Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lan toả nét đẹp áo dài
Thứ bảy: 06:46 ngày 06/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại Tây Ninh, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp Hội LHPN tỉnh kêu gọi các cấp Công đoàn, Hội Phụ nữ thực hiện các hoạt động tôn vinh nét đẹp của chiếc áo dài.

Tác phẩm “ngõ phố”, chất liệu sơn dầu của hoạ sĩ Trương Thị Thoa- Hội viên Hội VHNT tỉnh.

Lan toả nét đẹp áo dài

Tiếp nối hiệu ứng từ chuỗi sự kiện “Áo dài- Di sản văn hoá Việt Nam” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2020; năm nay, Hội LHPN Việt Nam phát động Tuần lễ áo dài từ ngày 1 đến ngày 8.3, vận động nữ công chức, viên chức, phụ nữ mọi lứa tuổi trên cả nước hưởng ứng nhằm quảng bá trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, cổng thông tin điện tử. Tại Tây Ninh, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp Hội LHPN tỉnh kêu gọi các cấp Công đoàn, Hội Phụ nữ thực hiện các hoạt động tôn vinh nét đẹp của chiếc áo dài.

Chị Nguyễn Thị Ðức Hồng - Giáo viên Trường trung cấp Y tế Tây Ninh cho biết, với đặc thù của trường nên việc mặc áo dài không thường xuyên, chỉ bắt buộc vào các dịp lễ hay chào cờ đầu tuần. Nhưng với chị, mỗi khi có dịp mặc, chị rất thích.

“Tôi đã thử mặc đủ kiểu áo dài, từ truyền thống cho đến cách tân. Mỗi kiểu có cái đặc sắc, vẻ đẹp riêng”- chị Hồng nói. Theo chị Ðức Hồng, mặc áo dài, vẻ đẹp của người phụ nữ như được tôn vinh thêm. Trong những dịp lễ, trang phục áo dài thể hiện sự quý phái, truyền thống của người phụ nữ.

Chị Ðức Hồng cho biết thêm, tại Trường trung cấp Y tế có học sinh người Campuchia tham gia học tập. Dịp tết vừa qua, do tình hình dịch Covid-19 nên các em không về được, hoà trong không khí tết cổ truyền của Việt Nam, các nữ học sinh người Campuchia cũng chọn áo dài làm trang phụ để chụp ảnh, lưu lại kỷ niệm. “Các bạn cũng biểu lộ sự thích thú khi mặc áo dài, vì trang phục này vừa giúp tôn dáng, lại kín đáo. Tôi rất vui khi thấy áo dài, trang phục truyền thống của dân tộc mình được các bạn sinh viên quốc tế đón nhận”.

Chơi xuân ngày tết. Ảnh: Huỳnh Ðông

Chị Phạm Thị Hải Trinh- Chủ tịch Hội LHPN thị trấn huyện Dương Minh Châu chia sẻ đầy hào hứng về Tuần lễ áo dài. Chị cho biết thời gian này, áo dài được các chị mặc để đi dự họp chi hội, đi chợ, đi làm, đi lễ chùa…

Chị Trinh nói: “Các hội viên rất thích vì có dịp diện áo dài, do các chị quanh năm bận bịu, nên có dịp mặc áo dài là rất thích. Phụ nữ ai cũng thích đẹp, mà mặc áo dài khiến các chị tự tin, thấy mình đẹp hơn. Các chị còn cùng nhau chia sẻ hình ảnh mặc áo dài lên các trang mạng xã hội như một cách lan toả nét đẹp này”.

Chị Nguyễn Thị Phi Yến- Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Ðức, huyện Gò Dầu cho biết, hội viên phụ nữ trong xã tích cực hưởng ứng tuần lễ áo dài, các chị còn tham gia cuộc thi Duyên dáng áo dài cho Hội LHPN huyện tổ chức với hình thức bình chọn qua fanpage.

Không chỉ nữ giới, mà ngày nay nhiều nam giới trong những dịp đặc biệt cũng chọn áo dài làm trang phục. Anh Nguyễn Quốc Tiến (xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) chia sẻ, vì đặc thù công việc làm người dẫn chương trình nên anh cũng có lúc chọn áo dài làm trang phục.

Theo anh, nam giới mặc áo dài cũng thoải mái và thấy thích lắm. Và để có một ngoại hình ưng ý cho các sự kiện, anh Tiến không ngại bỏ tiền mua cho mình chiếc áo dài phù hợp, dù giá không rẻ. Anh nói: “Quan trọng là mình mặc chiếc áo vào thấy đẹp và tự tin hơn”.

