Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giá trị dẫn đường trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Kỳ 3: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam
Thứ bảy: 16:20 ngày 27/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một thực tế không thể phủ nhận là Chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực đã tạo ra một hệ thống và làm cho Chủ nghĩa tư bản (CNTB) phải thay đổi. CNXH ra đời và trở thành một hệ thống trên thế giới đã trở thành chỗ dựa cho các dân tộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập.

CNXH, nhất là ở Liên Xô đã tạo ra một xã hội mà ở đó con người được tôn trọng, được bảo vệ, được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển về mọi mặt. Tiếc thay, vì những sai lầm, vì giáo điều, vì quan liêu, xa rời nhân dân nên hệ thống XHCN trên thế giới đã sụp đổ.

Trong tác phẩm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trăn trở với câu hỏi rằng trong xã hội đã xuất hiện tình trạng bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn của CNXH: “… Bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước XHCN Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Marx-Lenin và sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH…

Thực tế có phải như vậy không? (1)”. Từ những phân tích và luận giải, tác giả đi đến kết luận rằng đó chỉ là sự sụp đổ của một mô hình trong thực tế chứ không phải là sự sụp đổ của một hệ tư tưởng.

Còn nhớ, tháng 4.1992, đồng chí Nguyễn Phú Trọng- khi ấy là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản- đã viết bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản với tiêu đề “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?”.

Trong bài viết này, đồng chí đã chỉ ra 5 nguyên nhân chủ yếu, đó là: Không xác lập đúng đắn sự lãnh đạo của Đảng, buông lơi công tác xây dựng Đảng; phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin là nền tảng tư tưởng của Đảng; coi nhẹ hoặc phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ; xa rời quần chúng, mất uy tín nghiêm trọng trước nhân dân, không được nhân dân ủng hộ; từ bỏ chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, thổi lên ngọn lửa kỳ thị dân tộc dân tộc hẹp hòi (2). 

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944-2024)

Thực tế có phải CNXH đã lỗi thời như những luận điệu thường rêu rao bấy lâu nay? A. Dinoviep, một người từng chống đối Nhà nước Xô-viết và sau đó bị ngồi tù dưới thời Liên Xô, sống lưu vong tại Mỹ cho rằng: “Những thành tựu của chủ nghĩa Cộng sản Xô-viết do Lênin mở đầu đã thấm vào máu thịt của loài người....

Nhờ có cuộc cách mạng vô sản và tất cả những gì gắn liền với cuộc cách mạng đó mà nhân loại đã được cứu thoát khỏi sự thụt lùi đáng sợ nhất, thoát khỏi sự suy tàn, thoái hoá (3)”. Năm 1995, một đại hội quốc tế về Marx đã được tổ chức tại Paris quy tụ hơn 500 đại biểu là những nhà chính trị, nhà triết học trên thế giới; các đại biểu đã thống nhất đánh giá: “Gương mặt Marx vẫn là biểu tượng của sự phủ nhận trật tự đang thống trị và tư tưởng của Marx vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện đại (4)”.

Trung tâm Phân tích Levada mở cuộc thăm dò dư luận để nắm bắt ý kiến của người Nga về quan điểm đối với chế độ Xô-viết vào năm 2020. Kết quả “có tới 70% người dân cho rằng Xô-viết là giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử đất nước Nga”.

Năm 2007, kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Mười Nga, ngài Sergei Mironov- Chủ tịch Thượng viện Nga viết: Đại thi hào Nga Puskin trong thư gửi P. Y. Chaadayev (một nhà tư tưởng và chính luận Nga) từng viết: dẫu trong đời sống nước Nga có nhiều vấn đề làm nhà thơ đau buồn, thậm chí bị xúc phạm, nhưng không vì bất kỳ điều gì trên thế giới này mà nhà thơ “muốn thay đổi Tổ quốc, hay muốn có những trang sử khác với lịch sử của tổ tiên”.

