Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vâng, làm báo thời nay khó lắm, không chỉ đòi hỏi người làm báo phải có đủ các thứ vốn chính trị, vốn văn hoá, vốn kiến thức… “trên giấy tờ”, mà cần phải có “vốn sống, vốn thực tế” với sự trải nghiệm cuộc sống càng nhiều càng tốt.
Phóng viên các cơ quan báo, đài tác nghiệp tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XII. Ảnh: Ð.H.T
Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Câu này hiện nay gần như đã trở thành câu nói cửa miệng của mọi người, mặc dù không phải ai cũng có thể giải thích nó một cách tường tận. Có điều, lời giải thích cho “cái 4.0” đó không ở đâu xa mà đang nằm gọn trên bàn tay của mỗi người: cái smartphone- điện thoại di động thông minh.
Chỉ cần gõ cụm từ 4.0 “khó hiểu” ấy trong ứng dụng tìm kiếm Google sẽ có ngay 1,1 tỷ kết quả bài viết về cuộc “đại cách mạng” đang tác động trực tiếp từ khắp thế giới đến từng nhà, từng người trên hành tinh này.
Riêng với nghề làm báo, cách mạng 4.0 phát triển từ cách mạng 3.0, mà nền tảng là các hệ thống công nghệ thông tin và điện tử với những ứng dụng của nó tác động đến các cơ quan truyền thông (báo in, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình) khá lâu rồi. Vì vậy, những người làm nghề báo ít bỡ ngỡ và nhanh chóng thích nghi với “môi trường 4.0” hiện nay.
Không nói đâu xa, nếu phải nhìn lại hoạt động báo chí ở tỉnh ta vào khoảng 30 năm về trước và đối chiếu với tác nghiệp làm báo hiện giờ sẽ thấy đó là cả một sự “lột xác” đáng kinh ngạc. Ðiều đáng nói hơn, sự “lột xác” ấy không chỉ ở bề ngoài với những phương tiện tác nghiệp hiện đại hoá như các laptop, máy ảnh kỹ thuật số, smartphone… thay cho cây viết, quyển sổ, máy ảnh quang cơ cổ lỗ sĩ, cái máy ghi âm chạy băng từ cồng kềnh…
Người làm báo thời nay còn buộc phải “lột xác” về tinh thần, từ trình độ văn hoá, khoa học, nhận thức chính trị, pháp luật đến “cái tâm”, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân mới có thể tồn tại, “trụ vững” và phát triển được trong nghề.
Nói như thế có phải là “cường điệu”, là “nói cho quá” chăng? Xin thưa, đó là đòi hỏi thực tế “sống chết” đối với mỗi phóng viên, biên tập viên báo chí hiện nay. Không kể đến điều kiện “mặc định” là phóng viên phải thực sự làm chủ các phương tiện tác nghiệp hiện đại, sử dụng thành thạo các máy móc ứng dụng tin học, điện tử, người làm báo thời 4.0 phải cập nhật, nâng cao trình độ, kiến thức một cách toàn diện mới có thể nhìn rõ, hiểu rõ bản chất của sự kiện báo chí và diễn đạt nó trong tác phẩm báo chí của mình một cách chính xác, trung thực nhất.
Trước hết, nếu không có trình độ chính trị vững vàng, quan điểm chính trị đúng đắn, người làm báo có khi “liêu xiêu”, rất dễ “sụp đổ” ngay trong cơn bão thông tin với liên tục những làn sóng ồ ạt “loạn xạ” trên mạng xã hội, mà điển hình là tình trạng nhiễu loạn, gây rối do bọn phản động kích động tạo ra khi Quốc hội nước ta thảo luận dự án Luật Ðặc khu kinh tế, thông qua Luật An ninh mạng tại kỳ họp thứ 5 vừa bế mạc cách nay chưa lâu.
Tuy rằng tình hình vừa qua tác động đến tỉnh ta không nhiều, nhưng rõ ràng không phải là không có sự kích động công nhân bỏ việc, kéo ra đường cản trở giao thông ở một khu công nghiệp trong tỉnh. Ðó là ví dụ về một vài sự việc trước mắt đòi hỏi sự tỉnh táo, sáng suốt và “vốn” chính trị sâu sắc, đầy đủ của người làm báo thời 4.0 - thời mà kẻ thù luôn tận dụng ứng dụng của nó là truyền thông xã hội kết nối toàn cầu để chống phá đất nước ta, hòng lật đổ chế độ.
Ðồng thời với việc tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ quần chúng hưởng ứng thực hiện phát triển kinh tế, ổn định xã hội đúng định hướng chính trị của Ðảng, người làm báo không thể không tự nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật để vận dụng trong việc sáng tạo tác phẩm báo chí của mình.
Và quan trọng hơn là việc bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình “sống vững” trong đời sống xã hội vốn còn không ít hiện tượng tiêu cực và vấn nạn tham nhũng phức tạp như “củi khô, củi tươi” đang từng bước bị lôi ra và cho vào lò đã được đun nóng.
Thiếu kiến thức pháp luật, người viết báo sẽ “đi lạc” ngay trong cái “mê hồn trận” do… chính mình bày ra. Ðất nước ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều “thượng tôn pháp luật”, đây đó vẫn còn không ít những kẻ lợi dụng kẽ hở pháp luật để mưu cầu lợi ích riêng tư, đi ngược lại lợi ích chung của toàn dân tộc.