Ðường về. Ảnh: Huỳnh Ðông

Chung tay quảng bá

Năm 2021, LÐLÐ tỉnh phối hợp cùng Hội LHPN phát động trong nữ cán bộ, công nhân viên chức lao động hưởng ứng Tuần lễ áo dài. Bà Phan Thị Hồng Ðào- Phó Chủ tịch LÐLÐ tỉnh cho biết, nhằm tôn vinh chiếc áo dài, cùng với kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ, thông qua việc phát động Tuần lễ áo dài, Liên đoàn mong muốn nữ cán bộ công chức, viên chức, người lao động mặc áo dài trong các hội nghị, các sự kiện để tôn vinh trang phục truyền thống.

Từ năm 2020, LÐLD tỉnh phát động đã được các công đoàn cơ sở đã tích cực tham gia, có đơn vị các chị mặc áo dài hết các ngày trong tuần hoặc một vài ngày, năm nay không khí hưởng ứng cũng rất tích cực. Bà cũng mong muốn trong thời gian tới, sẽ lan toả việc mặc áo dài ra đội ngũ nữ công nhân lao động ở những dịp thích hợp.

Thả hoa đăng. Ảnh: Huỳnh Ðông

Hội LHPN tỉnh quán triệt tinh thần hưởng ứng trong cán bộ, hội viên để Tuần lễ áo dài trở thành một dịp đặc biệt. Bà Phan Thị Thuỳ Vân- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, để hưởng ứng Tuần lễ áo dài, Hội LHPN tỉnh phối hợp LÐLÐ tỉnh phát động trong nữ cán bộ, công nhân, viên chức mặc áo dài trong các dịp lễ, hội họp…

Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ, tổ chức các cuộc thi duyên dáng áo dài, cùng lan toả hình ảnh đẹp trên các mạng xã hội. Có thể thấy, qua năm thứ hai phát động, các chị em rất hào hứng với hoạt động này, giúp chị em tự tin hơn khi mặc áo dài, lan toả vẻ đẹp của chiếc áo dài Việt Nam.

Bà Ðặng Thị Phượng- Chủ tịch Hội VHNT tỉnh chia sẻ, chiếc áo dài luôn là đề tài hấp dẫn của giới văn nghệ sĩ từ thơ ca đến hội hoạ, nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc. Hình ảnh phụ nữ Việt Nam với chiếc áo dài truyền thống đã được nhiều văn nghệ sĩ miêu tả, ca ngợi.

Với các chất liệu sơn dầu, in độc bản, acrylic, các hoạ sĩ Tây Ninh đã miêu tả, khắc hoạ chiếc áo dài Việt Nam qua các tác phẩm như “Những chiếc áo dài trên phố”, “Trăng liêu trai”, “Thiếu nữ và con mèo”, “Con mèo bên chiếc áo dài” của Trần Chỉnh; “Phong cảnh chùa Núi Bà”, “Thiếu nữ” của Ðặng Thức; “Bên trong cửa sổ”, “Cô gái Việt”, “Nụ tầm xuân”, “Hương sen”, “Mộng dưới hoa”, “Ngõ phố” của nữ hoạ sĩ Trương Thị Thoa; “ Thiếu nữ” của Nguyễn Vũ…

Thiếu nữ. Ảnh: Ninh Áo dài

Với ngôn ngữ ánh sáng, bố cục, khoảnh khắc, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Tây  Ninh cũng đã lưu giữ vẻ đẹp chiếc áo dài Việt Nam một cách rõ nét và tinh tế với các tác phẩm “Hạnh phúc”, “Nét xuân”, “Múa mâm vàng trên đỉnh Bà Ðen”, “Nét xuân thì”, “Hè về”, “Chào mừng ngày 8.3”, “Cho chữ ngày xuân”, “Tuổi học trò” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ðỗ Thành Nhân và nhiều tác phẩm, tác giả khác.

 Bà Phượng chia sẻ thêm: “Tôi thường mặc áo dài trong những hội nghị sơ, tổng kết, lễ tổng kết trao giải các cuộc thi, khi dẫn chương trình phục vụ lễ hội, sự kiện của tỉnh; lúc là diễn giả, ban giám khảo...”.

Có thể thấy, Tuần lễ áo dài và sự khoe vẻ đẹp từ chiếc áo dài đã tạo thành một sự kiện có ý nghĩa hằng năm mà những người phụ nữ và chiếc áo dài Việt Nam mang lại. Và nó cần được lưu truyền, gìn giữ và phát huy giá trị.

Vi Xuân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục