Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm 74 năm truyền thống Báo Tây Ninh 1946-2020: Những thế hệ đầu tiên
Thứ bảy: 00:45 ngày 03/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Là một trong những tờ báo Ðảng bộ tỉnh xuất hiện khá sớm ở miền Nam từ năm đầu kháng chiến chống Pháp, vào khoảng tháng 10 năm 1946, Báo Tây Ninh ngày nay có bề dày truyền thống báo chí cách mạng gần ba phần tư thế kỷ. Cho đến nay, tờ báo được ghi trên măng-sét của mình dòng chữ đáng tự hào “Năm thứ 74”.

Phóng viên Báo Tây Ninh trong kháng chiến.

Là một trong những tờ báo Ðảng bộ tỉnh xuất hiện khá sớm ở miền Nam từ năm đầu kháng chiến chống Pháp, vào khoảng tháng 10 năm 1946, Báo Tây Ninh ngày nay có bề dày truyền thống báo chí cách mạng gần ba phần tư thế kỷ. Cho đến nay, tờ báo được ghi trên măng-sét của mình dòng chữ đáng tự hào “Năm thứ 74”.

Trong chuỗi dài xuất bản gần như liên tục, các tờ báo lần lượt mang tên Báo Dân Quyền- thời chống Pháp, Báo Giải Phóng- thời chống Mỹ, rồi Báo Tây Ninh từ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng 30.4.1975 cho đến nay. 74 năm, tờ báo Ðảng bộ tỉnh nhà đã có 4 thế hệ làm báo tương ứng với 4 giai đoạn: kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, thời bảo vệ - xây dựng đất nước và thời kỳ đổi mới, phát triển hiện nay.

Trong tiến trình đó, thực tiễn hoạt động tác nghiệp của các thế hệ làm báo cho thấy, những người làm báo thời bình hiện nay đã “tự mình chọn nghề”, còn các thế hệ đầu tiên thời kháng chiến là “nghề đã chọn mình”. Bởi lẽ, khi thoát ly gia đình đi theo tiếng gọi của non sông, những người kháng chiến đều nghĩ mình sẽ cầm súng chiến đấu với quân thù, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, không ai nghĩ khi ra đến chiến khu sẽ được tổ chức phân công cầm viết. Tất nhiên, họ vẫn không rời tay súng.

Lần giở lại trang lịch sử báo chí cách mạng tỉnh nhà, hình ảnh thật gian khổ mà hết sức vinh quang lại hiển hiện trước mắt chúng ta. Năm đầu kháng chiến, sau khi thực dân Pháp tái chiếm Tây Ninh, tháng 11.1945, đồng chí Nguyễn Ðức Thuận từ Xứ uỷ Nam Bộ triệu tập hội nghị đảng viên thành lập Tỉnh uỷ lâm thời.

Bước sang đầu năm 1946, Tỉnh uỷ thành lập Ban Tuyên truyền tỉnh do đồng chí Lê Ðình Nhơn làm Trưởng ban. Trong Ban Tuyên truyền còn có đồng chí Dương Minh Châu (là một vị trí thức yêu nước người Tây Ninh, hành nghề luật sư trong chế độ Pháp thuộc tại thành phố Phnom Penh, Campuchia, hưởng ứng tiếng gọi non sông trở về quê hương tham gia kháng chiến.

Sau một thời gian công tác tại Ban Tuyên truyền, đồng chí được phân công làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến của tỉnh). Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ lúc bấy giờ nhận thấy rằng, bện cạnh hoạt động vũ trang đánh địch chống càn quét, cần phải đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền phục vụ kháng chiến, và muốn cho hoạt động này đạt hiệu quả cao phải có phương tiện truyền thông, công cụ tuyên truyền rất đắc lực là tờ báo.

Vì vậy, Ban Tuyên truyền đã quyết định cho ra đời tờ Tin Tức, dạng bản tin nội bộ được in bằng đất sét, số đầu tiên ra mắt vào khoảng giữa năm 1946. Ðây là sự kiện đánh dấu sự hình thành của nền báo chí cách mạng tỉnh nhà. Nội dung chủ yếu của tờ Tin Tức là phổ biến tin tức chiến sự, đường lối kháng chiến, kêu gọi nhân dân ủng hộ kháng chiến và thực hiện khẩu hiệu “vườn không nhà trống” để tỏ thái độ bất hợp tác với giặc.

Ðặc biệt, cùng với việc xuất bản tờ Tin Tức phát hành ra tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, Tỉnh uỷ còn chỉ đạo Ban Tuyên truyền thực hiện bản tin Kiểm Thảo, là phương tiện phục vụ sinh hoạt Ðảng, lưu hành nội bộ Ðảng. Ðây chính là yếu tố quan trọng về mặt lý luận nghiệp vụ để vận dụng xây dựng và phát triển tờ báo Ðảng bộ tỉnh với tôn chỉ, mục đích xác định rõ ràng cho đến ngày nay.

