Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiễn đưa Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Thứ tư: 16:03 ngày 10/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Trung ương Đảng vào viếng vị Tư lệnh bộ đội Trường Sơn.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu Trung ương Đảng vào viếng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Giang Huy

Từ 7h30 sáng 10/4, lễ tang Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng diễn ra tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội. 

Ban lễ tang gồm 23 thành viên, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban. 

Những lẵng hoa được bày trước di ảnh và trên linh cữu vị Tư lệnh bộ đội Trường Sơn. Dù 7h30 lễ viếng mới bắt đầu nhưng từ sáng sớm nhiều cựu chiến binh, đồng đội đã đến nhà tang lễ để chuẩn bị tiễn đưa ông. 

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu Trung ương Đảng vào viếng; trong đoàn có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Giang Huy

Sau khi thắp hương tưởng nhớ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chậm rãi đi vòng quanh linh cữu, nắm tay người thân trong gia quyến vị tướng để chia sẻ nỗi đau mất mát. 

Viết trong sổ tang, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vô cùng thương tiếc Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, "nhà lãnh đạo xuất sắc có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta...". 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ tang. Ảnh: Giang Huy

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành những lời trân trọng để tưởng nhớ cố Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Theo ông, là tư lệnh bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trực tiếp chỉ huy các lực lượng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", hình thành tuyến đường huyết mạch, chiến lược để chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng thống nhất đất nước. 

Cũng theo Thủ tướng, sau khi đất nước thống nhất, ông Đồng Sỹ nguyên "là nhà lãnh đạo quyết liệt, trách nhiệm, sâu sát thực tiễn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm", để lại những dấu ấn đậm nét trong nhiều lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, giao thông vận tải và trong các công trình quan trọng của đất nước như cầu Chương Dương, đường Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi gia quyến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Giang Huy

Ông Kim Ngọc Quản - anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, lái xe đường Trường Sơn những năm chiến tranh,dù đã 75 tuổi, sức khoẻ yếu, phải nhờ con trai dìu đi nhưng vẫn đến viếng vị thủ trưởng năm xưa. 

Một tay vịn vào con trai, một tay cầm theo bức ảnh chụp tại gia đình tướng Đồng Sỹ Nguyên cách đây 20 năm, ông tự hào khoe, "cuộc đời làm lái xe rất vinh dự được thủ trưởng Nguyên gọi là tuấn mã Trường Sơn". 

Ông Kim Ngọc Quản cùng con trai đến viếng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Viết Tuân

Đến giờ, ông Quản vẫn nhớ từng chi tiết câu chuyện xảy ra năm 1972. Khi đó, đoàn xe của ông đến Saravane (Lào) thì gặp tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. "Trong đêm, máy bay Mỹ bất chợt ném bom toàn bộ khu vực. Trong giây phút hiểm nguy ấy, tôi nhanh trí kéo tay tư lệnh xuống hầm chữ A để tránh bom. Sau này, mỗi khi nhắc lại kỷ niệm, thủ trưởng Nguyên rất xúc động", ông Quản kể. 

Trong ký ức của ông, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người rất gần gũi với chiến sĩ, đồng đội, "tư lệnh luôn đi đầu, xông pha nơi hòn tên, mũi đạn cùng anh em. Tôi đến nhiều nơi rất hiểm nguy trên chiến trường, đã thấy dáng người cao gầy của thủ trưởng ở đó rồi".

Sau lễ viếng, lễ truy điệu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên diễn ra vào 12h30, di quan lúc 13h15; lễ an táng lúc 17h tại nghĩa trang Vĩnh Hằng, Ba Vì, Hà Nội. 

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần hồi 11h42 ngày 4/4 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 96 tuổi. Ông tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, sinh năm 1923 tại Quảng Trạch, Quảng Bình; tham gia cách mạng từ năm 1938 và một năm sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông là phái viên Bộ Tổng tư lệnh, tham gia nhiều chiến dịch. Giai đoạn 1954 - 1955 ông phụ trách công tác trao trả tù binh chiến tranh. Sau đó, ông giữ nhiều chức vụ như: Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần; tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn (1967-1975); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Năm 1974, ông được phong vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.

Giai đoạn 1982 - 1991, ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Năm 1991, ông thôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, được cử làm đặc phái viên Chính phủ thực hiện chương trình 327 "trồng bảo vệ rừng phòng hộ"; tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh. 

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được tặng thưởng huân chương Sao vàng, huân chương Quân công hạng Nhất, huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục