Bác sĩ CKII Lê Ngọc Hồ, Giáo hữu Thượng Hồ Thanh- quyền Thượng Thống Y viện cho biết, Y viện có các bộ phận Đông y, Tây y, tân dược, thuốc nam, cận lâm sàng (siêu âm điện tim), nha, châm cứu vật lý trị liệu, trại bệnh nam nữ, phòng dinh dưỡng.
Trung bình 1 tháng, Y viện chi khoảng 250 triệu đồng tiền thuốc với hàng ngàn thang thuốc Nam được bốc cho bệnh nhân. Hiện Y viện có 73 người làm công quả, trong đó có 16 bác sĩ có chuyên môn các lĩnh vực Đông y, Tây y, nhiều bác sĩ có trình độ CKI, CKII.
Hơn 1 năm qua, bác sĩ CKII Mai Văn Thu (công tác tại Bệnh viện 1A, TP. Hồ Chí Minh) tranh thủ thời gian rảnh về Tây Ninh khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân tại Y viện. Bác sĩ Thu chia sẻ, ba mẹ của ông là người theo đạo Cao Đài, thường xuyên vào Toà thánh làm công quả với mong muốn giúp đời, giúp người. Noi theo ba mẹ, ông mong đóng góp một phần công sức để chăm lo sức khoẻ cho người dân. Ông và lực lượng y, bác sĩ tại đây đều làm việc với tinh thần không vụ lợi, không phân biệt tôn giáo.
“Việc di chuyển thường xuyên giữa TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh chỉ là vấn đề nhỏ, quan trọng là có thể giúp đỡ bà con vượt qua bệnh tật, đau đớn, sống vui sống khoẻ. Tôi sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài với công việc khám, chữa bệnh miễn phí, còn khoẻ thì còn hỗ trợ cho Y viện”- bác sĩ Mai Văn Thu nói.
Là một trong các thành viên trẻ nhất đang làm việc tại Y viện, bác sĩ Mai Hữu Lợi (sinh năm 1995) đã gắn bó với công việc khám, chữa bệnh miễn phí này từ tháng 3.2021. Bác sĩ Hữu Lợi đang công tác tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.
1 tuần anh làm việc tại Y viện từ 2-3 ngày, tuỳ theo lịch trực ở bệnh viện. Anh chia sẻ, bệnh nhân đến Y viện khá đông, công việc rất bận rộn. Tuy nhiên, mọi người luôn làm việc với tinh thần vui vẻ, lạc quan nên công tác khám, chữa bệnh diễn ra thuận lợi và suôn sẻ.
Bộ phận Châm cứu vật lý trị liệu là khoa có khá đông bệnh nhân. Theo bác sĩ Đông y Phan Thị Thanh Nguyên, trung bình 1 ngày có từ 60-70 bệnh nhân, có hôm lên đến 100 bệnh nhân. Nơi đây có 25 giường, tuỳ theo bệnh, các bệnh nhân sẽ được chỉ định châm cứu, ép tĩnh mạch, kéo cột sống cổ, thắt lưng, điện phân thuốc, điện xung, nhúng sáp…
Đội ngũ y, bác sĩ tại bộ phận Châm cứu vật lý trị liệu.
Ông Trần Công Huẩn (ngụ phường IV, TP. Tây Ninh) vừa được bác sĩ cho thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu đôi chân. Hơn 4 năm trước, ông bị tai biến, một bên người không hoạt động được. Hơn 60 tuổi lại thêm có chứng bệnh tim từ trước, do hoàn cảnh khó khăn, ông điều trị bệnh không thường xuyên. Bệnh vì vậy không thuyên giảm, tiền ngày một cạn dần. Nghe nói Y viện khám bệnh và kê thuốc uống miễn phí, ông vô cùng mừng rỡ.
“Hơn 1 năm qua, hằng tháng, tôi đến Y viện châm cứu, tập vật lý trị liệu và xin thuốc uống. Lúc mới bị tai biến, phải có người đỡ tôi mới đi được. Nay sức khoẻ dần ổn định, tôi có thể tự đi đứng một mình. Đội ngũ y, bác sĩ ở Y viện làm việc rất tận tình, có chuyên môn cao, mỗi lần đến khám tôi đều cảm thấy thoải mái, thân thuộc như ở nhà”- ông Huẩn nói.
Tại phòng bốc thuốc nam, anh Nguyễn Văn Út (sinh năm 1980, ngụ xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh) đang chờ nhận thuốc. Không phải tín đồ tôn giáo Cao Đài nhưng mỗi tháng, anh Út đều đến phòng khám Đông y của Y viện bắt mạch và bốc thuốc uống. Anh kể, bản thân mắc bệnh đau xương khớp, gan nhiễm mỡ và nhức đầu kinh niên. Nhờ nấu thuốc của Y viện uống đều đặn, cơ thể anh bớt đau nhức, khoẻ khoắn hơn nhiều.
“Dù không phải tín đồ Cao Đài nhưng các thầy thuốc ở đây vẫn nhiệt tình, niềm nở khám, chữa bệnh cho tôi, không có bất kỳ sự phân biệt nào. Nhờ Y viện thực hiện khám, chữa bệnh miễn phí, các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đều được hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần”- anh Nguyễn Văn Út vui vẻ nói.
Đa số thuốc Nam tại Y viện đều được đội tìm kiếm dược liệu của Y viện và bà con quanh vùng mang vào hiến tặng.
Tình người lúc đơn chiếc
10 giờ sáng, những cụ già ở khu dưỡng lão của Phật mẫu Trường Tây (xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành) bắt đầu giờ ăn cơm trưa. Nơi phòng ăn, thức ăn chay vừa nấu toả mùi thơm lựng, nóng hổi. Có hơn 30 cụ tuy yếu, hoặc tai biến nhưng vẫn đi lại được, tự đến bàn dùng cơm.
Dãy nhà sau, trên giường bệnh, bà Nguyễn Ngọc Lễ (68 tuổi) không thể đến phòng ăn được. 6 năm trước, sau một cơn tai biến, dù đã điều trị rất nhiều nhưng hai chân bà cứ yếu dần và không đi lại được. Không người thân chăm sóc, bà Lễ làm đơn vào vào khu dưỡng lão của Phật mẫu Trường Tây khi 2 chân đều bị liệt.
Bà được chị Nguyễn Thị Đào (xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) đút từng muỗng cơm. Vừa ăn cơm xong, chị Đào lấy nước ấm cho bà Lễ uống thuốc. “Mấy năm trước, tay phải tôi còn cầm được cái muỗng, nằm nghiêng sang vẫn tự múc cơm ăn được. Nhưng 2 năm nay, các gân co quắp lại nên không làm gì được. Tất cả phải nhờ cô Đào, cô Tuyền. Quý lắm cô ơi. Các cô ai cũng dễ thương. Nằm đây chứ có phước lắm rồi đó cô”- bà Lễ xúc động nói.
Chị Đào vào Dưỡng lão Phật mẫu Trường Tây khoảng 5 tháng nay. Quê An Giang, 6 năm trước, chị cùng chị gái lên Tây Ninh mua đất, cất nhà ở. Thời gian đó, chị bị đau cột sống nặng, tưởng không sống được. May nhờ bệnh gặp đúng thuốc, người gặp đúng thầy, chị Đào bớt bệnh và nguyện dành cả phần đời còn lại chăm sóc những bệnh nhân nơi đây.
“Tôi đã có những tháng đau nhức chỉ ước có thể chết đi, buồn khổ tuyệt vọng vô cùng nên tôi rất hiểu tâm trạng các cô, các cụ ở đây. Nhất là những người tinh thần tỉnh táo nhưng cơ thể chết dần chết mòn, rồi không có người thân bên cạnh, tủi thân lắm, nên tôi cố gắng làm được gì cho các cô thì làm”- chị Đào nói.
Ngoài chị Đào, còn có chị Tuyền và rất nhiều người hằng ngày đến khu dưỡng lão của Phật mẫu Trường Tây làm các công việc khác nhau. Người nấu cơm, giặt đồ, người tắm rửa cho các cụ.
Theo Giáo hữu Hương Mí- Phó Cai quản Điện thờ Phật mẫu Trường Tây, tại đây đang chăm sóc cho 65 vị đồng đạo, độ tuổi từ 50 đến trên 90 tuổi. Có người mang bệnh, người thì hoàn cảnh khó khăn, được chính quyền địa phương xác nhận không có người thân chăm sóc. Trong số 65 cụ, có 33 vị bị liệt nằm tại chỗ.
“15 hương đạo trong họ đạo Trường Tây thay phiên nhau nấu ăn cho khu dưỡng lão, mỗi ngày 2 bữa. Riêng buổi ăn sáng sẽ có mạnh thường quân đến đăng ký và nấu tại đây. Rau củ quả, gạo, nhu yếu phẩm do người dân mang vào đóng góp. Nếu có người bệnh, bộ phận ở phòng thuốc Tây sẽ chăm lo; mỗi sáng thứ Năm có bác sĩ đến khám, cấp thuốc cho các cụ. Khi các cụ mất đi, Ban Cai quản, đồng đạo lo vuông tròn chuyện hậu sự, chôn cất”- Giáo hữu Hương Mí nói.
Không ai nhớ rõ đã 25 hay 30 năm, dưỡng lão của Phật mẫu Trường Tây đã cưu mang, chở che cho bao nhiêu cảnh đời bất hạnh. Nơi đây luôn có những tấm lòng vàng bền bỉ chăm sóc các cụ như chính người nhà. Họ hiểu rằng, khi chung tay, cuộc sống này sẽ vơi bớt những niềm đau, nỗi buồn.
Ngọc Diêu - Phương Thảo (còn tiếp)