Thực tế cho thấy, không ít những đối tượng “sống ngoài pháp luật”, “sống trên pháp luật” đã bị báo chí đưa ra ánh sáng. Và bây giờ, trong thời đại 4.0, thẳng thắn mà nói, truyền thông xã hội cũng góp phần không nhỏ trong việc vạch mặt, chỉ tên những kẻ muốn “một tay che trời” vi phạm pháp luật.
Trong bối cảnh đó, người viết báo “lờ mờ, tù mù” về pháp luật, về khía cạnh pháp luật ở ngay trong đề tài mình đang khai thác thì sẽ không phải chờ đợi lâu, phản ứng tức thì của dư luận xã hội sẽ chỉ ra ngay chỗ sai sót- có khi không đáng có của người cầm bút (nói chính xác hơn, người gõ bàn phím vi tính), đưa cái sai ấy lên phương tiện truyền thông.
Chuyện này có lẽ không cần phải nêu dẫn chứng, mỗi người làm báo chúng ta chắc chắn không có ai dám nói mình chưa hề va vấp trong quá trình tác nghiệp.
Chính vì thấy được yêu cầu bức thiết, “sống còn” của việc nâng cao trình độ chính trị, pháp luật ấy mà cơ quan chủ quản đã chấp thuận và tạo điều kiện cho Báo Tây Ninh đưa hàng loạt cán bộ trưởng, phó phòng, phóng viên, biên tập viên đi học các lớp cao cấp chính trị, đại học báo chí; đồng thời những người làm báo (kể cả kỹ thuật viên, nhân viên toà soạn) còn tự đào tạo bằng cách theo đuổi các lớp đại học luật (có cả lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư, dù rằng họ không hề có ý định thôi làm báo để hành nghề luật sư).
Bên cạnh “cái lõi” chính trị, pháp luật, phóng viên báo chí, nhất là báo chí chính thống có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền toàn diện về kinh tế - xã hội của địa phương, nhất thiết phải tự trang bị, cập nhật trình độ, kiến thức chuyên môn mới có thể làm tốt nhiệm vụ của mình trong thời đại 4.0.
Chẳng hạn như phóng viên không thể làm tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện các chương trình đột phá phát triển kinh tế của tỉnh nếu như không hiểu tường tận về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế như VietGAP, GlobalGAP, Organic.
Những cái này là gì, là công nghệ sinh học, một trong những hệ thống công nghệ cấu thành của cách mạng 4.0 đấy. Không nắm vững nó làm sao mà tuyên truyền phát triển nông nghiệp trong điều kiện sản xuất cụ thể của tỉnh ta được? Rồi còn vấn đề mang tính “vĩ mô” hơn, như phát triển “chuỗi giá trị” trong sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, để cho một nông hộ có thể làm giàu chỉ trên 1 ha đất canh tác.
Dù sao Tây Ninh vẫn là tỉnh nông nghiệp, nền tảng để phát triển kinh tế vẫn là chuyện sản xuất nông nghiệp, nên chuyện làm thế nào để nông dân thoát cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” không thể không đặt ra và duy trì thường xuyên trên các phương tiện truyền thông của tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XII. Ảnh: Ð.H.T
Ðiểm qua vài nét khái quát trong “chuyện nghề, chuyện đời” của người làm báo kể trên, có lẽ đã có trả lời cho câu hỏi “ làm báo thời 4.0 dễ hay khó?”.
Vâng, làm báo thời nay khó lắm, không chỉ đòi hỏi người làm báo phải có đủ các thứ vốn chính trị, vốn văn hoá, vốn kiến thức… “trên giấy tờ”, mà cần phải có “vốn sống, vốn thực tế” với sự trải nghiệm cuộc sống càng nhiều càng tốt.
Cho dù bạn là phóng viên trẻ, mới từ trường lớp ra, bạn cũng không có quyền vin vào lý do “thiếu vốn” để biện bạch cho mình một khi bạn “lỡ” sai sót trong một bài viết, dù chỉ là một mẩu tin nhỏ. Không phải không có lý khi có người làm báo đi trước đã ví von- mà không sợ khập khiễng rằng: “Làm nghề báo cũng giống như làm xiếc đi trên dây mà không có lưới bảo hộ.
Xong một lượt biểu diễn thì có một ít thù lao và một tràng pháo tay. Còn sẩy chân chỉ một lần thôi thì chí ít cũng tàn phế nếu không thiệt mạng”. Mà muốn không va vấp ngay từ những ngày đầu mới chập chững vào nghề, không gì khác hơn là các nhà báo trẻ phải lao vào thực tế với sự cẩn trọng tối đa và thái độ cầu thị, cái tâm trong sáng.
Còn sự thiếu thốn vì “chưa đủ vốn” của mình thì không chỉ có thể “cầu cứu” ở người đi trước, mà đã có ngay “ông thầy 4.0” trên tay mình, “sợt” một cái là có ngay hàng triệu lời đáp.
Vấn đề là bạn phải đủ tỉnh táo để vạch trong “đám lá tối trời” ấy những thông tin nào là chính xác, tương đối chính xác, tiệm cận với vấn đề mình muốn tìm hiểu để tham khảo, đối chiếu và tìm được câu trả lời trong thực tiễn.
Và nếu như bạn không còn trẻ lắm, thì hãy nhìn lại mình đi, xem mình còn khiếm khuyết chỗ nào và nhanh chóng lấp đầy bằng mọi cách, nếu bạn không muốn văng ra khỏi bộ máy nghề nghiệp đang vận hành trong thời đại 4.0.
NGUYỄN TẤN HÙNG