Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mới đây, UBND tỉnh quyết định phê duyệt hỗ trợ hằng tháng cho 2.556 bác sĩ, công chức, viên chức y tế đang làm việc trong khu vực công lập do Sở Y tế quản lý theo Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành Y tế tỉnh nhà, góp phần “giữ chân” nhân viên y tế tại hệ thống y tế công lập trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, để giải quyết thực trạng “khát nguồn”, không riêng ngành Y tế, cần có sự đồng hành của cả hệ thống chính trị với những quyết sách đúng, nhất quán, kịp thời.
Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 47 tại TTYT huyện Tân Châu
Chính sách thiết thực, kịp thời
Theo ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế, trong 2.556 trường hợp, có 535 đối tượng là bác sĩ phục vụ, công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện và trạm y tế xã, phường, thị trấn; 17 bác sĩ, dược sĩ là công chức đang công tác tại sở, các chi cục trực thuộc Sở và 2.004 viên chức và người được ký hợp đồng lao động theo quy định pháp luật. “Những trường hợp này phải thường xuyên, trực tiếp làm công việc về chuyên môn y tế, điều kiện, môi trường làm việc có tiếp xúc với người bệnh tính đến ngày 31.8.2023.
Phương thức chi trả căn cứ theo thời gian làm việc thực tế của từng người, bình quân từ 3 triệu đồng - 4 triệu đồng/tháng. Sở Y tế sẽ tiếp tục rà soát bổ sung danh sách đợt 2 để làm căn cứ cho việc thực hiện chính sách này cho nhân viên y tế trong thời gian sớm nhất theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Tuy nhiên, các đơn vị sự nghiệp công lập đang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, với nguồn thu từ khám, chữa bệnh không đủ để bảo đảm thực hiện theo Nghị quyết 47 ban hành”- Giám đốc Sở Y tế cho biết.
Thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh có 7 đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên, 10 đơn vị tự bảo đảm một phần và 1 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Thực tế hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập “thu không đủ bù chi” thì nguồn đâu để chi hỗ trợ hằng tháng cho đối tượng thụ hưởng? Vấn đề này, ngành Y tế đã đề xuất bố trí toàn bộ kinh phí từ ngân sách Nhà nước để ngành triển khai thực chế độ hỗ trợ vào nội dung Nghị quyết; và đã được Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh thẩm tra, thống nhất trình kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh sắp tới. Đây là một trong những quyết sách nhất quán, kịp thời để giải quyết thực trạng “khát” nguồn nhân lực ngành Y tế hiện nay.
Xác định nhân lực là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ của người dân, ngoài Nghị quyết 47, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, các nghị quyết hỗ trợ, thu hút đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao nhằm bổ sung, khắc phục kịp thời tình trạng thiếu bác sĩ tại các cơ sở y tế.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cho biết: “Nghị quyết 47 đã quy định đầy đủ các đối tượng thụ hưởng, việc bổ sung nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ hằng tháng cho bác sĩ, nhân viên y tế trong hệ thống công lập đã được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh nhất trí cao.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo các Ban tính toán, rà soát tổng thể ngân sách phù hợp để triển khai thực hiện. Khi nghị quyết bổ sung, sửa đổi có hiệu lực, các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ không cảm thấy nặng nề, ngành Y tế cảm thấy không khó khăn, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế được động viên, nguồn thu nhập được bảo đảm. Dù không thể sớm hơn, nhưng cũng kịp thời bảo đảm nguồn thu nhập cho nhân viên ngành Y tế”.
Tầm nhìn dài hạn
Thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, ngành Y tế không ngừng tuyển dụng bác sĩ về công tác tại tỉnh, đồng thời tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế, nhất là đội ngũ bác sĩ, dược sĩ.
Hai năm 2022-2023, tỉnh phối hợp các đơn vị đào tạo 66 bác sĩ chính quy theo địa chỉ sử dụng và 38 bác sĩ được đào tạo các năm trước chuẩn bị về địa phương công tác. Ngành Y tế đề xuất cử 5 bác sĩ chính quy đào tạo theo địa chỉ và 71 bác sĩ đào tạo sau đại học, gồm 1 chuyên khoa II và 70 chuyên khoa I.
Theo ông Trương Văn Hùng, số lượng bác sĩ sau khi cử đi đào tạo về tiếp nhận bố trí công tác, ngành tập trung ưu tiên cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đồng thời, bố trí một số bác sĩ chính quy đào tạo theo địa chỉ về công tác tại các trung tâm y tế tuyến cấp huyện để bổ sung kịp thời nguồn nhân lực đang mất cân đối hiện tại.
Song song đó, UBND tỉnh ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao trong khu vực công, nhất là ngành Y tế. Tính từ đầu năm 2023, tỉnh đã thu hút được 59 trường hợp, trong đó có 21 bác sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa ngành y và sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học loại giỏi, trình độ thạc sĩ về công tác tại tỉnh.
Mới đây, Sở Y tế trình UBND tỉnh Đề án “Củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống y tế công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn đến 2030, định hướng đến 2050”, mục tiêu của đề án bao gồm phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống y tế; giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng dân số, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng cao của người dân.
Bảo đảm điều kiện cần và đủ
Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đầy đủ, mỗi bệnh viện, cơ sở y tế cấp huyện, cấp xã cần tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, thu nhập tương xứng để mỗi người làm nghề y cảm nhận có cơ hội phát triển, được bố trí, phân công công việc phù hợp với năng lực, sở trường mà gắn bó lâu dài.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định giải pháp “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá... Đổi mới, nâng cao hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút nhân tài đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp”, mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển khá của vùng Đông Nam bộ và cả nước”.
Trước thực tế đòi hỏi bác sĩ, cán bộ y tế phải không ngừng nâng cao chuyên môn, bổ sung những năng lực về kỹ thuật và công nghệ mới, bên cạnh những chính sách, chủ trương, đề án thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, không riêng ngành Y tế, các ngành, các cấp cần có sự đồng hành, nhất quán, bảo đảm các điều kiện “cần và đủ” mới có thể giữ chân bác sĩ có tay nghề cao, đủ để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân trong thời kỳ mới.
Tâm Giang - Ngọc Bích