Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hàng trăm năm trước, sông Vàm Cỏ Đông là thủy lộ chính của những lưu dân người Việt lên khai khẩn đất đai và giữ gìn bờ cõi. Ngày nay, với lợi thế giao thông đường thủy, hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông đã xây dựng nhiều bến cảng, góp phần phát triển kinh tế Tây Ninh.
Sông Vàm Cỏ Đông thuận tiện cho giao thông đường thủy, nhờ vậy có nhiều bến cảng quy mô lớn và bến thủy nội địa nhỏ lẻ được xây dựng
Nhiều bến cảng quy mô lớn
Sông Vàm Cỏ Đông gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Tây Ninh. Theo sách "Tây Ninh xưa" của Huỳnh Minh, sau Hiệp ước 1862 với triều đình vua Tự Đức, giặc Pháp đánh chiếm Tây Ninh, khi di chuyển quân lương theo sông Vàm Cỏ Đông, tới một bến sông có vị trí thuận lợi cho việc tập kết hàng hóa (thuộc xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành ngày nay) thì chúng dừng lại, chuyển súng đạn, hàng hóa lên bờ sông. Sau đó, quân Pháp thuê dân dùng xe trâu, xe bò kéo về đồn ở thị xã Tây Ninh (nay là TP. Tây Ninh). Từ đó, nơi quân Pháp tập kết hàng hóa hình thành địa danh Bến Kéo.
Từ năm 1925, Bến Kéo được xem như cảng đường sông đầu tiên của Tây Ninh. Mỗi tuần, ở giang cảng này có một chuyến tàu của Pháp chở rượu, đồ hộp từ Sài Gòn về Tây Ninh. Sau đó, quân Pháp chuyên chở heo, gà, trâu bò và nông sản Tây Ninh về lại Sài Gòn. Trong những năm Mỹ chiếm đóng Tây Ninh, Bến Kéo cũng trở thành cảng quân sự quan trọng của Mỹ.
Ngày nay, cảng Kến Kéo vẫn giữ vị trí quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Tây Ninh. Khu vực cảng Bến Kéo ngày xưa, nay được Công ty Cổ phần Khai thác và Quản lý Khu công nghiệp Đặng Huỳnh đầu tư xây dựng với quy mô lớn. Cảng có chiều dài 145m, rộng 30m, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 1,2 ngàn tấn. Cảng có hệ thống kho bãi để chứa hàng hoặc cho thuê, có hệ thống xếp dỡ hàng hóa cơ giới hiện đại. Hiện nay, công suất bốc dỡ vận chuyển trung bình của cảng là khoảng 20 ngàn tấn mỗi tháng, chủ yếu là các mặt hàng nông sản của Tây Ninh.
Bên cạnh thế mạnh vận chuyển hàng hóa theo đường sông, cảng Bến Kéo tọa lạc gần quốc lộ 22B nên rất thuận lợi cho việc kết nối với các cảng quốc tế của TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Theo công ty đầu tư và khai thác cảng này cho biết, thời gian sắp tới, cảng Bến Kéo sẽ nâng mức tiếp nhận tàu lên đến 2 ngàn tấn và sẽ trở thành một cảng trung chuyển hàng hóa quy mô lớn của Tây Ninh.
Vận chuyển xi măng tại Cảng Fico
Cùng với đà phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, những thập niên gần đây, dọc hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông còn có thêm một số cảng khác được đầu tư xâu dựng. Cách Cảng Bến Kéo khoảng 400m về hướng hạ lưu là Cảng Fico. Cảng này được khởi công xây dựng từ năm 2008, phục vụ cho việc để trung chuyển các nguyên liệu clanke, thạch cao, xi măng Fico và các hàng hóa khác từ các cảng ở TP. Hồ Chí Minh lên Tây Ninh và ngược lại. Cảng Fico có chiều dài khoảng 650m, có khả năng tiếp nhận xà lan 1 ngàn tấn. Hơn 20 năm qua, Cảng này luôn nhộn nhịp bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa, góp phần khai thác tốt tiềm năng vận tải đường thủy và phát triển công nghiệp Tây Ninh.
Xuôi dòng sông Vàm Cỏ Đông về phía hạ lưu còn có cảng Thanh Phước, thuộc địa bàn ấp Trâm Vàng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu. Cảng rộng 38,6ha, được xây dựng trên một cánh đồng tiếp giáp với sông Vàm Cỏ Đông. Cảng được thành lập vào năm 2013, tổng vốn đầu tư 35 triệu USD với các cổ đông là Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) và Công ty CJ Korea Express (thuộc Tập đoàn CJ của Hàn Quốc). Thế mạnh của Cảng Thanh Phước là tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc, bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao (dịch vụ logistics).
Hiện tại, Cảng Thanh Phước có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 2,5 ngàn tấn và có khả năng bốc xếp cơ giới các nguyên vật liệu xây dựng như than đá, xi măng, đá, vận chuyển các container hàng hóa của Khu công nghiệp Phước Đông đến các cảng quốc tế và ngược lại. Thời gian qua, Cảng Thanh Phước logistic đã tổ chức vận chuyển và bốc xếp nhiều lô hàng siêu trường, siêu trọng cho các đối tác về các khu công nghiệp Phước Đông, Trảng Bàng, Thành Thành Công...
Cảng Bến Kéo ngày nay được xây dựng với quy mô lớn
Giám đốc một doanh nghiệp ở Tây Ninh cho biết, những năm qua, công ty vận chuyển hàng hóa từ Tây Ninh về TP. Hồ Chí Minh và ngược lại chủ yếu bằng đường thủy. Thực tế cho thấy chi phí vận chuyển bằng đường thủy thấp, bằng 1/3 so với vận chuyển hàng hóa đường bộ. Bên cạnh đó, giao thông đường thủy tránh phụ thuộc vào các quy định về giao thông đường bộ hiện đang khá phức tạp. Quan trọng hơn là đường thủy có thể chở được những loại hàng siêu trường, siêu trọng thuận lợi, an toàn hơn so với đường bộ.
Các bến thủy nội địa nhỏ lẻ giúp người dân vận chuyển hàng hóa trong tỉnh
Chuẩn bị có thêm cảng mới
Ngoài những cảng nêu trên, hiện nay, Khu công nghiệp Thành Thành Công đang triển khai thi công một bến cảng thủy nội địa với công suất lớn, để vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh của các nhà máy trong khu công nghiệp. Cảng Thành Thành Công được xây dựng bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, với diện tích hơn 20ha, thuộc địa phận phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng. Khi hoàn thành, cảng có khả năng đón nhận số lượng lớn hàng hoá và có thể phục vụ nhiều loại hàng hóa khác nhau. Quy mô cầu cảng tiếp nhận tàu trọng tải 1 ngàn tấn, sà lan trọng tải đến 2 ngàn tấn và sà lan tự hành chở container tải trọng lớn.
Cảng Thành Thành Công với quy mô lớn đang được xây dựng bên bờ sông Vàm Cỏ Đông
Cảng có bến bãi neo đậu tàu thuyền, bãi đậu xe, bãi trung chuyển hàng hóa và các kho chứa hàng rộng rãi, hiện đại. Từ cảng này, hàng hóa sẽ được vận chuyển bằng đường thủy đến các cảng quốc tế và ngược lại. Sau khi cảng hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ giúp cho việc xuất, nhập khẩu hàng hóa của các nhà máy thuộc Khu công nghiệp Thành Thành Công thuận tiện, hiệu quả hơn.
Ngoài ba bến cảng chính phục vụ vận tải hàng hóa là Bến Kéo, Fico và Thanh Phước, hiện nay dọc sông Vàm Cỏ Đông còn có 123 bến thủy nội địa nhỏ lẻ. Những bến thủy nhỏ chủ yếu vận chuyển hàng nông sản, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng trong nội địa và đi, về các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Đến nay, tiềm năng của thủy lộ sông Vàm Cỏ Đông vẫn chưa khai thác hết công suất. Hằng ngày, mặt sông còn khá thưa thớt tàu bè lưu thông và chỉ vận chuyển số lượng hàng hóa ở mức 3% so với vận tải đường bộ.
Cảng Thanh Phước luôn hoạt động nhộn nhịp
Theo một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của giao thông đường thủy, trong tương lai, Tây Ninh cần đầu tư phát triển nhiều hơn nữa cảng sông, phát triển công nghiệp đóng, sửa chữa phương tiện đường thủy, giải quyết triệt để nạn lục bình gây tắc nghẽn giao thông trong nhiều năm qua. Đồng thời, tỉnh ta cần có chính sách ưu tiên ban đầu cho một số cảng, để chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường thủy, tăng dần tỷ lệ vận chuyển hàng hóa đường thủy từ 3% hiện nay lên 20% đến năm 2030.
Từ con sông của thời mang gươm mở cõi, Vàm Cỏ Đông đang dần dần trở thành một trong những huyết mạch vận chuyển của nền công, nông nghiệp Tây Ninh. Sẽ là lãng phí khi không tận dụng thủy lộ sông Vàm Cỏ Đôngcho những mục tiêu phát triển kinh tế và đời sống của người dân Tây Ninh.
Đại Dương