Ấn phẩm đầu tiên của tỉnh, tờ Tin Tức ra mỗi tháng một kỳ, số lượng in mỗi kỳ khoảng 50 bản, đến tháng 10.1946 được đổi tên thành Báo Dân Quyền. Gọi là ấn phẩm báo chí, thực ra tờ báo chỉ được in thô sơ bằng kỹ thuật in trên khuôn đất sét.

Trong một cuộc hội thảo lịch sử báo chí do Báo Tây Ninh tổ chức trước năm 2000, đồng chí Nguyễn Tấn, thường được gọi là ông Năm Choàng, người làm báo Dân Quyền duy nhất còn sống đến ngày nay, nhớ lại: “Lúc đầu, khi đồng chí Lê Ðình Nhơn, thực hiện chủ trương làm báo của Tỉnh uỷ, quyết định ra tờ Tin Tức, trong Ban Tuyên truyền có người biết cách in xu xoa bằng rau câu (một loại rong biển).

Ông Trưởng Ban liền cho người từ căn cứ Cây Chò, Ninh Ðiền đột nhập vào thị xã Tây Ninh mua rau câu, mực polycopie, ngòi viết, giấy manh về in thử. Tuy nhiên việc in xu xoa rất phức tạp, rau câu nấu lên đổ khuôn in lúc được lúc không, mỗi lần in cũng không được nhiều bản.

Ông Mười Thanh (đồng chí Huỳnh Văn Thanh, người lãnh đạo cuộc mít-tinh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám tại Tây Ninh) nhớ lại, khi ông còn làm Báo Dân Quyền ở Sài Gòn, có nghe nói in bằng khuôn đất sét trắng tốt hơn in xu xoa, tôi (Năm Choàng) cùng với anh Năm Thệ liền lội dọc suối Cây Chò tìm đất sét trắng (đất khoáng có tên khoa học là Kaolin) đem về nhồi thành khuôn, viết vài dòng chữ ngược tin thử, không ngờ in đẹp mà lại được nhiều bản hơn in xu xoa. Thế là việc ấn loát được giải quyết tốt, lãnh đạo Ban Tuyên truyền quyết định nâng tờ Tin Tức lên thành Báo Dân Quyền”.

Ông Năm Choàng phát biểu tại Hội nghị sơ thảo truyền thống Báo Tây Ninh năm 2010. Ảnh: Ð.H.T

Cùng với việc phát hành Báo Dân Quyền trong vùng căn cứ kháng chiến, các đồng chí trong Ban Tuyên truyền còn tìm cách đưa báo ra vùng tạm chiếm. Ðồng chí Dương Minh Châu giao cho bà Việt Nữ, một người cháu của ông, là cơ sở hậu cần tiếp tế cho Ban Tuyên truyền, tìm cách móc nối với ông Phan Văn (tên thật là Phan Minh Chọn) là cơ sở cách mạng đang làm việc trong xưởng in Sở Trường Tiền của Pháp tại Tây Ninh.

Hai tờ Dân Quyền số 1 và số 2 in bằng đất sét được chuyển đến cho ông Phan Văn. Ông đem 2 tờ báo về Sở in lại bằng sương sa và bí mật phổ biến trong tổ chức Nam Thanh đoàn của tầng lớp trí thức, học sinh tiểu tư sản thành thị.

Những cây bút đầu tiên tham gia viết báo là các đồng chí Lê Ðình Nhơn, Dương Minh Châu, Trương Văn Uyển, Lê Sơn Ðảnh… Sau đó có thêm các đồng chí Trần Văn Bảy (Vân An), Quách Tỷ từ Trảng Bàng chuyển lên, Phan Minh Chọn (Phan Văn), Võ Trí Dũng từ Thị xã ra chiến khu…

Phụ trách trình bày, ấn loát là các đồng chí Nguyễn Văn Thệ, Hoàng Hiệp, Nguyễn Tấn (Năm Choàng). Tờ Tin Tức mỗi kỳ xuất bản được khoảng 40 bản, tờ Dân Quyền đầu tiên tăng lên được 100 bản. Về sau theo sự phát triển lớn mạnh của kháng chiến và có công nghệ in Typo (do các cán bộ phụ trách ấn loát đi học nghề in từ Nhà in Lý Chính Thắng ở Liên hiệp Nghiệp đoàn trú đóng ở An Phú Ðông, Gia Ðịnh đem thiết bị in chữ chì về), tờ Dân Quyền được in đến hàng trăm, hàng ngàn bản, in được cả báo xuân 1947 dày 8 trang, bìa tô màu… thủ công đàng hoàng.

Theo hồi ức của các nhân chứng lịch sử Nguyễn Văn Hải (Bảy Hải, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ giai đoạn 1967-1976), Phan Văn, Nguyễn Tấn (Năm Choàng), Võ Trí Dũng tại các cuộc hội thảo biên soạn tập Sơ thảo Truyền thống báo chí cách mạng Tây Ninh trước đây: Nội dung Báo Dân Quyền các số đầu tiên có bài xã luận giải thích Dân Quyền là gì? Và nêu rõ mục đích tôn chỉ của tờ báo; đề cao thành tích trận đầu đánh Pháp ở Thanh Ðiền, Châu Thành của bộ đội Tư Ðẩu; đề cao hoạt động Hội thề Thanh niên cách mạng Rừng Rong (An Tịnh- Trảng Bàng), kêu gọi thanh niên hãy làm theo thanh niên Rừng Rong; đề cao chiến công của lực lượng vũ trang Tây Ninh, của bộ đội Năm Bằng… vận động thanh niên vào bộ đội tham gia kháng chiến.