Nên chăng, chúng ta cần có một thái độ như vậy đối với Cách mạng tháng Mười 1917 và toàn bộ thời kỳ Xô-viết sau đó. Ngài Mironov cũng cho rằng “Hoà bình cho các dân tộc”, “Ruộng đất cho nông dân”, “Bánh mì cho người đói”, “Tự do cho người nô lệ”...

Ai có thể nói tự thân những câu khẩu hiệu phản ánh nhu cầu của đại đa số quần chúng này lại không đúng và thấu đạo lý? Không thể không nói thêm: Người Nga hôm nay vẫn luôn bày tỏ, vẫn tin vào CNXH, họ đồng loạt ký vào lời kêu gọi giữ thi hài Lenin trong Quảng trường Đỏ, để chiến hạm Rạng Đông tiếp tục neo đậu trên sông Neva, để những ngôi sao đỏ vẫn sáng trên những ngọn tháp Điện Kremlin, biểu tượng Búa liềm còn mãi trên ngọn cờ Chiến thắng... (5)”. Một cuộc bình chọn nhà tư tưởng thiên niên kỷ thứ hai của Trường đại học Cambridge (Anh) công bố năm 1999 cho kết quả K. Marx đứng đầu, đứng thứ hai là Albert Einstein.

Triết gia người Đức nổi tiếng là Hegel đã từng có tuyên ngôn nổi tiếng “cái gì tồn tại thì hợp lý, cái gì hợp lý thì tồn tại”. Có thể CNXH hiện thời chưa phù hợp với quốc gia này, quốc gia kia, nhưng đối với Việt Nam, từ trong lịch sử và hiện đại thì đây là con đường phù hợp với đất nước, dân tộc Việt Nam.

Từ khi tiếp thu chủ nghĩa Marx-Lenin và truyền vào Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn sự khủng hoảng về đường lối cứu nước trước đó. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập, đấu tranh thống nhất đất nước và đã thu được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước.

Từ một quốc gia không có tên trên bản đồ thế giới, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Trong đó, “có 3 nước có “quan hệ đặc biệt”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện (6)”. Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với “247 chính đảng ở 111 quốc gia, bao gồm khoảng 90 đảng cộng sản và công nhân quốc tế, các đảng cầm quyền và tham chính quan trọng (7)”.

Kể từ khi trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc năm 1977 đến nay, Việt Nam đã 2 lần được bầu là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu bầu rất cao. Việt Nam là thành viên sáng lập và tham gia nhiều diễn đàn quan trọng của thế giới, đặc biệt, ngày 11.10.2022 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, trong đó có Việt Nam.

Từ một đất nước nghèo đói, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động, phát triển của thế giới. Những thành tựu về xoá đói, giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Vị thế, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng có ảnh hưởng và được lắng nghe. Việt Nam đã trở thành một trong những địa điểm được lựa chọn để tổ chức các sự kiện lớn của thế giới.

Đặc biệt năm 2019, Việt Nam đã được chọn là địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2, điều này khẳng định với quốc tế rằng đất nước Việt Nam là một quốc gia an toàn, an ninh…

Từ thực tiễn của các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, từ thành tựu phát triển đất nước, nhất là sau 35 năm đổi mới, tác giả đã dẫn lại một nhận định đã được Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định, đó là “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay (8)”.

Việc Việt Nam lựa chọn con đường CNXH không chỉ là sự lựa chọn của lịch sử mà còn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và thực tiễn Việt Nam. Vậy nên, trong tác phẩm của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: “CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam (9)”.

Vũ Trung Kiên

(còn tiếp)

(1) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 18

(2) Xem: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/bai-viet-cua-dong-chi-nguyen-phu-trong-tren-tap-chi-cong-san-nam-1992-vi-sao-dang-cong-san-lien-xo-tan-ra-675774

(3) A. Dinôviép - Người vĩ đại của thế kỷ XX: Thông tin những vấn đề lý luận, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, số 9 (5-2004)

(4) Tạp chí Cộng sản, số 9, 5-1996, tr. 31

(5) Báo Tuổi trẻ ngày 07-11-2007

(6) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 184-185

(7) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 185

(8) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 34, tr. 187, tr. 221

(9) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 22

Tin cùng chuyên mục