Tác dụng của báo rất mạnh mẽ, thanh niên các xã Thái Bình, Thanh Ðiền thuộc huyện Châu Thành tình nguyện vào bộ đội rất đông, đây là lực lượng nòng cốt bổ sung xây dựng Chi đội 11, sau là Trung đoàn 311 của tỉnh; nhân dân trong vùng kháng chiến phấn khởi, tin tưởng vào lãnh đạo của Ðảng sự nghiệp kháng chiến nhất định thắng lợi. Còn ở vùng tạm chiếm, tổ chức Nam Thanh đoàn (là lực lượng thanh niên trí thức, học sinh, công chức, tư chức ở Thị xã) tích cực vận động quyên góp ủng hộ cách mạng.

Cuối năm 1947, sau gần hai năm tiến hành kháng chiến, lực lượng của ta dần dần được củng cố và phát triển. Tỉnh uỷ xây dựng căn cứ Trà Vong, các cơ quan Dân Chính Ðảng đều tập trung về đây. Lực lượng vũ trang của tỉnh không ngừng lớn mạnh đủ sức đánh bật những đợt hành quân càn quét của thực dân Pháp vào vùng kháng chiến.

Lúc này, Bộ Thông tin tuyên truyền Nam bộ chỉ đạo Ban Tuyên truyền tỉnh thành lập Ty Thông tin tuyên truyền Tây Ninh (Ban Tuyên truyền trước đây trực thuộc Tỉnh uỷ, nay Ty Thông tin tuyên truyền trực thuộc chính quyền cách mạng) do đồng chí Lê Ðình Nhơn làm Trưởng ty. Ty thành lập Phòng Thông tin - tuyên truyền - văn nghệ do đồng chí Phó trưởng Ty Trần Văn Bảy phụ trách, đồng thời trực tiếp phụ trách Ban biên tập Báo Dân Quyền.

Trong Ban biên tập có đồng chí Võ Sáng là Phó ban, cùng các cán bộ Hồng Vạn Lý (bút danh Tía Lý Thâm, anh ruột của đồng chí Hồng Minh Phương, nguyên Trưởng Ban Tài chính Tỉnh uỷ), Phan Văn (sau là Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh) phụ trách điêu khắc, hội hoạ, Năm Choàng phụ trách ấn loát...

Các “phóng viên” của Báo cũng là cán bộ hai Ðội Tuyên truyền lưu động của tỉnh, Ðội 1 phụ trách địa bàn huyện Trảng Bàng có các anh Hùng Râu, Liên, Oánh, Xuân Sắc…; Ðội 2 phụ trách địa bàn huyện Châu Thành (trước năm 1954, tỉnh Tây Ninh chỉ có 2 huyện Trảng Bàng và Châu Thành) có các anh Trần Xuân Quyên, thầy giáo Có, Trận Thượng… Anh em hai đội đi địa bàn vừa làm công tác tuyên truyền vận động kháng chiến, vừa viết tin, bài cho Báo Dân Quyền.

Máy in Báo Tây Ninh thời kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu P.TK

Ðiều đặc biệt nhất của đội ngũ Báo Dân Quyền, thế hệ làm báo đầu tiên của tỉnh là đều rất trẻ và không ai được qua trường lớp đào tạo nghiệp vụ nào cả. Lãnh đạo Báo là ông Lê Ðình Nhơn mới 23 tuổi, ông Trần Vạn An mới 21 tuổi, những người khác đều ở tuổi trên dưới 20, trẻ nhất là ông Năm Choàng, lúc ấy mới 17 tuổi.

Không phải họ “xếp bút nghiên lên đường ra trận” mà ra tới chiến khu rồi mới cầm bút, làm việc dưới làn bom đạn trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Thế mà nghiệp dĩ và cái tâm làm báo cách mạng đã vận vào họ đến trọn cuộc đời, như nhà báo Nguyễn Ðức Tâm, nguyên Tổng Biên tập Báo Tây Ninh, một trong những người đầu tiên làm Báo Giải Phóng thời chống Mỹ ở Tây Ninh suốt từ năm 1960 đến khi từ giã cuộc đời năm 2006 khi là Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, đã kể: “Hồi đó khi từ nhà ở An Hoà, Trảng Bàng, thoát ly ra chiến khu Bời Lời, trong thời gian chờ đợi gặp lãnh đạo, cái đầu tiên tôi nhìn thấy trên bàn làm việc bằng cây săng của ông Tư Văn là tờ báo Ðảng của tỉnh. Vì vậy mà...”.

Ký sự của NGUYỄN TẤN HÙNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục